Hỏi - Đáp

Thường nghe 'Ở đời có bốn cái ngu', gồm những 'cái ngu' nào vậy?

Ngày xưa, ông bà ta thường có câu vè: "Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". Lời dạy trên được lý giải như thế nào?

 

Làm mai: Tức là đi mai mối cho người khác nhưng không phải kiểu làm dịch vụ lấy tiền mà là chủ động thấy ai hợp thì giới thiệu cho người thân quen. Nếu họ nên chồng nên vợ, ấm êm, thuận hòa thì chẳng sao, nhưng có va chạm, sứt mẻ thì cứ ghè đầu ông mai, bà mối ra mà mắng. Cũng có thể hiểu trường hợp này là một kiểu "làm ơn mắc oán", thế nên dại nhất là đi làm mai cho người khác. 

Lãnh nợ: Lại thêm một lỗi "ngu chủ động" khác nữa là khi đi nhận trả nợ hoặc vay tiền hộ cho người khác. Nếu mở rộng ra thì có thể hiểu là việc tự nhận rắc rối của người khác cho bản thân mình. Tất nhiên, nếu đối phương sau đó trả ơn lại cho mình thì tình cảm càng thêm thắm thiết. Ngược lại, nếu họ mặc kệ cho mình "đổ vỏ" thì vừa mất tiền, mất việc lại mất cả bạn bè. 

Gác cu: Đây là một trong những trò chơi rất cổ của người xưa. Khi bẫy chim cu, họ phải làm dùng 1 con cu trống để dụ chim cu đến rồi giật bẫy để bắt. Trước khi đi bẫy chim cu, người “gác cu” phải tốn khá nhiều công sức và thời gian để chọn, nuôi và thuần dưỡng được 1 con chim mồi của mình để làm mồi bẫy con chim khác. Vất vả nuôi cu như vậy, mà nếu không cẩn thận thì chim sẽ “sổ lồng” và bay mất. Trước cái tính vô ơn, bạc nghĩa của chim cu khiến người nuôi bị mang tiếng là “ngu”.

Thường nghe 'Ở đời có bốn cái ngu', gồm những 'cái ngu' nào vậy?

Cầm chầu: Việc cầm chầu là một hoạt động đặc trưng trong ca trù hoặc hát ả đào, khi người thính giả được tham gia một cách trực tiếp vào canh hát. Người cầm chầu xưa thường không phải là thành viên trong đoàn hát mà là người nghe có hiểu biết về lĩnh vực này do làng chọn. Anh ta tham gia canh hát với tư cách một thính giả đặc biệt, sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen – chê ca nương, kép đàn.

Vấn đề là người cầm chầu phải biết khen, chê đúng chỗ, đúng lúc, hơn nữa, nếu khen nhiều quá thì làng phải chi nhiều tiền thưởng cho phường hát, nếu làng chi ít tiền thì người cầm chầu phải bỏ tiền túi mình ra mà chi cho phường hát. Nếu người cầm chầu khen ít thì lại bị phường hát chê trách và cho là keo kiệt làm tổn hại đến danh dự của phường hát và như vậy họ sẽ không được hội làng và người thưởng thức cho tiền, lúc đó phường hát bội có thể thông qua vai diễn để châm biếm đả kích nguyền rủa người đánh trống. Đây chính là cái khó của kẻ "làm dâu trăm họ", vì vậy các cụ coi việc nhận “cầm chầu” chẳng phải điều khôn ngoan gì. 

Dung (SHTT)