Hỏi - Đáp

Độ nguy hiểm khi bị trúng đạn ngoài đời thực sự khác xa phim ảnh, làm thế nào để sống sót bây giờ?

Trong các bộ phim hành động mà chúng ta thường thấy, các nhân vật có thể trúng tới vài viên đạn mà vẫn "khỏe re", thậm chí còn có tinh thần tự moi đầu đạn ra rồi...đấu tiếp. Nhưng sự thực thì con người liệu có "siêu" đến mức ấy không?

Sự thật là độ nguy hiểm nếu bị trúng đạn, khác xa phim ảnh và những gì bạn tưởng. 

Độ nguy hiểm khi bị trúng đạn ngoài đời thực sự khác xa phim ảnh, làm thế nào để sống sót bây giờ?

Như bạn đã biết, đạn bay rất nhanh đến mức chắc chắn bạn sẽ không kịp nhìn thấy gì. Cảnh sát thường sử dụng loại đạn vòng 9mm và tốc độ của nó là một con số đáng kinh ngạc: 1448km/h, trong khi đó loại 5.56mm của súng trường Mỹ thường có tốc độ tận 3291 km/h. Còn các loại khác như súng AK chiến đấu của Nga và súng máy hạng nặng của Mỹ thì sử dụng đạn vòng 7.62mm với tốc độ khoảng 2.963km/h. Đạn 9mm, với kích thước nhỏ nhưng mang đến 542J năng lượng, trong khi loại 5,56mm sẽ mang khoảng 1763J và đạn 7.62mm có tận 3525J.

Khi một viên đạn đi vào cơ thể, tất cả năng lượng của nó sẽ tác động vào những mô mềm trong cơ thể của chúng ta. Khi đạn đi vào bên trong, với tốc độ và độ xoáy khủng khiếp lớp thịt của bạn sẽ bị giãn ra và tạo thành một khoang trống, nhưng nó sẽ co lại ngay lập tức để trở về hình thái ban đầu.

Quá trình này diễn ra trong thời gian cực ngắn, không chỉ các mô xung quanh mà dây thần kinh cũng bị tổn hại, mạch máu bị đứt lìa, còn cơ bắp thì nát tan. Cú sốc từ đạn bắn có thể làm tổn thương nghiêm trọng các cơ quan nội tạng, ngay cả khi chúng không xuyên thủng bất kỳ cơ quan nào.

Nếu bạn bị bắn trúng vai và đặc biệt là trúng vào xương thì thực sự khá là nghiêm trọng. Nguyên nhân là do đạn được tạo thành từ các lớp vật liệu khác nhau, chúng bay rất nhanh và sẽ dễ bị phân mảnh khi va vào vật cứng như xương. Lúc này cơ thể ta là một mớ lộn xộn gồm nhiều mẩu đạn vỡ cũng như những mảnh xương. Nguy hiểm hơn, khi đạn vỡ chúng sẽ văng ra theo các hướng khác nhau, làm mô mềm và các cơ quan xung quanh tổn thương vô cùng nặng nề.

Chưa hết, khi va vào xương chúng thường có xu hướng dội ngược lại vào trong khoang cơ thể và làm tổn thương hệ thống cơ quan nghiêm trọng. Mặt khác, cơ thể chúng ta cũng rất thông minh, nó sẽ phản ứng ngay khi có dị nguyên xâm nhập đấy. Chẳng hạn như sau khi bị bắn, mạch máu của chúng ta sẽ bị đứt lìa, lúc này cơ thể sẽ cố gắng bơm thật nhiều máu đến vùng lân cận để tránh việc hoại tử mô. Vì vậy mà ta thường thấy có hiện tượng máu chảy lênh láng nếu bị trúng đạn.

