Hỏi - Đáp

Tại sao vua chúa ngày xưa thường treo một ‘tấm mành’ trên mão đội đầu để che trước mặt?

Khi xem phim cổ trang, chúng ta thường thấy những chiếc mão đội đầu của hoàng đế có treo thêm một bức mành xâu chuỗi hạt. Dù bức mành này thẩm mỹ cao nhưng lại gây cản trở cho việc quan sát, đi lại của vua khi nó liên tục rung lắc qua mỗi bước chân. Vậy dụng ý thực sự của nó là gì?

Tại Trung Quốc, bức mành xâu chuỗi hạt xuất hiện đầu tiên từ thời nhà Chu, được người dân gắn vào chiếc mũ đội đầu mỗi khi tham dự các hoạt động tế lễ. Bức mành được đính bằng 12 sợi dây lụa, xâu các viên ngọc bích, yêu cầu khoảng cách giữa các hạt là 1cm.

Đến thời nhà Hán, mũ gắn mành ngọc của thường dân được phát triển thành mão vua, chỉ hoàng đế mới có thể đội. Chi tiết mành ngọc này cũng xuất hiện trên chiếc mũ Tế Giao của vua triều Nguyễn tại Việt Nam.

Tại sao vua chúa ngày xưa thường treo một ‘tấm mành’ trên mão đội đầu để che trước mặt?

Dụng ý của việc đội mũ miện gắn mành ngọc này giúp vua chúa tự điều chỉnh được tư thế, hành động sao cho chậm rãi, uy nghiêm. Họ bắt buộc phải di chuyển bình tĩnh vì nếu đi với tốc độ quá nhanh hạt ngọc sẽ rung lắc thậm chí va vào mặt.

Bên cạnh đó, bức mành cũng cản ánh mắt của hoàng đế, khiến người khác không thể nhìn thẳng vào mắt của ngài, không hiểu được suy nghĩ của ngài, giúp làm tăng sự uy nghiêm của bậc thiên tử.

Ngoài ra, bức mành này còn giúp vua khắc ghi một chân lý: Kể cả người đứng đầu một đất nước khi có vật cản trở cũng không thể nhìn thấu đáo hết mọi sự tình. Vì vậy, khi đưa ra các quyết định cho đất nước, nhà vua phải tuyệt đối tỉnh táo, không nên tự ý đưa ra quyết định mà cần nghe lời góp ý của các đại thần.

Dung (Nguoiduatin.vn)