Kinh tế

10 năm liên tục tăng thuế xăng dầu, lần đầu tiên Bộ Tài chính quyết giảm

Lần đầu tiên sau 10 năm, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được đề xuất giảm đồng loạt. Trước đó, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đã đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách.

Lần đầu giảm thuế môi trường sau 10 năm tăng liên tục

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít. Các loại dầu khác giảm mức 500 đồng/lít.

Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Bộ Tài chính đề xuất giảm đồng loạt trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục leo thang.

10 năm liên tục tăng thuế xăng dầu, lần đầu tiên Bộ Tài chính quyết giảm
Sau 10 năm tăng, lần đầu tiên giảm thuế môi trường với xăng dầu

Xăng dầu thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2012. Tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định tại Luật. Từ đó đến nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã qua nhiều lần tăng.

Từ 1/1/2012, xăng bắt đầu chịu thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Dầu diesel mức thu 500 đồng/lít; dầu hoả, dầu mazút, dầu nhờn mức thu 300 đồng/lít; mỡ nhờn mức thu 300 đồng/kg.

Tiếp đó, từ 1/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác...

Từ 1/1/2019 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung. Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường...

10 năm liên tục tăng thuế xăng dầu, lần đầu tiên Bộ Tài chính quyết giảm - 1
Thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng mạnh sau mỗi lần tăng mức thuế. 

Tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường nói chung so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ hơn 1% lên hơn 4%.

10 năm liên tục tăng thuế xăng dầu, lần đầu tiên Bộ Tài chính quyết giảm - 2
Thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 4% ngân sách

Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu thuế bảo vệ môi trường, trung bình giai đoạn 2019-2021 chiếm khoảng 95,52%.

Giảm thuế, giá xăng giảm, thu ngân sách giảm

Theo ước tính của Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 sẽ tương đương năm 2019 và mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm 1 năm khoảng 14.524 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) cả năm khoảng 15.976 tỷ đồng/năm (số giảm thu NSNN bình quân 1 tháng là 1.331,4 tỷ đồng/tháng).

10 năm liên tục tăng thuế xăng dầu, lần đầu tiên Bộ Tài chính quyết giảm - 3
Giá xăng dầu sẽ giảm được đáng kể sau khi giảm thuế bảo vệ môi trường.

Nếu tính giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 01/4/2022 thì số giảm thu ngân sách (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng.

10 năm liên tục tăng thuế xăng dầu, lần đầu tiên Bộ Tài chính quyết giảm - 4
Mức thuế bảo vệ môi trường dự kiến giảm với xăng dầu

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này.

Đối với xăng (trừ etanol): Với việc giảm mức thuế BVMT 1.000 đồng/lít so với hiện hành sẽ làm giá bán lẻ (bao gồm cả thuế GTGT) giảm tương ứng 1.100 đồng/lít.

Đối với dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn: Với việc giảm mức thuế BVMT 500 đồng/lít so với hiện hành thì giá bán lẻ (bao gồm cả thuế GTGT) giảm tương ứng là 550 đồng/lít.

Đối với dầu hỏa: Với việc giảm mức thuế BVMT 500 đồng/lít so với hiện hành giá bán lẻ (bao gồm cả thuế GTGT) giảm tương ứng là 550 đồng/lít.

Đối với mỡ nhờn: Với việc giảm mức thuế BVMT 500 đồng/kg so với hiện hành thì giá bán lẻ (bao gồm cả thuế GTGT) giảm tương ứng là 550 đồng/kg.

Theo số liệu của Global Petrol Prices ngày 14/2/2022, giá xăng RON95 của Việt Nam thuộc nhóm 65 nước rẻ nhất thế giới.

Tuy nhiên, đánh giá trên chỉ mang tính tương đối. Nếu so với thu nhập bình quân đầu người, nhiều chuyên gia cho rằng giá xăng của Việt Nam thực sự không rẻ. Bởi lẽ tiền xăng đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu nhập của người dân Việt Nam nếu so với nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

10 năm liên tục tăng thuế xăng dầu, lần đầu tiên Bộ Tài chính quyết giảm - 5

10 năm liên tục tăng thuế xăng dầu, lần đầu tiên Bộ Tài chính quyết giảm - 6

Bộ Tài chính: Thuế với xăng dầu thấp hơn bình quân chung thế giới

Theo Bộ Tài chính, hiện hành, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu), đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam. So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.

Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45%-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này cũng chỉ chiếm khoảng từ 5% đến 8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/sau-10-nam-tang-lan-dau-tien-giam-thue-moi-truong-voi-xang-dau-820198.html