Kinh tế

Án phí tranh chấp đất đai có Sổ đỏ được tính như thế nào?

Trong trường hợp các bên tranh chấp có Sổ đỏ hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất… nếu muốn giải quyết tranh chấp thì chỉ có sự lựa chọn duy nhất là phải khởi kiện tại Tòa án.

Tranh chấp đất đai xảy ra ngày càng phổ biến, nhất là khi giá trị quyền sử dụng đất ngày một tăng cao. Để giúp người dân biết về quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, sau đây là thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có Sổ đỏ theo quy định mới nhất.

Án phí tranh chấp đất đai có Sổ đỏ được tính như thế nào?
Án phí tranh chấp đất đai được tính như thế nào?. (Ảnh minh họa)

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Hiện nay, tất cả các trường hợp tranh chấp đất đai thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 khi các bên không hòa giải được hoặc không hòa giải tại thôn, xóm…thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất để yêu cầu hòa giải.

Lưu ý, hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc. Nếu không qua hòa giải tại UBND cấp xã mà gửi đơn yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa thì sẽ bị trả lại đơn.

- Thời hạn hòa giải tại UBND cấp xã: Không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.

Theo khoản 4 Điều 202 Luật Đất đai, việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ kỹ của các bên tranh chấp và có xác nhận là hòa giải thành hoặc không thành của UBND cấp xã.

Biên bản hòa giải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại UBND cấp xã.

- Hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã sẽ xảy tra 1 trong 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Hòa giải thành (kết thúc tranh chấp đất đai)

+ Nếu có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.

+ Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân.

Trường hợp 2: Hòa giải không thành

Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

Như vậy, trong trường hợp các bên tranh chấp có Sổ đỏ hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất…nếu muốn giải quyết tranh chấp thì chỉ có sự lựa chọn duy nhất là phải khởi kiện tại Tòa án.

Án phí khởi kiện tranh chấp đất đai

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án thì Toà án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Toà án dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Toà án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí thì Toà án phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất đươch quy định tại Điều 27 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14.

Theo đó, đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;

Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.

Như vậy, căn cứ quy định trên mức án phí khi giải quyết tranh chấp về đất đai được xác định trong hai trường hợp như sau:

Thứ nhất, tranh chấp về quyền sử dụng đất không xem xét đến giá trị của tài sản mà chỉ xác định quyền sử dụng đất thuộc về ai thì áp dụng như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch.

Mức án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp vụ án không có giá ngạch theo quy định tại tiểu mục 1.1, mục 1, phần II Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 là 300.000 đồng.

Thứ hai, tranh chấp về quyền sử dụng đất mà phải xác định quyền sử dụng đất theo phần thì mức án phí được xác định như trường hợp vụ án có giá ngạch với phần giá trị được hưởng theo Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Theo Hoàng Mai (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/an-phi-tranh-chap-dat-dai-co-so-do-duoc-tinh-nhu-the-nao-a457196.html