Kinh tế

Bán nước chấm và tương ớt, Masan thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm

Mỗi năm Masan Consumer đều thu về hàng chục nghìn tỷ doanh thu từ các sản phẩm tiêu dùng của mình, trong đó, hàng gia vị (nước chấm, tương ướt...) luôn đóng vai trò trụ cột.

Thành lập từ năm 1996, Masan Consumer (MCH) hiện là công ty con sở hữu gián tiếp của Tập đoàn Masan thông qua Công ty TNHH Masan Consumer Holdings.

Với các sản phẩm tiêu dùng chủ đạo như nước tương, nước mắm công nghiệp, tương ớt, mì ăn liền… công ty này đang chiếm phần lớn thị phần tiêu thụ các ngành hàng này tại thị trường Việt Nam.

Lãi hàng nghìn tỷ mỗi năm nhờ nước chấm, tương ớt

Nhờ độ phủ của sản phẩm trên thị trường, mỗi năm Masan Consumer đều ghi nhận hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu, cùng hàng nghìn tỷ lãi ròng.

Trong đó, ngành hàng gia vị gồm các sản phẩm nước chấm công nghiệp, tương ớt… luôn giữ vai trò trụ cột trong hoạt động kinh doanh của công ty.

Nhiều năm trở lại đây, Masan Consumer cũng ghi nhận tỷ suất lãi gộp trên doanh thu ở mức rất cao, xấp xỉ 45%. Tức mỗi 100 đồng doanh thu bán sản phẩm thì công ty này thu về gần 45 đồng tiền lãi gộp.

Như năm 2018, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần tăng 29% so với năm trước, đạt 17.006 tỷ đồng. Tỷ suất lãi gộp đạt 45% là nguyên nhân chính giúp công ty này thu về khoản lãi ròng sau thuế tăng hơn 51%, đạt 3.397 tỷ.

Đây cũng là mức lợi nhuận ròng cao nhất mà Masan Consumer thu về được trong 4 năm gần nhất.

Bán nước chấm và tương ớt, Masan thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm

Đáng chú ý, đóng góp lớn trong kết quả kinh doanh này là ngành hàng gia vị (nước chấm, tương ớt…).

Năm 2018, doanh thu từ nhóm hàng này mang về cho Masan Consumer 6.958 tỷ đồng, tăng 35% (chủ yếu đến từ các sản phẩm nước mắm công nghiệp và nước tương) với sản lượng tiêu thụ tăng 30% và giá bán tăng 3,8%.

Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng gia vị của công ty này năm qua cũng đạt trên 51%. Tỷ lệ này thậm chí còn đã giảm nhẹ so với những năm trước đó như 53% vào năm 2017; hay 57% vào năm 2016.

Nếu so với các doanh nghiệp đầu ngành trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam, hiệu quả kinh doanh của Masan Consumer với trụ cột là mảng gia vị cũng cao hơn nhiều.

Năm 2018, tỷ suất lợi nhuận gộp trong hoạt động kinh doanh sữa của Vinamilk mới đạt 46,8%. Trong khi tại mảng đồ uống với sản phẩm chủ đạo là bia, tỷ suất lãi gộp của Sabeco mới đạt 22% hay Habeco cũng chỉ là 24%.

Nguy cơ bị thu hồi sản phẩm vì an toàn thực phẩm

Báo cáo thường niên năm 2017 của Masan dẫn nguồn từ Euromonitor cho hay, thị trường ngành hàng gia vị, nước sốt và nước sốt salad có quy mô khoảng 23.700 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2022, thị trường này sẽ có mức tăng trưởng kép (CAGR) là 4%.

Trong đó, công ty này đang nắm giữ 66% thị phần nước mắm; 67% thị phần nước tương và 71% thị phần tương ớt trên thị trường.

Báo cáo này cũng cho biết với việc kinh doanh trong ngành thực phẩm, gia vị, Masan Consumer phải đối mặt với rủi ro xảy ra tình trạng nhiễm bẩn sản phẩm. Bên cạnh đó, bất kỳ vụ nhiễm bẩn nào như vậy sẽ khiến công ty có nguy cơ bị khiếu nại về trách nhiệm đối với sản phẩm.

Do vậy, công ty có thể bị khiếu nại liên quan đến tình trạng này và có thể phải thu hồi sản phẩm hoặc rút khỏi thị trường, điều đó có thể ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và triển vọng hoạt động.

Bán nước chấm và tương ớt, Masan thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm - 1
Những chai tương ớt hiệu Chinsu của Masan bị chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản yêu cầu thu hồi vì có chứa chất không được sử dụng tại nước này. Ảnh: OsakaCity.

Thực tế, lo ngại này của công ty đã xảy ra khi mới đây chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) thông báo về việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu của Masan nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, số tương ớt này bị thu hồi do có sử dụng chất phụ gia thực phẩm axit benzoic, axit sorbic... chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)