Kinh tế

Bão giá đang 'gõ cửa' từng gia đình, ngấm vào từng bữa cơm: Siết chặt chi tiêu, cắt spa, giảm giải trí

'Bão giá' đang hiện diện rõ rệt trên mâm cơm, túi tiền của những người nội trợ mỗi ngày. Từ khi giá cả tăng dần, họ phải hạn chế hoặc cắt bỏ một số khoản chi tiêu như đưa con đi khu vui chơi, xem phim, cắt giảm mua sắm cho bố mẹ...

Theo VTC News dẫn lời chị Hoàng Thanh Tuyến (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Cơn “bão giá” hiện nay không còn nằm ở trên tivi, báo đài nữa mà đã gõ cửa đến từng gia đình. Chẳng nói đâu xa, mới tối hôm qua tôi đặt nửa con gà luộc trên ứng dụng đặt đồ ăn nhanh, trọng lượng gần 700gr mà giá 250.000 đồng, chưa kể tiền ship. Vẫn là nửa con gà luộc tương tự, tôi nhớ thời điểm trước Tết Nguyên đán giá chỉ khoảng 180.000 đồng”.

Đó chỉ là một mẩu chuyện gần nhất mà chị Tuyến nêu ra để chứng minh rằng cơn “bão giá” đã, đang và vẫn còn tiếp tục gõ cửa từng nhà, từng nhà một. Trước là thành thị, sau dần sẽ đến vùng ven và cuối cùng là nông thôn.

“Rau, củ, trứng, thịt, cái gì cũng lên giá. Tôi nhớ lúc chưa xuất hiện dịch COVID-19, tôi chỉ mang 40.000 đồng ra chợ là đã có thể mua đủ rau, thịt, nấu một bữa cơm tương đối cho cả gia đình 3 người. Còn bây giờ, với 40.000 đồng khéo chỉ mua được 2 bó rau muống”, chị Tuyến nói tiếp.

Dạo một vòng chợ, chị Thu Quỳnh (Hà Nội) khá “choáng” khi các mặt hàng tăng giá chóng mặt. Với 25 nghìn đồng, chị mua được 1 mớ rau muống, 1 mớ mồng tơi, 5 quả sấu và vài cọng hành lá.

Bão giá đang 'gõ cửa' từng gia đình, ngấm vào từng bữa cơm: Siết chặt chi tiêu, cắt spa, giảm giải trí

“Giá trứng gà công nghiệp cũng lên 32 nghìn/chục. 100 nghìn mua được 4 lạng thịt lợn và 2 lạng thịt bò. Hỏi chị bán hàng thì người ta bảo giá cả lên lâu rồi và còn lên nữa vì giá xăng vẫn đang tăng”.

Bà mẹ hai con cho VietNamNet biết, việc tăng giá đang hiện diện rõ rệt trên mâm cơm, túi tiền của những người nội trợ mỗi ngày.

“Với một gia đình trẻ nhẩm tính sơ, mỗi ngày tiền gạo, dầu mắm muối cũng hơn 200 nghìn, chưa kể sữa, bỉm, ăn sáng cho con. Hai vợ chồng, 2 đứa con sống tằn tiện cũng hết 8-9 triệu đồng, chưa kể thuê nhà, con ốm mẹ đau, và hàng trăm thứ chi khác, thứ nào cũng tăng giá.

Ước mơ mua nhà là quá xa xỉ vì giá đất đã cao gấp hơn 20 lần thu nhập trung bình. Chi phí tinh thần như xem phim, nghe nhạc, đi chơi thì thôi đừng tính”.

Để đối phó với cơn “bão giá” thì hầu hết người dân phải tự tìm cách cân đối thu, chi nhằm đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Không ít gia đình lựa chọn tiết kiệm chi tiêu và chỉ ưu tiên chi tiền cho những nhu cầu thiết yếu.

