Kinh tế

20.000 taxi 'khoác đồng phục', phân vùng hoạt động: Chuyên gia nói gì?

Các chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội phân vùng taxi chẳng khác nào "cấm chợ ngăn sông", đồng thời việc "khoác đồng phục" cho các hãng taxi sẽ gây lãng phí và tốn kém lớn cho doanh nghiệp vận tải.

Dự thảo quy chế quản lý taxi Hà Nội dự kiến được phê duyệt ngay trong năm 2018. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, cho tới thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là việc "khoác đồng phục", phân vùng taxi, quy định đón trả khách và sử dụng tổng đài chung cho tất cả các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, TP.Hà Nội đã lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, các tổ chức thành viên, các chuyên gia và người dân về dự thảo đề án quản lý taxi trên địa bàn Hà Nội. "Việc lấy ý kiến này được thực hiện rất công phu và cẩn thận, khi tổng kết về cơ bản thống nhất với mục tiêu của đề án là làm cho TP.Hà Nội trở thành TP thông minh, hiện đại, xanh-sạch-đẹp", ông Liên nói.

Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, có một số ý kiến vẫn còn băn khoăn như thống nhất màu xe, phân vùng quản lý 1, 2,... "Nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện màu xe như đề án sẽ gây tốn kém vì hiện nay không có nhiều đơn vị có màu xe như dự thảo đề ra nên khi thực hiện sẽ gây tốn kém cho các doanh nghiệp, kéo theo hệ lụy cho người dân phải chịu”, ông Liên chia sẻ.

20.000 taxi 'khoác đồng phục', phân vùng hoạt động: Chuyên gia nói gì?
Ông Bùi Danh Liên. Ảnh: Thành An

Bên cạnh đó, ông Liên cho rằng, việc quy định màu sơn chỉ có thể làm sau năm 2030, để những chiếc xe hiện hữu cũ đi, người ta có nhu cầu đổi xe mới, lúc đó mới có thể tiến hành vận động các hãng đăng ký đồng phục màu sơn và kế hoạch mới có tính khả thi.

Về phân vùng quản lý taxi, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, bản thân hoạt động vận tải là sự liên thông giữa các vùng miền. Sự phân vùng quản lý, cấm taxi vùng nọ đón khách ở vùng kia sẽ không thỏa mãn được lợi ích của các hãng taxi, ảnh hưởng quyền lợi người sử dụng dịch vụ. “Việc này cũng chưa phù hợp với luật giao thông. Luật không quy định xe ở vùng nào hoạt động ở vùng đấy”, ông Liên nói.

Theo ông Liên, mục tiêu của việc quản lý dịch vụ trước hết phải hướng tới lợi ích của người dân, lợi ích đó thể hiện qua giá thành và dịch vụ mà các hãng taxi cung cấp, dịch vụ tốt được ưa chuộng, dịch vụ kém bị bài trừ nên việc phân vùng taxi sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lựa chọn của người dân.

“Người dân ở vùng 1 muốn đến vùng 2 thì bắt người ta lại phải thuê xe ở vùng 2 để đi lại, đồng nghĩa người dân lại phải bỏ ra một chi phí lớn hơn chi phí khứ hồi, điều đó với người dân khó có thể chấp nhận. Việc này trong luật cũng không quy định, chúng tôi cho rằng như vậy là "cấm chợ ngăn sông", ông Liên nói và cho rằng, việc phân vùng khó có thể kiểm soát được vì không có trong luật nên không có chế tài xử phạt", ông nói.

20.000 taxi 'khoác đồng phục', phân vùng hoạt động: Chuyên gia nói gì? - 1

Chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho hay, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, khi thành lập các hãng taxi, ban đầu, TP sẽ mua một số loại xe khác nhau, màu sắc khác nhau để trưng cầu ý kiến của các hãng taxi và người dân. Nếu loại xe, màu sơn nào được chọn sẽ trở thành mẫu taxi tiêu chuẩn các hãng phải tuân thủ. “Chúng ta đã không làm được như vậy, một thời gian dài vừa qua đã để taxi phát triển tự do nên việc thay đổi một sớm một chiều là điều rất khó”, ông Liên bày tỏ.

Cho ý kiến về việc này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông cho biết, TP.Hà Nội có gần 80 hãng taxi, cơ quan quản lý của Hà Nội chỉ nên quản lý về quy hoạch, bảo vệ quyền lợi hành khách, giá cả, an toàn, ứng dụng công nghệ trong quản lý, không nên áp đặt hoạt động của doanh nghiệp.

Còn TS. Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia giao thông của JICA chia sẻ, giải pháp quản lý taxi theo vùng và màu của Hà Nội đưa ra khá thủ công so với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay. Theo TS Đức, giải pháp quản lý taxi theo vùng sẽ tạo ra vô số bất cập mà khách hàng lại chính là những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, việc quy định màu sắc taxi có thể giúp khách hàng nhận biết dễ dàng hơn, công tác quản lý của các lực lượng chức năng cũng dễ hơn. Song, việc này sẽ gây lãng phí và tốn kém lớn cho doanh nghiệp vận tải.

Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP.Hà Nội; lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Trong dự thảo này, dự kiến sẽ có thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn cho hoạt động khai thác vận tải bằng taxi. Theo đó, Hà Nội đề xuất quy định niên hạn sử dụng của xe taxi theo quy định của Chính phủ. 

Theo dự thảo, từ năm 2019 đến năm 2025 xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung; từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội. Dự kiến từ năm 2019 - 2025 sẽ thống nhất 3 màu sơn cho xe taxi gồm: xanh, ghi bạc, trắng. Hiệp hội Taxi Hà Nội được giao nhiệm vụ liên hệ với Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ để đăng ký màu sơn chung cho taxi Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng quy định các hãng taxi Hà Nội sẽ dùng dung phần mềm của taxi Hà Nội. Theo đó, từ ngày 1.1.2019, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của Trung tâm Quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội, do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng và điều hành. Một điểm mới khác là Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng. Vùng phục vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị vận tải được đăng ký khai thác (tập trung dừng, đỗ, đón, trả khách), gồm 2 vùng: Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố; vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã còn lại của Hà Nội.

Theo Hoàng Thành (Dân Việt)