Hỏi - Đáp

Vì sao gọi là 'gió mùa Đông Bắc'?

Trong các bản tin thời tiết, bạn thường xuyên nghe thấy cụm từ 'gió mùa Đông Bắc'. Vậy thuật ngữ "gió mùa Đông Bắc" có nghĩa là gì?

Gió mùa là loại gió thổi theo mùa (ở thời gian nhất định) trong một khu vực. Theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), gió mùa phát sinh do sự chênh lệch nhiệt độ giữa đất liền và đại dương liền kề. Có hai loại gió mùa, bao gồm: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hè.

Gió mùa mùa hè thổi từ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tới đất liền, gây mưa và không khí mát mẻ. Còn gió mùa mùa đông thổi từ đất liền châu Á ra biển, mang theo không khí lạnh có thể gây mưa, lạnh.

Vì sao gọi là 'gió mùa Đông Bắc'?

Gió mùa Đông Bắc được các nhà khí tượng gọi là gió Đông Bắc, gió bấc hoặc gió mùa mùa đông. Phạm vi của gió Đông Bắc (chỉ tính riêng Việt Nam) gồm Miền Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta.

Vào mùa đông, nhiệt độ trên biển cao hơn nhiệt độ trên đất liền, trong khi đó không khí luôn chuyển động từ vùng không khí lạnh sang vùng không khí nóng. Do đó, gió mùa mùa đông có nguồn gốc từ trung tâm áp cao Siberia thổi xuống, vào nước ta từ hướng Đông Bắc ra biển nên được gọi là gió mùa Đông Bắc.

Gió mùa Đông Bắc được đánh giá là một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Không chỉ gây mưa, gió mạnh, lạnh/rét, gió mùa còn tác động trực tiếp lên sức khỏe con người. Vào những tháng chính đông, trời rét đậm, rét hại còn khiến cây trồng và gia súc bị ảnh hưởng nặng nề.

TH (Nguoiduatin.vn)