Hỏi - Đáp

Tại sao khi bị cù một số người 'nhột' hơn người khác?

Bạn đã từng bị người khác cù? Bạn thấy "nhột" (buồn) và cười phá lên? Vì sao lại như vậy?

Nếu ai đó cười phá lên khi bị cù, người ta sẽ nói người đó có 'máu buồn'. Vì sao lại gọi là 'máu buồn'? Thực chất, đây là cách nói dân dã chỉ trạng thái bị người khác tác động vào cơ thể, nhất là những vùng nhạy cảm như lỗ mũi, lỗ tai, nách, cổ, sườn, gan bàn chân… Cảm giác này đã xuất hiện khi chúng ta tròn 21 ngày tuổi.

Tại sao khi bị cù một số người 'nhột' hơn người khác?

Theo các nhà khoa học, “nhột” hay 'máu buồn' có mối liên hệ trực tiếp với cảm giác đau. Nghiên cứu tại Mỹ cho biết, trên 90% số người được hỏi thú nhận mình rất “sợ nhột” (cùng tỷ lệ với số người “sợ đau”). Tuy nhiên, mức độ sợ "nhột” của mỗi người một khác, theo lứa tuổi, giới tính và tính cách. Khoảng 95% trẻ em dưới 10 tuổi sợ "nhột". Tỷ lệ này ở lứa tuổi thanh niên là 65%, trung niên là 35% và từ 65 tuổi trở lên là 20% . Nữ sợ "nhột” nhiều hơn nam, người trẻ "nhột" nhiều hơn người già. Điều này chứng tỏ ai cũng có "máu buồn" cả, chỉ khác nhau ở mức độ biểu hiện.

Tuy nhiên, có người dễ bị 'nhột' hoặc 'nhột' nhiều hơn người khác, điều này được lý giải là ở một vài người có thần kinh giao cảm nhạy cảm, khi có tác động bên ngoài vào là sẽ cảm thấy bị kích thích mạnh. Cấu tạo này do cơ địa của mỗi người khác nhau, có người dễ bị kích thích có người không. Người không bị kích thích khi chạm vào không có nghĩa là người đó bị “chai” hay bị khuyết tật gì mà là do cấu tạo cơ địa, hệ thống thần kinh của người đó như vậy.

TH (Nguoiduatin.vn)