Công nghệ

Chuyển nhầm cho... hacker 210.000 USD

Theo thông tin tài khoản trên email, công ty Việt Nam chuyển hơn 210.000 USD cho một… hacker mà cứ tưởng đã chuyển cho đối tác.

Theo thông tin tài khoản trên email, công ty Việt Nam chuyển hơn 210.000 USD cho một… hacker mà cứ tưởng đã chuyển cho đối tác.
 
 

Công ty HT là doanh nghiệp Việt Nam, có mối quan hệ làm ăn nhiều năm với Công ty MK ở Campuchia. Ấy thế mà cả hai phải nhờ đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phân xử chỉ vì một bên đã chuyển nhầm hơn 210.000 USD (hơn 4,4 tỉ đồng) cho một… hacker.

Hacker tạo địa chỉ na ná để lừa

Xuất phát từ chỗ thân quen nên Công ty HT và Công ty MK thường trao đổi công việc qua thư điện tử, kể cả chứng từ cũng như tài khoản chuyển tiền. Để soạn thảo hay điều chỉnh hợp đồng, Công ty HT thường liên hệ qua email [email protected] và số điện thoại cô thư ký của giám đốc Công ty MK tại phần mềm We Chat trên điện thoại.

Tháng 5-2016, Công ty HT ký hợp đồng với Công ty MK để mua 105 tấn cao su CSR với giá hơn 210.000 USD. Do tài khoản Công ty MK đang gặp trục trặc nên công ty này đã gọi điện thoại thông báo, đồng thời gửi kèm email có địa chỉ như trên đề nghị Công ty HT thanh toán qua tài khoản cá nhân của lãnh đạo Công ty MK.

Tuy nhiên, Công ty HT không đồng ý chuyển tiền qua tài khoản cá nhân. Lúc này Công ty HT nhận được email từ địa chỉ [email protected] (rất giống với địa chỉ email mà hai bên thường liên lạc với nhau, chỉ khác chữ e với chữ a) đề nghị Công ty HT thanh toán tiền qua tài khoản của Công ty MK ở châu Âu và gửi lại hợp đồng đã điều chỉnh, ký tên, đóng dấu.

Không một chút nghi ngờ, Công ty HT đã ra ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền nhưng hệ thống báo lỗi, không chuyển được. Công ty HT về thông báo cho cả hai email [email protected][email protected] về việc không thể chuyển được tiền qua tài khoản ở châu Âu. Thế nhưng Công ty HT chỉ nhận được email từ [email protected] phản hồi ngược lại đề nghị chuyển khoản qua tài khoản của Công ty MK ở châu Phi.

Chuyển tiền xong là đi tong

Trước khi Công ty HT chuyển tiền lần hai thì có “chat” cho thư ký của giám đốc Công ty MK nhưng không thấy trả lời. Sợ hết giờ làm việc của ngân hàng, Công ty HT cứ thế chuyển tiền và giao dịch đã thành công.

Về phía Công ty MK, chờ lâu vẫn chưa thấy đối tác thanh toán tiền, MK đã liên lạc yêu cầu Công ty HT phải thanh toán tiền theo đúng hợp đồng đã ký kết. Lúc này Công ty HT mới cung cấp giấy tờ chứng minh rằng mình đã chuyển tiền. Tuy nhiên, Công ty MK một mực khẳng định mình chưa nhận được và nói rằng Công ty HT chuyển sai địa chỉ, đề nghị chuyển lại. Do không thống nhất được nên Công ty MK khởi kiện Công ty HT ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Sau nhiều lần hai bên trao đổi, nhận thấy vụ việc có nhiều điểm khuất tất, Công ty HT đã trình báo toàn bộ sự việc đến công an vì cho rằng mình đang bị lừa đảo.

Luật sư Nguyễn Thành Công (người bảo vệ quyền lợi cho Công ty HT) cho biết qua thương lượng tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, hai công ty đã tìm được tiếng nói chung. Để không làm ảnh hưởng tới công việc kinh doanh lâu dài giữa hai bên, phía Công ty MK đã đồng ý cho Công ty HT chỉ cần thanh toán 70% của số tiền hơn 210.000 USD. “Bên cạnh đó, Công ty HT vẫn mong muốn CQĐT sớm tìm ra được đối tượng đã chiếm đoạt số tiền trên” - luật sư Công nói.

Theo Ngân Nga (Pháp Luật TP HCM)