Hỏi - Đáp

Tại sao việc ăn ít thịt bò đi lại tốt cho cả bạn lẫn hành tinh?

Thịt bò là một trong những loại thịt đỏ cung cấp năng lượng hiệu quả nhưng nó cũng là một phần nguyên nhân gây hại cho sức khỏe con người và đe dọa tới môi trường và biến đổi khí hậu.

Dù muốn hay không, thịt bò vẫn là một trong những loại thịt đỏ được nhiều người dân trên thế giới sử dụng. Tại Mỹ, mỗi người tiêu thụ khoảng 26kg thịt bò mỗi năm trong khi đó, mức trung bình thế giới chỉ là 6,3kg. Tuy nhiên thịt bò đang trở thành một vấn đề nan giải đối với sức khỏe con người và hành tinh.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thịt bò có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư nếu ăn quá nhiều. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Minnesota đăng tải hồi năm 2019 đã chỉ ra, sức khỏe của chúng ta cũng có mối liên kết với sức khỏe môi trường.

Nghiên cứu kết luận: "Thực phẩm có tác động tiêu cực đến môi trường lớn nhất. Cụ thể đó là thịt đỏ chưa qua chế biến và chế biến. Nó liên quan đến sự gia tăng nguy cơ bệnh tật lớn nhất. Do đó chuyển đổi chế độ ăn uống sang tiêu thụ nhiều thực phẩm lành mạnh hơn nói chung sẽ giúp cải thiện tính bền vững của môi trường".

Tại sao việc ăn ít thịt bò đi lại tốt cho cả bạn lẫn hành tinh?

Nếu bạn chưa biết thì hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tác động rất lớn tới môi trường. Quy trình chăn nuôi lấy thịt thường chiếm dụng phần lớn đất đai, dẫn tới nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước và nặng hơn là phát thải khí CO2, methane vào bầu khí quyển.

Đặc biệt theo các nhà khoa học tại Học viện Bard ở New York, Đại học Yale ở Connecticut và Viện khoa học Weizmann ở Rehovot, Israel, việc nuôi một con bò tiêu tốn lượng nước nhiều hơn gấp 11 lần so với các loại gia súc, gia cầm khác. Chưa kể loài bò cũng thải ra nhiều chất thải nguy hại hơn, ví dụ như khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Carbon Balance and Management vào năm 2017 cho thấy lượng khí thải methane toàn cầu từ hoạt động chăn nuôi cao hơn 11% so với ước tính trước đây của Liên Hợp Quốc. Tính trung bình lượng khí thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên thế giới chiếm tới 1/5 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cũng vào năm 2017, hơn 15 ngàn nhà khoa học trên thế giới đã cùng nhau ký vào Cảnh báo cho nhân loại, kêu gọi mọi người giảm đáng kể mức tiêu thụ thịt bình quần đầu người. Việc chuyển đổi chế độ ăn sang ít thịt hơn sẽ góp phần duy trì an ninh lương thực và nuôi sống con người trong nhiều thế kỷ tới.

Sujatha Bergen, giám đốc chiến dịch y tế tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên quốc gia Mỹ cho biết, nếu người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt với thịt bò, nó sẽ tạo ra sự thay đổi trên quy mô lớn.

Bergen giải thích: "Nếu trung bình mỗi người Mỹ cắt giảm tương đương một chiếc bánh mì kẹp thịt trong khẩu phần ăn mỗi tuần, điều đó sẽ tương đương với việc loại bỏ 10 triệu chiếc ôtô trên đường mỗi năm. Thay đổi chế độ ăn uống của bạn là cách tuyệt vời để chống lại sự nóng lên toàn cầu".

Rõ ràng việc ăn chay hay ăn với khẩu phần ăn ít thịt hơn không phải là điều dễ dàng đối với tất cả mọi người. Bởi lẽ hầu hết chúng ta đã quen với những món ăn chế biến từ thịt. Nhưng nếu biết giảm bớt lượng thịt tiêu thụ trong mỗi bữa ăn, nó không chỉ bảo vệ cho chính sức khỏe của chúng ta mà còn là bảo vệ cho cả hành tinh này.

Dung (Nguoiduatin.vn)