Hỏi - Đáp

Tại sao con người lại thích buôn chuyện?

Buôn chuyện là việc chia sẻ những thông tin cá nhân hoặc riêng tư, nhạy cảm về một người không có mặt tại thời điểm đó. Những câu chuyện này thường tiêu cực và gây lúng túng cho người được nhắc đến. Biết là không tốt nhưng tại sao chúng ta lại cứ luôn thực hiện điều này?

Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy con người thật sự bị thu hút bởi những tin đồn, ngay cả khi biết nó là không đúng sự thật. Những thông tin được bắt đầu bằng những cụm từ yếu ớt như "hình như" hoặc "được cho là" chẳng đủ để ngăn chặn những định kiến và sự phỉ báng. Đó là vì chúng ta đánh giá con người dựa trên cảm xúc tự thân cho dù biết rằng những ý nghĩ đó đều dựa trên những bằng chứng không đáng tin cậy.

Buôn chuyện còn rất thú vị! Tụ họp lại và bàn tán về một ai đó có thể tạo ra sợi dây liên kết và cảm giác thân thuộc với mọi người, ngay cả với những người xa lạ. Hai người dù không quen biết nhau nhưng sẽ ngay lập tức cảm thấy gần gũi hơn khi họ chia sẻ điều gì đó có ý nghĩ hoặc hài hước về một người thứ ba. Đó được xem là sự xác nhận về việc họ có cùng chung thế giới quan. Những đánh giá của chúng ta về mọi thứ dường như được "sống lại" khi bắt mối được với những người tò mò và rảnh rỗi.

Tại sao con người lại thích buôn chuyện?

Nó cũng cho chúng ta cảm giác thông hiểu về đời tư của một người khác. Hơn thế nữa, những thông tin mà chúng ta có thường là những điều thầm kín, bí mật, một loại "trái cấm", vốn dĩ lúc nào cũng ly kỳ, kịch tính. Nó cũng mang lại cho chúng ta cảm giác thống khoái tựa như "đứng trên" người mà chúng ta bàn tán.

Buôn chuyện cho phép mọi người gián tiếp tham gia vào thế giới mà lẽ ra họ không được can dự, đôi khi nó mang đến sự ảo tưởng về quyền kiểm soát và sức ảnh hưởng đến thế giới đó. Điều này lý giải tại sao con người thường bán tán về những người giàu có,nổi tiếng và tập trung khai thác vào lối sống và cuộc sống cá nhân của những người này. Đó là lý do cho việc nhân viên thường buôn chuyện về sếp hoặc cấp trên của họ tại nơi làm việc. Nó giúp họ tận hưởng cảm giác ảo tưởng về sự kiểm soát tình hình công việc của bản thân.

Chúng ta cũng buôn chuyện để cảnh báo người khác về những nhân vật khó chịu hoặc ai đó mà chúng ta cho là nguy hiểm. Một nghiên cứu cho thấy trong một thí nghiệm, nhịp tim của những người tham gia tăng lên khi chứng kiến những hành vi cư xử tồi tệ, không công bằng, nhưng sau đó giảm đáng kể khi họ truyền thông tin này cho những người khác.

Khi chúng ta thấy ai đó cư xử một cách vô đạo đức, chúng ta trở nên bực bội. Buôn chuyện mang đến cho chúng ta sự thỏa mãn vì đã cảnh báo điều đó bạn bè.

Và đó cũng là lý do khiến con người cực kỳ thích buôn chuyện, thậm chí thực hiện nó một cách vô thức với những người xung quanh. 

Dung (Nguoiduatin.vn)