Hỏi - Đáp

Thường xuyên bị cá mập cắn nhưng vì sao lại rải cáp quang xuống đáy biển?

Mặc dù bị cá mập cắn gây không ít thiệt hại nhưng vì sao cáp quang vẫn được rải xuống biển thay vì lắp đặt trên đất liền?

Bắt đầu từ sáng ngày 3/4, rất nhiều người dùng Internet tại Việt Nam đã than phiền vì tốc độ mạng đột nhiên trở nên chập chờn khi truy cập vào các trang web quốc tế. Lý do là bởi tuyến cáp quang biển AAG được cho là đã xảy ra sự cố vào lúc 20h30 ngày 2/4. Vị trí xảy ra sự cố nằm trên phân đoạn S1 thuộc nhánh cáp Việt Nam kết nối đi Hong Kong. Có thể thấy, kể từ khi hoạt động, AAG nhiều lần gặp trục trặc, gây ảnh hưởng tới chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế. 

Nguyên nhân sự cố lần này vẫn chưa được xác nhận nhưng nhiều cư dân mạng đã nhanh chóng buộc tội cho cá mập - kẻ đã có 'tiền án tiền sự' vì nhiều lần bị ghi lại cảnh đang ra sức cắn tuyến cáp quang.

Thường xuyên bị cá mập cắn nhưng vì sao lại rải cáp quang xuống đáy biển?

Trong thời đại công nghệ hiện nay, mỗi giây có hàng triệu email gửi đi, hàng tỷ cú nhấp chuột và truy vấn tìm kiếm trên Internet. Nhiều người lầm tưởng kết nối Internet đó được truyền đi trong không trung, giống như cách kết nối của thiết bị di động. Nhưng sự thực là hầu hết đều bắt nguồn từ đường cáp ngầm và cáp biển khắp nơi trên thế giới. Internet ngày nay được xây dựng từ 300 tuyến cáp biển với chiều dài xấp xỉ 900.000 km. 97% dữ liệu liên lục địa được truyền qua các tuyến cáp này.

Xây dựng một tuyến cáp biển thường mất vài tháng với chi phí hàng triệu USD. Đảm nhận công việc này là các tàu rải cáp cỡ lớn. Một số loại cáp được chôn sâu 7,6 km dưới mực nước biển để tránh thảm họa sóng thần, ăn mòn, vô tình vướng vào lưới đánh cá, hay cá mập cắn.

Thường xuyên bị cá mập cắn nhưng vì sao lại rải cáp quang xuống đáy biển? - 1
Tàu rải cáp quang trên biển.

Tuy nhiên, dù được rải sâu xuống đáy biển nhưng cáp quang vẫn không tránh được sự cố. Chỉ tính riêng Đại Tây Dương, mỗi năm cáp đứt ít nhất 50 lần và gây không ít ảnh hưởng đến người dùng internet. Một trong những nguyên nhân khiến cáp quang bị đứt là do cá mập cắn. Vậy vì sao lại chọn giải pháp hạ cáp quang xuống biển?

Năm 1866, nước Anh đặt một đường cáp điện xuống đáy biển Đại Tây Dương nối liền hai nước Anh – Mỹ. Đường cáp này dài 3.745 km, thời gian lắp đặt chỉ 13 ngày đã làm chấn động thế giới.

So với đường cáp trên đất liền thì đường cáp dưới biển có nhiều ưu điểm: một là thời gian rải cáp không cần đào rãnh hoặc xây dựng cột đỡ, nên đầu tư ít, tốc độ xây dựng nhanh, hai là ngoài đoạn trên đất liền ra, phần lớn đường cáp dưới biển đều nằm dưới sâu không bị sóng gió, môi trường tự nhiên, hoạt động của con người làm nhiễu loạn hoặc phá hoại, nên độ an toàn cao, ổn định, kháng nhiễu tốt và bảo đảm bí mật.

Thường xuyên bị cá mập cắn nhưng vì sao lại rải cáp quang xuống đáy biển? - 2

 Năm 1960 máy laze đầu tiên trên thế giới ra đời, con người bắt đầu dùng năng lượng laze để truyền thông tin trong cáp quang. Vì cáp quang có dung lượng lớn, thông tin đi xa, tính bảo mật cao, kháng nhiễu tốt, do đó phát triển nhanh chóng. Ngày nay trên thế giới có 32 quốc gia và khu vực thông qua cáp quang đáy biển xây dựng mạng lưới thông tin toàn cầu vô cùng hiện đại, có thể đồng thời tiến hành 32 vạn cuộc nói chuyện và truyền các số liệu số.

TH (Nguoiduatin.vn)




a