Kinh tế

ATM có chức năng làm gì mà ngân hàng cứ tăng phí?

Thực tế, ATM chỉ được coi là máy rút tiền tự động, với chức năng rút tiền mặt các ngân hàng "đựng" sẵn trong máy, dù nhiều ATM còn thực hiện được các giao dịch khác.

Cuối tháng 12/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức ban hành Thông tư 35/2012, quy định phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (thường gọi là thẻ ATM) đối với các tổ chức phát hành thẻ, có hiệu lực từ 1/3/2013.

Trước Thông tư 35 có hiệu lực, chưa có quy định nào về việc thu phí giao dịch thẻ ghi nợ của các ngân hàng. Thời điểm đó, khách hàng cũng chưa phải trả phí cho các giao dịch tại ATM như rút tiền mặt, vấn tin số dư… Sau khi Thông tư 35 có hiệu lực, từ không ngân hàng nào thu phí rút tiền tại ATM, nay đã có 12/34 ngân hàng thu phí từ rút tiền đến chuyển khoản.

12/34 ngân hàng thu phí rút tiền ATM nội mạng

Thông tư 35 quy định mức phí rút tiền mặt tại ATM của cùng ngân hàng được điều chỉnh theo lộ trình.

Cụ thể, từ 1/3/2013 đến hết năm 2013, mức phí là từ 0 đến 1.000 đồng/lần giao dịch. Từ năm 2014, mức trần phí rút tiền ATM nội mạng tăng lên tối đa 2.000 đồng, từ năm 2015 là 3.000 đồng trên mỗi giao dịch. Trong khi đó, người thực hiện rút tiền ATM khác ngân hàng phí sẽ dao động mức 0-3.000 đồng/lần giao dịch, tùy năng lực tài chính từng ngân hàng.

ATM có chức năng làm gì mà ngân hàng cứ tăng phí?
Những loại phí bắt buộc người dân sử dụng thẻ ATM phải chịu theo quy định.

Chỉ 12 ngân hàng áp dụng phí rút tiền nội mạng, nhưng hầu hết đều đã xây dựng biểu phí dịch vụ cụ thể sát theo khung mức phí NHNN quy định.

Với giao dịch rút tiền nội mạng ATM, chỉ có 2 ngân hàng đưa ra mức phí dưới trần khi đó, là 200-500 đồng/giao dịch, còn lại 10 ngân hàng đã thu ở mức tối đa cho phép, là 1.100 đồng/giao dịch (gồm thuế VAT).

Riêng với việc rút tiền tại ATM khác ngân hàng, đa số khách phải chịu mức phí kịch trần cho phép, là 3.300 đồng/lần giao dịch (bao gồm VAT).

Ông lớn đồng loạt tăng phí

5 năm từ thời điểm Thông tư 35 có hiệu lực, trừ dịch vụ truy vấn số dư chưa tính phí, hầu hết ngân hàng đều tính phí giao dịch trên máy ATM, dù phần lớn vẫn giữ nguyên mức phí lần điều chỉnh đầu tiên. 

Lần điều chỉnh mới đây nhất vào đầu tháng 5 là một loạt ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, BIDV hay Vietinbank… cùng thông báo điều chỉnh phí rút tiền ATM nội mạng, từ mức 1.100 đồng/giao dịch lên 1.650 đồng.

ATM có chức năng làm gì mà ngân hàng cứ tăng phí? - 1
Mức trần phí rút tiền ATM cùng ngân hàng được NHNN cho phép lên tới 3.000 đồng/giao dịch chưa bao gồm thuế VAT. Ảnh: LH.

BIDV cho biết áp dụng mức phí mới từ ngày 4/5, còn Vietinbank là ngày 5/5. Riêng với thẻ ghi nợ Gold và Pink-Card, mức phí rút tiền mặt tại ATM của Vietinbank được điều chỉnh tăng lên 2.200 đồng (đã bao gồm VAT).

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng thông báo từ ngày 12/5, các khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để rút tiền mặt tại ATM của nhà băng này sẽ phải chịu mức phí 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế), tăng 550 đồng so với mức phí cũ.

Ngoài ra, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.

Lý do tăng thu phí được các ngân hàng này đưa ra là để bù đắp chi phí vận hành ATM đang ở mức lỗ.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 9/5, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng tạm dừng tăng phí ATM.

Thống kê hiện nay, chỉ có 2 ngân hàng thu phí rút tiền ATM nội mạng ở mức 500 đồng/lần giao dịch, là SeABank và NCB. Khách hàng của Maritimebank và MBBank mỗi giao dịch rút tiền tại ATM cùng ngân hàng phải trả chi 1.000 đồng. Trong khi đó, khách hàng sử dụng thẻ không phát hành theo gói của Techcombank phải chịu phí 2.000 đồng cho mỗi giao dịch rút tiền.

Một số ngân hàng đang miễn phí dịch vụ này là Oceanbank, PVcombank, SCB, SHB, HDBank…

Riêng giao dịch rút tiền ATM khác ngân hàng, chỉ còn Kienlongbank, VIB miễn phí (nếu số dư bình quân tháng trước trên 5 triệu) và một số thẻ của ACB.

Phí tăng, chất lượng không tăng?

Tăng phí, các nhà băng luôn cam kết đi kèm tăng chất lượng dịch vụ. Nhưng thực tế, không nhiều khách hàng nhận ra sự thay đổi trong dịch vụ ATM.

Anh Tuấn Anh (26 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết mình chủ yếu giao dịch trên ATM là để rút tiền mặt, và anh không nhận thấy chất lượng cải thiện ở đâu.

“ ATM mới thì sạch sẽ hơn, nhưng mình thấy phần lớn vẫn là cây ATM cũ xập xệ, và đặc biệt nhả tiền rất chậm”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

ATM có chức năng làm gì mà ngân hàng cứ tăng phí? - 2
Hầu hết người đân được hỏi cho biết chỉ sử dụng ATM để rút tiền mặt. Ảnh: LH.

“Ra ATM thì chủ yếu là để rút tiền mặt thôi, thao tác vài bước nên cũng không thấy hiện đại hơn chỗ nào. Chỉ mong các ngân hàng dùng phí thu của khách để sửa sang, xây dựng thêm các cây ATM mới chứ mình đi nhiều điểm ATM thấy đã xuống cấp lắm rồi”, chị Lan Phương, một khách hàng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.

Theo chị Phương, các ngân hàng chị mở thẻ hiện nay đều cập nhật nhiều tính năng trên ATM, nhưng chị chỉ đến ATM để rút tiền mặt. Các giao dịch khác đều ra quầy khi cần.

Thực tế, với hầu hết khách hàng hiện nay, ATM chỉ được coi là máy rút tiền tự động, với chức năng rút tiền mà ngân hàng "đựng" sẵn trong máy, dù nhiều máy ATM  có chức năng chuyển khoản, truy vấn số dư, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền liên ngân hàng,… Một số ít ATM còn được trang bị như một ngân hàng tự động có thể nạp tiền vào thẻ.

Theo Hoàng Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)