Độ nguy hiểm khi bị trúng đạn ngoài đời thực sự khác xa phim ảnh, làm thế nào để sống sót bây giờ? - 1

Cách sống sót khi bị trúng đạn

Tuy trúng đạn là điều vô cùng nguy hiểm nhưng bạn vẫn có thể sống sót nếu được cấp cứu kịp thời. Mặc dù vậy, việc máu mất quá nhanh sẽ khiến cái chết đến với bạn chỉ vài phút hoặc thậm chí vài giây. Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ và cuối cùng đã xác định rằng cách tốt nhất để sống sót khi bị bắn là cố gắng cầm máu, ngăn chúng chảy ra ngoài càng ít càng tốt.

Hãy thử dùng một miếng vải hoặc xé áo của mình để băng bó vết thương, bạn nên băng vừa đủ chặt và duy trì áp lực một cách liên tục. Nếu bị bắn vào chi, cũng băng bó như trên và cố gắng nâng chi lên cao hơn vị trí của tim để giảm thiểu việc mất máu. Sau khi đã xử lý sơ bộ, bạn vẫn nên nhanh chóng đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời. Nhưng nếu quãng đường đến bệnh viện quá xa thì chỉ còn cách cố gắng duy trì áp lực và nhất định không được tháo băng - bất kể máu có chảy đến mức nào. Đôi khi việc băng vết thương quá chặt cũng có thể làm vết rách thêm trầm trọng, lúc này máu sẽ chảy nhiều hơn do bạn vô tình đã làm vỡ cục máu đông.

Ngoài việc tự cầm máu bằng băng bó, trong phim cũng thường có những biện pháp khác như sử dụng nhiệt để cầm máu, thực chất là họ đang dùng sức nóng để đốt và tạo thành nút bít ngay đầu mạch máu khiến máu không thể chảy ra thêm nữa. (Tương tự như phương pháp đốt mạch máu bằng dao điện trong phẫu thuật y khoa). Nhưng phương pháp này chỉ phù hợp cho một số loại vết thương, nếu không khéo bạn có thể làm bỏng luôn vùng da xung quanh. Và nghiêm trọng hơn, nếu thực hiện trong môi trường không đảm bảo, những vết bỏng có thể gây nhiễm trùng và là nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong thay vì chết do mất máu.

Thử cả 2 cách rồi, nếu máu vẫn chưa ngừng chảy thì phải làm sao? Đến lúc phải thực hiện các biện pháp cuối cùng... Lúc này nếu bị thương ở tay hoặc chân, bạn sẽ dùng 1 cây gậy và tấm vải dài. Sau đó dùng 1 đầu vải để buộc phía trên vết thương, đầu còn lại quấn vào thanh gậy, tiếp theo bạn cố xoay thanh gậy theo vòng tròn như một tay quay. Điều này sẽ thắt chặt vải quanh chi của bạn đến mức cao nhất - tuy rất đau nhưng bạn phải cố chịu đựng nếu không muốn chết vì mất máu.

Việc thắt chặt băng như vậy sẽ giúp ngăn tất cả lưu lượng máu đến vết thương. Và cái gì cũng có giá của nó, tuy là phương pháp hiệu quả để cầm máu nhưng nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời, bạn có thể sẽ bị mất luôn cả tay hoặc chân. Vì sao ư? Vì các mô của cơ thể chỉ được nuôi dưỡng khi được cung cấp máu đầy đủ, việc buộc chặt như trên sẽ khiến máu nuôi mô không đủ và khiến cho chúng bị hoại tử, cuối cùng phải cắt luôn cả tay hoặc chân. Nhưng dù sao thì tính mạng vẫn quan trọng hơn đúng không, nên hãy cố gắng cầm máu bằng mọi cách nhé.

Với y học hiện đại ngày nay thì những vết thương do súng gây ra có thể được cứu chữa một cách dễ dàng. Các bác sĩ thường dùng thuật ngữ 'giờ G' trong điều trị, điều đó có nghĩa là nạn nhân sau khi bị trúng đạn nếu nhanh chóng được đưa đến bệnh viện trong vòng một giờ đầu thì hầu hết họ đều sẽ được cứu sống. 

Dung (Nguoiduatin.vn)