Giới trẻ

Từ cậu bé 2 tuổi chưa biết nói đến chàng trai “Vàng” Olympic Toán quốc tế của Việt Nam

Lên 2 tuổi chưa biết nói, nhưng 4 tuổi đã biết làm toán và 16 tuổi trở thành học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế. Câu chuyện thú vị về nam sinh Ngô Quý Đăng học lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (đại học Quốc gia Hà Nội).

Học Toán không thấy mệt

Với thành tích đạt 36/42 điểm và làm trọn vẹn 5/6 bài toán của kỳ thi, Ngô Quý Đăng trở thành học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành được huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế. Không những thế, em còn xuất sắc xếp hạng 4 thế giới.

“Khi lên website của cuộc thi, thấy tên mình đoạt giải cao nhất, em cảm thấy vỡ òa trong hạnh phúc. Đối với em, điều đó giống như một giấc mơ đẹp vậy. Ngay lập tức, em chia sẻ với gia đình, bạn bè và những người thầy đã dìu dắt, nâng bước em đến thành công này…” - Đăng xúc động nhớ lại.

“Người thầy” đầu tiên của chàng trai Vàng này chính là ông ngoại, vốn là một thầy giáo dạy Toán. “Có thể nói, trong gia đình, em được thừa hưởng năng khiếu và đam mê Toán học từ ông ngoại. Ông đã đồng hành cùng em trong suốt những năm tháng học tập đầu đời. Phải đến khi bước vào bậc THCS, em mới thiên về tự học nhiều hơn…” - Đăng tâm sự.

Từ cậu bé 2 tuổi chưa biết nói đến chàng trai “Vàng” Olympic Toán quốc tế của Việt Nam

Cậu học trò không khỏi bật cười khi nhớ lại những kỷ niệm cũ: “Thuở nhỏ, em cũng là một cậu bé “mít ướt”. Hồi em mới tập đếm, khi đi đến các cột đèn tín hiệu giao thông, nếu thấy số giây đếm ngược chưa về số nhỏ nhất mà đã chuyển màu là em cảm thấy rất bực.

Cõ lẽ vì thấy chúng không tuân theo quy luật tự nhiên. Mỗi lần gặp tình huống đó là em... ăn vạ. Bố mẹ kể lại, năm 2 tuổi, em thậm chí vẫn chưa biết nói, nhưng đến khi lên 4 tuổi thì em lại rất thích thú khi được làm các phép tính mà mọi người đố. Đến khi đã thông thạo mặt số thì em bắt đầu học tính”.

Lên lớp 6, Quý Đăng làm quen với môi trường mới ở trường THCS Archimedes. Cậu học trò thường chủ động xin thầy cô giao thêm bài tập Toán về nhà làm. “Vì yêu thích Toán, em học không thấy mệt!” - cậu giải thích.

Đăng bộc bạch: “Thời điểm đó, cũng là lần đầu tiên em biết đến kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, em đã nhen nhóm hy vọng một ngày nào đó đứng trong đội tuyển quốc gia, được thử sức với những bài toán khó nhất. Tuy nhiên, em cũng không tạo áp lực cho mình phải tham dự đội tuyển vào năm học lớp mấy. Cứ học tuần tự, dần dần, và khi có tên trong đoàn thí sinh năm nay, em đã không giấu nổi sự vui mừng”.

Mặc dù sáng dạ nhưng cậu học trò này cũng tự nhận mình trình bày rất xấu: “Trong kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp quận năm lớp 9, em làm hết nhưng chỉ được 19/20 điểm bị mất một điểm trình bày. Thời điểm đó, thầy giáo dạy Đại số của em đã chỉ ra, em viết xấu thì sẽ không gặt hái được điểm cao, cần viết cách dòng để bài làm thoáng hơn.

Từ cậu bé 2 tuổi chưa biết nói đến chàng trai “Vàng” Olympic Toán quốc tế của Việt Nam - 1

Nghe lời khuyên đó, đến kỳ thi cấp Thành phố, em đã giành 19,75/20. Tuy chỉ thêm 0,75 điểm, nhưng lời khuyên của thầy đã giúp em vượt qua chính mình và đến giờ vẫn rất có ý nghĩa với em, chính điều đó đã tạo nền móng, giúp em chạm tay đến những thành tích sau này”.

