Hỏi - Đáp

Vì sao ve sầu chỉ kêu vào mùa hè?

Tiếng ve sầu kêu đã trở thành một thứ âm thanh 'đặc sản' của mùa hè nhưng vì sao ve không kêu vào các mùa khác?

Ve sầu hay còn gọi là kim thiền là một siêu họ côn trùng có đầu to, hai cánh trong có nhiều vân. Có khoảng 2.500 loài ve sầu trên thế giới, trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đới. Ve sầu là các loài sâu bọ được nhiều người biết nhất vì kích thước to lớn hơn, hình dáng đặc biệt có đầu lớn và khả năng tạo âm thanh rỉ rả, inh ỏi, suốt mùa hè. Ở khu vực dãy núi Appalachian, dân Mỹ gọi ve sầu là ruồi khô (tiếng Anh: dry flies) vì xác ve sau khi lột còn nguyên hình và khô.

Ve sầu kêu vào mùa hè là do đây là mùa sinh sản của chúng, những con ve đực sẽ phát ra tiếng kêu để mời gọi ve sầu cái đến làm bạn tình. Và chỉ có ve đực mới phát ra tiếng kêu.

Vì sao ve sầu chỉ kêu vào mùa hè?

Khác với các loài côn trùng khác, như dế, tạo âm thanh bằng cách cọ xát hai cánh vào nhau, ve sầu đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái "loa" làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực, có sườn bên trong. Những vòng sườn được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh. Bụng ve rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng ve kêu rất to. Ve lắc mình và dùng cánh để tạo nhịp lên xuống cho "bài hát" của mình. Mỗi giống ve có một thứ tiếng, cường độ, cao độ khác nhau - để mời gọi ve sầu cái cùng giống.

Ve cái không tạo được âm thanh nhưng cũng có hai cái màng hai bên mình, chỉ dùng để "nghe" ve đực hát và bị dụ dỗ. Ve đực khi không hát, cũng dùng hai cái loa ấy làm "tai" nghe ngóng động tĩnh chung quanh.

Vì sao ve sầu chỉ kêu vào mùa hè? - 1

Một số loài ve có khả năng tạo âm thanh đến 120 dB, tiếng kêu to nhất nhì trong loài côn trùng.

Phần lớn cuộc đời của ve là thời kỳ ấu trùng ở dưới đất với độ sâu khoảng từ 30 cm (1 ft) đến 2,5 m (khoảng 8½ ft). Các ấu trùng ve hút nhựa rễ cây và có những chân trước đào bới rất khỏe.

Vì sao ve sầu chỉ kêu vào mùa hè? - 2

Sau khi ấu trùng lột xác 7 lần, biến thành một con nhộng, sau đó nhộng khoét một cái hang quan sát cách mặt đất vài tấc, có lỗ nhỏ thông với bên ngoài. Đợi ngày đẹp trời, nhộng chui lên khỏi mặt đất, bò lên một cành cây không cao lắm để lột xác lần cuối cùng biến thành ve sau đó vội vỗ cánh bay cao, đi tìm bạn đời. Vỏ xác ve sẽ vẫn còn nằm đó và gắn vào vỏ cây. Cũng giống như rắn, ve sầu lột xác (thoát xác) để cơ thể chúng phát triển lớn hơn trong từng giai đoạn mới của vòng đời.

TH (Nguoiduatin.vn)