Kinh tế

Ăn sáng đắt nhất thế giới: "Ai bảo người Việt xa xỉ?"

Chuyên gia xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, vẫn chưa đủ căn cứ để nói người Việt Nam ăn sáng đắt đỏ nhất thế giới.

Chuyên gia xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, vẫn chưa đủ căn cứ để nói người Việt Nam ăn sáng đắt đỏ nhất thế giới.
 
an sang dat nhat the gioi:
 
Theo báo cáo kết quả đo lường của Bloomberg, người Hà Nội mất tới 12% chi phí hằng ngày cho bữa sáng.

Cũng theo báo cáo này, các quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu - nơi có nền kinh tế phát triển nhất lại chi cho bữa sáng thấp nhất (dưới 1,8% thu nhập hằng ngày). Ở châu Á, mức chi này của người dân Osaka - Nhật Bản chỉ là 1% trong khi thu nhập trung bình của người Hà Nội chỉ bằng 1/8 thu nhập trung bình của người dân ở Osaka.

Kết luận chưa đáng tin

Bày tỏ quan điểm về khảo sát này, Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển nói: “Thông tin này được đưa ra đều khiến người ta giật mình vì thu nhập của người Việt rất thấp”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, mặc dù ở góc độ xã hội học, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị công bố thông tin đều có một tiêu chí riêng nhưng mức chi cho bữa ăn sáng tốn hết 12% thu nhập tức là mấy chục nghìn/bữa ăn sáng mà kết luận đắt nhất thế giới thì chưa chính xác.

Bởi chi phí này so với các nước khác thì giá thành tương đối rẻ trong khi đó, thu nhập của người nước ngoài có thể cao gấp chục lần thu nhập của người Việt Nam.

“Theo tôi, vẫn chưa đủ căn cứ để nói rằng người Việt Nam ăn sáng đắt đỏ nhất thế giới. Tôi không hoàn toàn đồng tình với kết luận này. Ai bảo người Việt xa xỉ trong bữa ăn sáng!?”, thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh nói.

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, kết luận của Bloomberg chưa chính xác do chỉ dựa trên bảng lương, trong khi đó, thu nhập của người Việt còn nhiều khoản khác, không ai sống hoàn toàn bằng lương trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhiều người phải đi làm thêm, ở nhiều ngành nghề nên tổng thu nhập của họ cao hơn nhiều. Đối với nhiều người, mức chi mấy chục nghìn cho một bữa ăn sáng không phải quá cao.

Cũng theo ông Linh, kết luận và so sánh mức chi phí cho bữa ăn sáng của người Việt với các nước trên thế giới vẫn chưa chuẩn.

Chuyên gia xã hội học phân tích, theo văn hóa các nước phương Tây, họ thường chuẩn bị bữa ăn sáng tại gia đình (do yếu tố địa lý, lịch sử, các cửa hàng không mở cửa sớm…) còn ở Việt Nam, các hàng quán bày bán rộng khắp những đặc sản vùng miền. Nhiều người thưởng thức ăn sáng ngoài cửa hàng thành một thói quen. Ngoài vấn đề dinh dưỡng còn là thói quen gặp gỡ, chào hỏi nhau buổi sáng. Văn hóa này khác biệt với các khu vực trên thế giới.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, người Việt xưa nay rất coi trọng ăn sáng vì nó gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp (người dân ra đồng làm sớm, những công việc thường diễn ra từ sáng sớm nên bữa ăn sáng họ đầu tư kỹ lưỡng và được coi trọng).

Người Việt vẫn hay nhịn miệng đãi khách

Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh chia sẻ một thực tế là hiện nay người Việt vẫn chưa có thói quen tiết kiệm trong ăn uống. Nhiều người vẫn “nhịn miệng đãi khách”, sĩ diện hão. Nhiều người đãi khách không chỉ có nhịn mà là đãi nhiệt tình. Họ muốn thể hiện tấm lòng với người khác. Chính vì thế, chi phí cho một bữa ăn có khi bằng cả 40% thu nhập/tháng chứ không phải 12% thu nhập. Hơn nữa, người Việt vẫn chưa có thói quen chia đều tiền như người nước ngoài.

“Tôi cũng thấy, khuynh hướng trong ăn uống của người Việt trong hoàn cảnh này vẫn hơi lãng phí”, Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh nói.

an sang dat nhat the gioi:
 Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, người Việt vẫn chưa có thói quen tiết kiệm trong ăn uống.

Ông so sánh: Đối với người Đức họ ăn xong, họ không thể để cái gì thừa, họ lấy chỉ vừa đủ vì việc ăn uống là theo nhu cầu của cá nhân. Hơn nữa, nếu đi ăn theo nhóm thì thường mọi người chia tiền rất đồng đều.

Ngoài ra, đối với người Việt, việc ăn uống cũng là một phương tiện giao tiếp, mở rộng tấm lòng nên họ thường rộng rãi, bừa phứa trong ăn uống dẫn đến bệnh lãng phí không cần thiết.

Do đó, thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh đề xuất nên truyền thông để thấy rằng, lãng phí trong thời điểm hiện tại không còn phù hợp.

Ông cũng đề xuất đưa giáo dục về tiết kiệm vào nhà trường, truyền thông cho các gia đình chi tiêu đúng. Có như thế, mới làm cho gia đình giàu có, đất nước giàu có.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nói: “Tôi không tin vào khảo sát của Bloomberg bởi chưa đủ cơ sở khoa học. Ngoài ra, khi khảo sát thu nhập của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, người ta sẽ không thể tiết lộ được”.

Ông nói tiếp: “Ở Việt Nam, 2 chữ “tình” và “tiền” là hay nói dối nhất. Nên, tô tin rằng, đơn vị khảo sát không bao giờ có được thu nhập thật của người Việt. Chính vì vậy, kết luận chi phí ăn sáng của người dân Hà Nội chiếm 12% thu nhập là không chính xác.

Trước câu hỏi, liệu báo cáo này có ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng khẳng định: “Báo cáo này không đáng tin nên không ảnh hưởng gì đến hình ảnh của người Việt Nam. Kết quả khảo sát chỉ tham khảo cho vui, chứ nếu mà dùng để nghiên cứu, đánh giá thì có mà phá sản”.

 
Theo Diệu Thu (Dân Việt)