Kinh tế

Ái nữ Chủ tịch Tân Hiệp Phát tiếp tục thâu tóm hai khu 'đất vàng' Vũng Tàu

Tân Hiệp Phát vốn được biết đến là một tập đoàn trong lĩnh vực nước giải khát, nhưng vài năm gần đây, doanh nghiệp của ông Trần Quý Thanh đặc biệt đẩy mạnh thâu tóm mảng bất động sản.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 4/3 vừa có quyết định về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất có diện tích 20.040,1m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Người trúng đấu giá là bà Trần Ngọc Bích, có địa chỉ tại 169/23 Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM với giá trúng đấu giá 170 tỷ đồng.

Thực chất cái tên Trần Ngọc Bích không có gì xa lạ vì đây chính là con gái thứ hai của Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông Trần Quý Thanh.

Ái nữ Chủ tịch Tân Hiệp Phát tiếp tục thâu tóm hai khu 'đất vàng' Vũng Tàu
Ông Trần Quý Thanh cùng hai con gái là bà Trần Uyên Phương (trái) và bà Trần Ngọc Bích (phải).

Bà Trần Ngọc Bích sinh năm 1984, hiện là người đại diện theo pháp luật của nhiều thành viên trong hệ thống Tân Hiệp Phát, gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Number One, CTCP Công nghiệp SEAV, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển LRE, CTCP Đầu tư và xây dựng thành phố mới, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển SPD.

Ngoài ra, bà Bích còn là Giám đốc của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát, một công ty chủ chốt trong mảng đồ uống của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Tính đến tháng 5/2019 vốn điều lệ của công ty này đạt mức 176 tỷ đồng, trong đó, cổ đông lớn nhất sở hữu 54,4% vốn điều lệ là bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh. Phần còn lại thuộc về hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích. Mặc dù không nắm giữ cổ phần tại công ty này, song ông Thanh vẫn giữ vai trò lãnh đạo chính.

Tân Hiệp Phát vốn được biết đến là một tập đoàn trong lĩnh vực nước giải khát, nhưng vài năm gần đây, doanh nghiệp của ông Trần Quý Thanh đặc biệt đẩy mạnh thâu tóm mảng bất động sản.

Giữa năm 2018, Chủ tịch Trần Quý Thanh tuyên bố sẽ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và nhấn mạnh đây là ngành quan trọng trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn.

Cùng với đó, ông Thanh cũng góp mặt trong dàn lãnh đạo Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM. Tại đây, ông Thanh cho biết sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án BĐS.

Kế hoạch làm bất động sản của Tân Hiệp Phát không được tiết lộ chi tiết, chỉ biết rằng tập đoàn này liên tục mua gom đất suốt nhiều năm qua.

Cụ thể ngày 28/2/2020, với việc chi 80,1 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích cũng đã đấu giá thành công quyền sử dụng 9.994,8m2 đất tại đường Bến Đầm, huyện Côn Đảo.

Đây là khu đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt vào tháng 3/2019. Theo quy hoạch xây dựng, khu đất có mật độ xây dựng 25%; tầng cao công trình là 3 tầng, chiều cao tối đa 14m.

Năm 2019 theo tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát cũng đã trúng đấu giá lô đất vàng khu đất An Hải - An Hội (huyện Côn Đảo) tại phiên đấu giá diễn ra ngày 25/12 với giá cuối cùng là 537,330 tỷ đồng. Được biết, khu đất An Hải - An Hội có diện tích 79.400m2 được đấu giá công khai với giá khởi điểm là 537,1 tỷ đồng.

Trước đó, vượt qua 4 đại gia bất động sản, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã trúng đấu giá 2 khu đất vàng tại BR-VT: Khu Galaxy (cũng ở huyện Côn Đảo) với diện tích 9.900m2 với giá trúng là 83 tỷ đồng (cao hơn giá khởi điểm là 16 tỷ đồng); Khu đất đường D5 (phường 10, TP. Vũng Tàu) có diện tích 1,8ha với giá 394 tỷ đồng, cao hơn khởi điểm gần 140 tỷ đồng.

Khu đất đường D5 nằm trong tổng thể quy hoạch 1/500 khu nhà ở, khách sạn phía đông ở đường Ba Tháng Hai (phường 10, TP Vũng Tàu) với chung cư cao tầng kết hợp công trình công cộng, cây xanh và đường giao thông nội bộ.

Cùng với đó, ái nữ của ông Trần Quý Thanh là Trần Uyên Phương cũng trực tiếp đứng ra thành lập hàng chục công ty trong lĩnh vực địa ốc với tổng vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng.

Năm 2019, chỉ trong chưa đầy một tháng, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã thành lập 11 công ty con trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn điều lệ lên tới 18.830 tỷ đồng, và tất cả đều do bà Trần Uyên Phương đứng tên sở hữu chính.

Cụ thể, vào tháng 4/2019, 3 cá nhân là vợ và hai con gái của ông Trần Quý Thanh đã cùng nhau góp vốn thành lập 10 doanh nghiệp vốn điều lệ đạt mức 1.500 tỷ, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và quyền sử dụng đất.

Đến tháng 5/2019, một công ty khác cũng có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản tiếp tục được các thành viên trên trong gia đình ông Thanh thành lập với số vốn điều lệ lên tới 3.830 tỷ là CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền.

Kể từ đầu năm 2018, các thành viên trong gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã liên tục thành lập các công ty bất động sản lớn như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh (1.200 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng); Công ty TNHH Number One Quang Vinh (300 tỷ đồng); Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC (100 tỷ đồng); Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Quang Vinh (50 tỷ đồng)…

Trong đó, VNAMC được gia đình ông Thanh thành lập từ đầu năm 2018 với mục đích tập trung chính vào các khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản

Thực chất đây không phải lần đầu tiên ông Trần Quý Thanh tham gia thị trường bất động sản mà trong quá khứ Chủ tịch Tân Hiệp Phát đã từng tham gia vào HĐQT của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn.

Tháng 6/2017, ông Thanh sở hữu hơn 550.000 cổ phiếu, tương ứng 1,2% vốn điều lệ Địa ốc Sài Gòn. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức lên sàn HoSE với mã chứng khoán SGR, ông Thanh trở thành một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Theo Lê Lan (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/ai-nu-chu-tich-tan-hiep-phat-tiep-tuc-thau-tom-hai-khu-dat-vang-vung-tau-a468367.html