Tiếp tục theo đuổi “sàn đấu”

Khi lọt vào danh sách 6 thí sinh của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế 2020, Ngô Quý Đăng cho rằng đó là vinh dự, cũng là may mắn lớn đối với một học sinh lớp 10 như cậu. Khó khăn lớn nhất đối với Đăng, có lẽ chính là việc phải “chạy đua nước rút”, tiếp cận và rèn luyện kiến thức Toán của cả bậc THPT chỉ trong vài tháng. “Ngoài hỏi thầy và các anh chị khi ở trên lớp, em sẽ dành thời gian xem lại và tư duy những bài không làm được khi về nhà, biết đâu sẽ tìm ra cách giải mới” - Đăng chia sẻ.

Tuy nhỏ tuổi nhất nhưng chàng trai 16 tuổi chưa bao giờ muốn bỏ cuộc. Cậu tâm niệm, cần phải giữ tinh thần lạc quan, bởi khi thoải mái mới có thể thành công. Trước kỳ thi khoảng một tháng, Đăng và các thành viên đội tuyển phải tăng cường ôn luyện kiến thức. Ngoài 9 tiếng học ở trường, Đăng tự phá quy tắc ngủ trước 12h đêm của bản thân để tư duy những bài tập khó, có hôm đến gần 3h sáng mới chịu đi ngủ.

Từ cậu bé 2 tuổi chưa biết nói đến chàng trai “Vàng” Olympic Toán quốc tế của Việt Nam - 2

Tự nhận mình không có bí quyết học tập nào đặc biệt, nhưng Ngô Quý Đăng lại bật mí: “Em có một quyển vở chỉ để dành riêng cho những bài toán khó hoặc siêu hay. Em thường chép lại bài giải vào quyển vở đó, cứ khi rảnh rỗi là lại mở ra xem. Dần dần, những bài giải đó sẽ thấm và phần kiến thức đó khi cần sẽ nảy ra như một “phản xạ tư duy”. Ý tưởng đó mới được bắt đầu từ đầu năm nay, và em vừa kết thúc quyển vở đầu tiên khi số lượng bài toán đã “cán mốc” 100 bài”.

Ghi chép có lẽ đã trở thành thói quen của Ngô Quý Đăng. Ngay trong buổi giao lưu cùng GS. Ngô Bảo Châu, khi lắng nghe bài giảng về nghiên cứu khoa học của ông, cậu học trò cũng nhanh tay ghi chú lại những điều hữu ích.

“Hiện thực hóa giấc mơ giành huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Toán, em đã tự tin hơn một chút và mong có thể tiếp tục thực hiện những mục tiêu xa hơn” - cậu khẳng định.

Dự định của Đăng là dành thời gian bổ sung những “lỗ hổng” kiến thức và bù đắp những phần không phải điểm mạnh để hoàn thiện bản thân. Cậu học trò không quên đặt mục tiêu tiếp tục tham gia kỳ thi này, bởi Toán học là đam mê, và cậu cảm thấy hạnh phúc khi được chinh phục thử thách.

Mặc dù đã sở hữu chiếc huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế đầu tiên khi mới 16 tuổi, nhưng Quý Đăng cũng không hề tỏ ra áp lực với những cuộc thi năm sau. “Tuy nói rằng, áp lực tham dự kỳ thi năm sau của em sẽ lớn hơn, nhưng khi đó, em cũng đã lớn hơn, và quá trình rèn luyện sắp tới sẽ là hành trang hữu ích cho năm sau” - nam sinh nhấn mạnh.

Ngồi trên chiếc ghế đá cùng cậu bạn thân, Quý Đăng theo dõi buổi bế mạc cuộc thi Olympic Toán quốc tế 2020 qua chiếc ipad. Cậu háo hức từng giây để biết năm sau, cuộc thi sẽ được tổ chức tại đâu.

Theo Cẩm Mịch (Nguoiduatin.vn)