Hỏi - Đáp

Vì sao ông Táo không mặc quần?

Những bộ trang phục mà chúng ta chuẩn bị để cúng ông Công, ông Táo chỉ có áo, mũ và giày, không có quần. Vì sao lại như vậy?

Theo tín ngưỡng cổ truyền, cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp là tập tục lâu đời. Đây là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian; tất cả những việc tốt, việc xấu, những gì đã làm được và chưa làm được của con người dưới hạ giới một cách khách quan, trung thực.

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.

Lễ vật cúng Táo quân đặc biệt không thể thiếu những bộ trang phục gồm có 3 chiếc áo, 3 mũ (mũ Táo ông có 2 cánh chuồn, mũ Táo bà không có), 3 đôi hia, nhưng tuyệt nhiên không có quần.

Vì sao ông Táo không mặc quần?
Hình tượng 3 vị Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ.

Vậy vì sao ông Táo không mặc quần? Một số chuyên gia cho rằng, ông Táo ở trong bếp vừa nóng vừa nhiều tro than bồ hóng nên vốn ăn mặc rất mát mẻ, đến ngày lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng thì cần phải mặc triều phục, nhưng cũng chỉ đội mũ đi hia và mặc áo thụng. Cậy có tà áo dài che kín vạt trước, vạt sau nên ông Táo không cần mặc quần vì... không quen.

Nói về cuộc sống của Táo quân trong gian bếp, dân gian cho rằng đây là cuộc sống tuy không sang chảnh nhưng no ấm, không phải lo ăn lo mặc. Ca dao có câu:

Ông Cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo.
Ông Bếp ngồi trong đống tro
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.

Tổng hợp

TH (Nguoiduatin.vn)