Gia đình chị Phương Anh (Long Biên, Hà Nội) dạo gầy đây cũng phải cân đối lại chi tiêu để đối phó với cơn "bão giá". Nhà chị có 4 người - gồm 2 vợ chồng và 2 con 10 tuổi và 7 tuổi. Bữa ăn hằng ngày chủ yếu có rau, thịt lợn, thịt gà vịt, trứng...

Mỗi ngày, chị cân đối tiền chợ từ 200-300 nghìn/ngày. Việc xăng tăng giá kéo theo rất nhiều mặt hàng tăng theo như dầu ăn, đường, rau, thịt, cá… “Một mớ rau tăng từ 8 lên 16 nghìn, thịt lợn tăng từ 100 lên 130-140 nghìn/kg”.

Thỉnh thoảng, chị không nấu cơm thì cả nhà ra ngoài ăn bún, phở..., giá cả cũng tăng từ 35 lên 45 nghìn/bát.

Từ khi giá cả tăng dần, chị phải hạn chế hoặc cắt bỏ một số khoản chi tiêu như đưa con đi khu vui chơi, xem phim, cắt giảm mua sắm cho bố mẹ. “Việc đi spa là mình gần như cắt hẳn”, chị chia sẻ 

Bão giá đang 'gõ cửa' từng gia đình, ngấm vào từng bữa cơm: Siết chặt chi tiêu, cắt spa, giảm giải trí - 1

Anh Trần Quý (trú Hà Đông, Hà Nội) than thở, giá xăng dầu tăng liên tục khiến mọi thứ đều tăng giá theo, quan trọng nhất là giá thực phẩm. Điều này, gây khó khăn cho cho những gia đình có thu nhập trung bình bám trụ lại thành phố, với gánh nặng "cơm áo gạo tiền" mỗi ngày lại càng đè nặng hơn.

"Trước đây, thi thoảng gia đình tôi còn có bữa hải sản cải thiện, nhưng hai tháng nay đến mua bánh, sữa cho con, cũng phải tính toán chi li. Các hàng hóa cần thiết cho việc ăn, uống... hàng ngày đa số đã tăng hơn 30% so với đầu năm. Cứ tăng nữa , người lao động như chúng tôi không biết phải sống ra sao. Giờ vợ chồng tôi còn chẳng dám ốm, ốm nữa thì lấy tiền đâu mà đi viện", anh Quý buồn rầu chia sẻ với VTC News.

"Cấu trúc tiêu dùng" của Hoàng Ngọc Hà (30 tuổi, ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thay theo giá cả. Ở một mình, thu nhập hơn 15 triệu đồng mỗi tháng, Ngọc Hà khẳng định giá các mặt hàng tăng chưa làm chao đảo cuộc sống của cô. Tuy nhiên, muốn không vỡ kế hoạch tiết kiệm, Ngọc Hà buộc phải thắt chặt bốn hạng mục chi tiêu chính gồm thực phẩm, làm đẹp, giải trí, học tập.

Một tháng nay, cô đi bộ đến công ty cách nhà 2 km. Đi bộ là một hình thức thể dục, nên cô cắt được thêm khoản phí phòng tập hàng tháng. "Trước thì ngại bụi, ngại nắng, giờ thì ngại giá xăng tăng", cô nói.

Thay vì đi chợ truyền thống, Ngọc Hà chuyển sang đi chợ online. Công ty cô hiện đang liên kết với một số sàn thương mại điện tử, có nhiều chương trình giảm giá cho nhân viên khi mua thực phẩm, tặng tiền khi tải ứng dụng...

"Tuy tốn chút thời gian cài đặt nhưng một ngày cũng có thể tiết kiệm được vài chục nghìn", cô nói. Hà nấu cơm mang đi làm, thôi xem phim, ít tụ tập bạn bè và chăm chỉ săn váy, áo và mỹ phẩm giảm giá thay các mặt hàng có thương hiệu. "Giờ cái gì cần thật sự cần mới dám chi", cô chia sẻ trên VnExpress.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/bao-gia-dang-go-cua-tung-gia-dinh-ngam-vao-tung-bua-com-siet-chat-chi-tieu-cat-spa-giam-giai-tri-tintuc829189