Hỏi - Đáp

Vì sao lở đất thường kèm theo những tiếng nổ lớn?

Nhân chứng của nhiều vụ sạt lở đất cho biết đã nghe thấy những tiếng nổ lớn trước khi đất đá đổ xuống.

Sạt lở là quá trình đất, cát, đá di chuyển từ trên núi cao xuống dốc hoặc từ mặt đất xuống lòng sông, biển. Dưới tác động của lực hấp dẫn, sạt lở mang theo nhiều khối đất đá lớn và vô số vật thể vỡ vụn theo trên đường đi.

Diễn tiến một vụ sạt lở đất có thể chỉ mất vài giây, nhưng cũng có khi lên đến cả trăm năm. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này bao gồm việc thay đổi độ dốc của sườn núi theo thời gian, sự suy yếu của đất đá do thời tiết, hay sự biến đổi của thảm thực vật trong khu vực. Tuy nhiên, thường gặp nhất là sạt lở đất sau những cơn mưa lớn, đặc biệt khi trước đó các lớp đất này trải qua giai đoạn khô hạn kéo dài.

Vì sao lở đất thường kèm theo những tiếng nổ lớn?

Nước mưa có thể tăng hoặc giảm độ ổn định của đất tùy vào điều kiện thực tế. Chẳng hạn, lớp đất nhận đủ nước có thể tăng sự kết dính nhờ vào sức căng bề mặt của nước.

Dù vậy, quá nhiều nước sẽ làm tăng áp lực lỗ rỗng, giảm ma sát và đẩy nhanh quá trình xói mòn. Đó là chưa kể ở những khu vực đồi núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm, một trận mưa lớn có thể khiến chúng trong trạng thái bão hòa nước. Diện tích rừng suy giảm nên không có khả năng hỗ trợ đất đá giữ nước. Vì vậy, ở những khu vực này, khi sự chuyển tiếp thời tiết càng gay gắt - có thể ngay sau một đợt nóng hạn kéo dài là những trận mưa bão dồn dập, nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng càng lớn.

Điều tương tự cũng xảy ra với nhiều loại đá. Với những lớp đá đã bị phong hóa nhiều năm, do cấu trúc vốn đã yếu lại phải trải qua khô hạn rồi đến ngay mưa lớn, chúng dễ bị tách làm đôi, làm ba, hoặc tách rời khỏi sườn núi. Với một số khối đá lớn, việc phân tách có thể gây ra tiếng nổ. Năng lượng sinh ra từ vụ nổ đủ để khởi phát một đợt sạt lở ở những nơi đất vốn đã yếu, chỉ chờ cơ hội để đổ ầm.

Dung (Nguoiduatin.vn)