Kinh tế

Ba nghìn tỷ trao tay, kỷ lục chưa từng có gọi tên ông Trịnh Văn Quyết

Cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết vừa lập kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán: 135 triệu cổ phiếu trao tay trong một phiên bảng giao dịch lần đầu tiên trong 6 tháng bị đơ, không hiển thị giá thực.

Phiên giao dịch 10/1 chứng kiến một kỷ lục chưa từng có 135 triệu cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết được chuyển nhượng trong tình trạng cổ phiếu này biến động rất mạnh, từ tăng trần (thêm 7% trong buổi sáng) sang giảm sàn vào buổi chiều, trước khi đóng cửa giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/cp.

Sau hơn 6 tháng sàn thông suốt với hệ thống giao dịch mới do Tập đoàn FPT phát triển (nâng giới năng lực xử lý lên 3 triệu lệnh/phiên), thị trường chứng kiến một phiên bảng giá sàn HOSE “đơ”, giá và khối lượng giao dịch các cổ phiếu đứng im, không nhảy trong khoảng nửa tiếng cuối phiên. Trong khi, bảng giá sàn chứng khoán Hà Nội và Upcom vẫn hoạt động bình thường.

Ba nghìn tỷ trao tay, kỷ lục chưa từng có gọi tên ông Trịnh Văn Quyết
Cổ phiếu FLC ghi kỷ lục với gần 135 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 3.100 tỷ đồng trao tay trong 1 phiên.

Với gần 135 triệu cổ phiếu được giao dịch trong 1 phiên, FLC trở thành mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong ngày lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. Số cổ phiếu này chiếm 20% lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp này và chiếm gần 10% thanh khoản sàn HOSE trong phiên.

Trước đó hôm 5/1, Tập đoàn FLC (FLC) đã đăng trên trang web tập đoàn về việc ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10/1 cho đến 17/1 thông qua phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh để cơ cấu tài sản.

Trước giao dịch ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ Tập đoàn FLC. Nếu giao dịch thành công, ông Quyết sẽ chỉ còn nắm giữ 40,4 triệu đơn vị, tương ứng 5,7%.

Như vậy, với thanh khoản kỷ lục gần 135 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1, có thể là một phần số cổ phiếu ông Trịnh Văn Quyết đã bán ra.

Thông tin về việc ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán là quan trọng. Tuy nhiên, thông tin không được tìm thấy trên trang web của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (ssc.gov.vn) hay HOSE (Hsx.vn) tính cho đến hết phiên ngày 10/1.

Báo cáo trên trang web FLC cho thấy tập đoàn này gửi thông tin đăng ký bán tới UBCKNN và HOSE.

Ba nghìn tỷ trao tay, kỷ lục chưa từng có gọi tên ông Trịnh Văn Quyết - 1
Ba nghìn tỷ trao tay, kỷ lục chưa từng có gọi tên ông Trịnh Văn Quyết

Hiện FLC có 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Với mức giá từ 21.000 đến 24.100 đồng/cp trong phiên, tổng giá trị chuyển nhượng cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 lên tới khoảng 3.100 tỷ đồng.

FLC quay đầu giảm mạnh với thanh khoản lớn trong phiên 10/1 trong bối cảnh cổ phiếu này vừa trải qua một đợt tăng mạnh kéo dài, từ mức 10.000 đồng/cp cách đây 6 tháng lên mức 23.000 đồng/cp.

Kể từ đầu tháng 12, cổ phiếu này cũng đã tăng trên 60%, từ mức 14.000 đồng/cp lên mức 23.000 đồng/cp. Trong năm 2020, cổ phiếu FLC phần lớn thời gian nằm dưới ngưỡng 5.000 đồng/cp.

Ba nghìn tỷ trao tay, kỷ lục chưa từng có gọi tên ông Trịnh Văn Quyết - 2
Kỷ lục của ông Trịnh Văn Quyết, 3 nghìn tỷ trao tay trong phiên

Cổ phiếu FLC tăng mạnh trong vài phiên gần đây trong bối cảnh tập đoàn này vừa khởi công Quần thể Du lịch Nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư ước tính 10.000 tỷ đồng trên quy hoạch gần 250 ha.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, FLC ghi nhận doanh thu giảm 43% xuống dưới 5,7 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 73 tỷ đồng, hoàn thành 8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Hãng hàng không Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn cho dù cũng có thông tin tốt. Hồi tháng 9/2021, Bamboo Airways đón chuyến bay thẳng không dừng Việt - Mỹ đầu tiên tại sân bay San Francisco.

Cùng hồi tháng 9/2021, Hãng hàng không Bamboo Airways đã ký kết thoả thuận lựa chọn động cơ GENx và gói bảo dưỡng cho tàu bay Boeing 787-9 trị giá khoảng 2 tỷ USD với GE Aviation, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn General Electric của Mỹ.

Động cơ GEnx dự kiến sẽ được chuyển giao năm 2022 và được sử dụng cho đội tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways. Đây sẽ là đội bay chủ lực để Bamboo Airways khai thác các hành trình bay thẳng Việt-Mỹ Hãng trong tương lai.

Đây là một bước đi tiếp theo trong hành trình một hãng hàng không Việt Nam mở đường bay trực tiếp sang Mỹ. Nó có thể giúp Bamboo Airways tăng khả  năng cạnh tranh trên những đường bay quốc tế.

Theo M. Hà (VietNamNet) 




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/ky-luc-cua-ong-trinh-van-quyet-3-nghin-ty-trao-tay-trong-phien-807901.html