Hỏi - Đáp

Vì sao lười lại chậm chạp?

Lười đất tiền sử xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 35 triệu năm trước. Hàng chục loài sống xuyên suốt Bắc, Trung và Nam Mỹ cùng với các sinh vật cổ xưa khác. 

Năm 1796, Thomas Jefferson phát hiện một bộ xương kỳ lạ vơi móng vuốt dài và sắc khiến ông nghĩ tới loài sư tử, nhưng xương cánh tay lại cho thấy chúng là của một loài vật lớn hơn với chiều dài lên tới ba mét, ngay lập tức được cho là loài thú nguy hiểm cần cảnh giác cao độ. Nhưng thật ra đây là loài lười khổng lồ đã tuyệt chủng.

Vì sao lười lại chậm chạp?

Loài lười đất phát triển mạnh trong hàng triệu năm, nhưng tới khoảng 10,000 năm trước, chúng dần biến mất cùng với nhiều thú có vú khổng lồ khác ở Tây Bán Cầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng đã bị đẩy tới bờ tuyệt chủng bởi kỷ băng hà hoặc cạnh tranh với những loài khác, cũng có thể là chính con người vì loài người đã tới khu vực này vào khoảng thời gian mà lượng lớn loài lười tuyệt chủng.

Một vài loài lười nhỏ hơn sống sót và chuyển lên sống trên những ngọn cây. Ngày nay, còn lại sáu loài sống trên các tán rừng mưa ở Trung và Nam Mỹ. Vắt mình trên cây là một cách khôn ngoan để tránh thú dữ và còn có rất nhiều lá để ăn. Động vật lấy năng lượng từ thức ăn để di chuyển, giữ ấm cơ thể và vận hành các cơ quan. Nhưng chế độ ăn từ lá cây không có nhiều năng lượng và rất khó hấp thu.

Hầu hết các loài ăn cỏ thường bổ sung các thực phẩm giàu năng lượng hơn như trái cây và các loại hạt. Nhưng lười, đặc biệt là lười ba ngón phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào lá cây. Chúng đã phát triển một chiến lược tinh vi để thích ứng với chế độ ăn eo hẹp này. Đầu tiên, chúng cố gắng hấp thu tối đa năng lượng từ thức ăn. Lười có một chiếc dạ dày nhiều ngăn chiếm tới một phần ba cơ thể, chúng có thể dành từ 5 tới 7 ngày, thậm chí vài tuần, để tiêu hóa một bữa ăn.

Mặt khác, chúng hạn chế tối đa sự tiêu hao năng lượng bằng cách không di chuyển quá nhiều. Hầu hết thời gian của chúng là để ăn, nghỉ ngơi và ngủ. Chúng chỉ xuống đất một lần mỗi tuần để đi vệ sinh. Khi di chuyển, lười cũng không mấy nhanh nhẹn. Băng qua một con đường bình thường cũng sẽ mất tới 5 phút.

Với phong cách sống chẳng mấy vội vàng này lười không cần quá nhiều cơ bắp. Thực tế, khối lượng cơ của chúng ít hơn 30% so với các loài cùng kích cỡ. Lười cũng dùng ít năng lượng để giữ ấm cơ thể hơn vì nhiệt độ cơ thể của chúng có thể dao động tới 5 độ C lớn hơn hầu hết loài động vật có vú. Những đặc điểm thích nghi cả về thể chất và hành vi đã hạn chế tối đa sự tiêu hao năng lượng và trao đổi chất của loài lười.

Chính tốc độ chậm chạp đã cho phép lười phát triển mạnh trên những ngọn cây. Điều này cũng khiến lười trở thành môi trường sống cho các loài tảo, vừa giúp chúng ngụy trang và đôi khi lại có thể làm đồ ăn vặt.

Dung (Nguoiduatin.vn)