Kinh tế

Bán đất rừng như mớ rau, rổ cá trong cơn sốt giá ở Phú Quốc

Dẫn tài xế taxi vào con đường mòn ven rừng rồi chỉ tay vô đám cỏ, nam thanh niên nói: "240 triệu đồng, ngang 5 m, không mua ngày mai tôi bán cho người khác".

Trong cơn sốt đất ở Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều người nghèo ở đất liền ra đảo ngọc tìm kế sinh nhai đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nền nhà để "an cư lạc nghiệp". Gọi vào các số điện thoại ghi trên áp phích treo cột điện, nhánh cây ven đường để mua đất cất nhà nhưng tài xế taxi Thanh Huy (ngụ Nam Định) đều thở dài sau khi hỏi giá.

"Họ ghi giá từ 390 đến 450 triệu đồng nhưng điện hỏi thì đầu dây bên kia nói đã tăng lên 2-3 lần và nền xa tít trong rừng, giấy tờ không có. Còn đất ở khu vực phân lô bán nền trên đất trồng cây lâu năm thì ít nhất cũng 15-19 triệu đồng một m2", anh Huy chia sẻ.

Bán đất như bán rau

Tương tự, anh Hồng Hiệp không thể tìm mua đất cất nhà ở các xã quanh thị trấn Dương Đông như Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh nên tìm đến phía bắc của đảo ngọc. Cùng đi với tài xế taxi đang "chán cảnh cơm hàng cháo chợ" này để đi xem đất ở xã Gành Dầu, phóng viên Zing.vn được một thanh niên ngoài 30 tuổi dẫn vào con đường mòn ven rừng.

Bán đất rừng như mớ rau, rổ cá trong cơn sốt giá ở Phú Quốc
Thửa đất không giấy tờ và nguồn gốc được bán như rổ rau ngoài chợ với giá 240 triệu đồng tại xã Gành Dầu, Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.

Chỉ tay vào đám cỏ, người được cho là chủ đất nói: "Ngang 5, dài 27 m, giá 240 triệu đồng. Mua thì anh đặt cọc, ngày mai giao đất giao tiền, không thì tôi bán người khác".

Anh Hiệp hẹn đối tác một ngày sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vì không rõ nguồn gốc đất. Tuy nhiên, trưa hôm sau người đàn ông quê Lâm Đồng đã không mua được khu đất được cho là rẻ nhất ở Phú Quốc vì chủ bán cho người khác.

Trên đường quay ra khu tái định cư xã Gành Dầu, anh Hiệp được một người đàn ông địa phương chỉ vào khu đất vừa cưa và đốt trụi khoảng 4.000 m2 đất rừng kêu giá 1,5 tỷ đồng cho một công đất (1.000 m2). Người đàn ông lái taxi nài nỉ "chủ đất" bán cho một thửa ngang 4 m, dài 30 m để cất nhà ở tạm nhưng bất thành.

"Mua hết 4 công (4.000 m2 - PV) thì tôi bán nhanh luôn như thau tôm, rổ cá. Còn cắt nhỏ ra tôi không bán đâu", người được cho là chủ đất nói.

Bán đất rừng như mớ rau, rổ cá trong cơn sốt giá ở Phú Quốc - 1
Ông Phạm Văn Sỹ ở khu phố 7, thị trấn Dương Đông đưa phóng viên đi vào rừng ở Phú Quốc để ghi nhận thực tế "rừng chảy máu" trong cơn sốt giá đất. Ảnh: Việt Tường.

Tương tự, một người tên Thanh nói rằng ông có khu đất rộng đến 36 ha ở Rạch Vẹm, cần bán nhanh với giá 1 tỷ đồng mỗi công và ai mua hết để "làm dự án" thì "tiền trao cháo múc" ngay. Tuy nhiên, liên hệ chính quyền địa phương thì lãnh đạo UBND xã Gành Dầu khẳng định khu đất ông Thanh kêu bán như mớ rau, rổ cá là do Nhà nước quản lý.

"Đất nằm trong rừng phòng hộ thì làm sao mua bán được. Trường hợp phá rừng kiểm lâm xử lý, nếu đất trống do phá rừng mà có thì khi xây dựng sẽ bị UBND xã lập biên bản", bà Lê Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu, nói.

Nhiều dự án treo quá lâu

Trên chuyến tàu cao tốc từ Rạch Giá đi Phú Quốc, chúng tôi được một người đàn ông "tiếp thị" hai khu đất 4 ha và 3,6 ha ở xã Cửa Cạn. Người này kêu giá 2,2-2,5 tỷ đồng cho mỗi công đất và "cần bán gấp" để lấy vốn đầu tư khách sạn.

Phóng viên sau đó đã nhờ những người có bản đồ tọa độ các khu đất kiểm tra giùm thì biết được khu vực mà người đàn ông trên tàu cao tốc "cần bán gấp" nằm trong rừng do Nhà nước quản lý. Không có giấy tờ nhưng người được cho là chủ đất nói rằng họ có người quen "đội nhóm" sẵn sàng "bao" thủ tục với điều kiện chia 30%.

Bán đất rừng như mớ rau, rổ cá trong cơn sốt giá ở Phú Quốc - 2
Ngoài việc cưa hạ cây, người dân còn đốt rừng để sớm có những khu đất như thế này và rao bán với giá 1,5 tỷ đồng mỗi công. Ảnh: Việt Tường.

Ông Phan Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, cho biết những người bán đất không có giấy tờ là giao dịch bất hợp pháp. Theo ông Tuấn, ở xã này không có người dân nào sở hữu vài chục công đất nên người mua cần thận trọng để tránh bị lừa đảo, mất tiền.

Ngoài việc sốt giá đất, một vấn đề nan giải ở đảo ngọc Phú Quốc là có một số dự án treo nhiều năm nhưng không thu hồi được. Theo ông Tuấn, xã Cửa Cạn ngoài dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hải Lưu còn có nhiều dự án khác đã bị chính quyền sở tại đề nghị cấp trên thu hồi nhưng vẫn không "nhúc nhích".

Không chỉ ở xã Cửa Cạn, tại thị trấn Dương Đông cũng có một khu đất thuộc dự án của Hải Lưu bị treo nhiều năm, khiến nhiều người dân ở khu phố 7 bức xúc.

Ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, nói rằng dự án của công ty Hải Lưu triển khai chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhà đầu tư thiếu quyết liệt, còn chính quyền địa phương thì chưa giao được đất sạch.

Bán đất rừng như mớ rau, rổ cá trong cơn sốt giá ở Phú Quốc - 3
Dự án khu du lịch sinh thái mang tên Hải Lưu được treo 10 năm tại xã Cửa Cạn. Ảnh: Việt Tường.

"Ngoài Hải Lưu thì còn nhiều dự án chưa thực hiện được vì giải tỏa kiểu da beo, ép nhà đầu tư làm cũng kẹt cho họ. Dĩ nhiên cũng còn một số lý do như quyết tâm của nhà đầu tư không cao", ông Nhất chia sẻ.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đảo ngọc hiện có 278 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các quy hoạch với diện tích 10.676 ha. Tổng vốn đầu tư của các dự án này ước khoảng 361.054 tỷ đồng. Trong đó có 215 dự án du lịch, 23 dự án dân cư và đô thị, 8 dự án nông nghiệp, 8 dự án dịch vụ công cộng...

Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)