Kinh tế

4.000 con lợn tiêm thuốc an thần: Dân mình hại nhau

Mặc dù vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được giải quyết dứt điểm, tỷ lệ sử dụng hoá chất trong chăn nuôi cũng đã giảm,… thế nhưng trong năm 2017 vẫn phát hiện 100 cơ sở bơm tạp chất vào tôm, đặc biệt còn phát hiện cơ sở giết mổ ở TP HCM tiêm thuốc an thần vào 4.000 con lợn trước khi giết mổ.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, Công tác thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...

Cụ thể, về an toàn thực phẩm đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP và xử phạt 107 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng. Đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, TP HCM (xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con heo).

4.000 con lợn tiêm thuốc an thần: Dân mình hại nhau
Trong năm 2017 phát hiện 100 cơ sở bơm tạp chất vào tôm, xử phạt hành chính gần 4 tỷ đồng

Riêng về kiểm soát tạp chất trong thủy sản, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỉ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đặc biệt đã có trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm tạp chất trên địa bàn (huyện Giá Rai, Bạc Liêu).

Cũng trong năm 2017, cơ quan chức năng của bộ không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0.63% (giảm so với năm 2016 là 1,76); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89% (giảm  so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).

Trong khi đó, kiểm tra gần 74.000 lô rau quả nhập khẩu từ 70 quốc gia nhưng chỉ phát hiện 1 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vướt mức tối đa cho phép. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng cũng tiến hành xử phạt 16 doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm có kết quả mẫu kiểm tra không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật.

Theo B.Hân (VietNamNet)