Hỏi - Đáp

Điều gì xảy ra khi một quả bom hạt nhân phát nổ giữa thành phố?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một quả bom hạt nhân phát nổ trong lòng một thành phố lớn, khi mà người lớn đang đi làm, trẻ em đang học bài, mọi người chìm đắm trong những suy tư và cuộc sống thường nhật?

Giai đoạn 1 của vụ nổ

Trong 1 mili giây, một quả cầu plasma nóng hơn cả bề mặt mặt trời xuất hiện và phình to thành một quả cầu lửa khổng lồ với đường kính lên đến 2 km. Trong lòng quả cầu lửa này, tất cả mọi thứ đều biến mất, phần lớn các tòa nhà, xe cộ, cây cối, những bức tượng bốc hơi trong vòng 1 nốt nhạc.

Ánh sáng chói lòa chiếu rọi toàn bộ thành phố ngay tức khắc. Nếu như đầu bạn đang hướng về phía vụ nổ, nó sẽ khiến bạn bị mù. Sức nóng của ánh sáng này tạo ra một đợt xung nhiệt nóng đến mức nó thiêu rụi mọi thứ trong vòng bán kính 13 km kể từ điểm kích nổ. Điều này có nghĩa là mọi thứ có thể bắt lửa trong phạm vi 500 km2 như nhựa, gỗ, vải, tóc và da sẽ bắt đầu bùng cháy. Nghĩa là nếu bạn đang trong phạm vi của đợt xung nhiệt, mới phút trước bạn bình thường, thì ngay bây giờ bạn đang bốc cháy.

Giai đoạn hai

Hàng nghìn người sẽ nhận ra có gì đó không ổn nhưng đã quá muộn. Sức nóng và phóng xạ của quả cầu lửa khiến không khí xung quanh đột ngột dãn nở nhanh một cách bùng nổ, tạo ra một đợt sóng xung kích mạnh hơn cả bão và nhanh hơn cả tốc độ âm thanh.

Cơ sở hạ tầng của con người không thể chống chọi được với sức mạnh của nó. Phần lớn các tòa cao ốc trong vòng 1 km tiếp theo từ quả cầu lửa đều sẽ bị san phẳng. Chỉ có bê tông cốt thép mới có thể phần nào chống chịu được áp lực, bạn sẽ bị hất văng như một hạt bụi. Sóng xung kích sẽ suy yếu khi tiến ra xa, nhưng vẫn làm sụp đổ khoảng 175 km2 nhà cửa, khiến hàng chục nghìn người không kịp phản ứng và bị mắc kẹt.

Điều gì xảy ra khi một quả bom hạt nhân phát nổ giữa thành phố?

Lúc này, một đám mây hình nấm bốc lên từ quả cầu lửa. Bụi và tro bốc lên cao hàng cây số và bóng đen bao trùm lên thành phố đổ nát trong vài phút sau đó. 21 km trở đi kề từ vụ nổ, mọi người, chạy ngay tới cửa sổ để chụp ảnh đám mây hình nấm, họ không biết rằng sóng xung kích sắp ập tới chuẩn bị phá nát cửa sổ và bắn các mảnh vỡ vào người họ.

Giai đoạn 3

Sẽ có hàng trăm nghìn người cho tới vài triệu người chấn thương nghiêm trọng như các vết rách, gãy xương, bỏng nặng. Trong vài phút tới vài giờ tiếp theo, hàng nghìn người nữa sẽ chết vì những chấn thương này. Vô số người mắc kẹt trong những đống đổ nát hay sẽ bị mù bởi ánh sáng và điếc vì sóng xung kích. Họ sợ hãi, bối rối và chưa biết chuyện gì đã xảy ra.

Những người may mắn sống sót vẫn chưa thực sự thoát khỏi nguy hiểm. Tùy thuộc vào loại vũ khí, vị trí vụ nổ và thời tiết, một cơn mưa đen ngòm bắt đầu trút xuống thành phố kèm với tro và bụi phóng xạ. Mọi hơi thở mang theo phóng vào phổi của người sống sót. Trong những ngày tiếp theo, những người phơi nhiễm phóng xạ cao sẽ chết.

Sẽ không có viện trợ sau nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày vì cơ sở hạ tầng bị phá hủy, không nước, không thực phẩm, không điện, không liên lạc. Sẽ rất khó để cứu hộ ở những thành phố lân cận tiếp cận vùng thảm họa. Và kể cả khi họ có thể, sẽ rất rủi ro khi đến quá gần do ô nhiễm phóng xạ. Lúc này, từng người từng người chui ra khỏi đống đổ nát, họ phải đi bộ, bị phơi nhiễm phóng xạ, họ chậm rãi, đau đớn, đều cần lương thực và cấp cứu.

Sự phá hủy của vũ khí hạt nhân không dừng lại khi lửa tắt, khói tan. Bệnh viện ở các thành phố lân cận đều không đủ trang bị cho thảm họa cỡ này và bị quá tải bởi hàng chục tới hàng trăm người bệnh với những chấn thương nghiêm trọng. Trong vài tuần, vài tháng và vài năm tới, đa số những người sống sót sau thảm họa sẽ bị ung thư và chết. Lý do mà không chính phủ nào muốn bạn nghĩ về điều này vì thật sự không có cách nào để giúp những nạn nhân của vụ tấn công hạt nhân. Không có quốc gia nào trên thế giới sẵn sàng đối mặt với nó.

Dung (Nguoiduatin.vn)