Giới trẻ

Tranh cãi về thức xuyên đêm mua giày hiệu: Trẻ con, dư tiền, đua đòi?

Bạn trẻ Sài Gòn xếp hàng mua Yeezy 500 Blush

Nhiều người chỉ trích giới trẻ xếp hàng xuyên đêm mua giày lãng phí thời gian, tiền bạc. Tín đồ giày khẳng định tiêu tiền như nào là quyền của họ, mong người khác đừng phán xét.

Sau một đêm thức trắng trước Bitexco (TP.HCM), khoảng 150 tín đồ mê giày đã sở hữu Yeezy 500 Blush. Hàng trăm bạn trẻ đành ra về, ngậm ngùi tiếc nuối vì bỏ lỡ siêu phẩm.

Tranh luận nổ ra trên mạng khi một luồng ý kiến đặt câu hỏi tại sao nhiều thanh niên lại “rỗi hơi”, “thừa tiền” đến mức sẵn sàng thức xuyên đêm để mua đôi giày tiền triệu đến vậy. Phe còn lại cho rằng "tiền tôi, tôi tiêu", người khác không thích thì thôi, đừng phê phán.

Dư thời gian và tiền bạc?

Những người nằm ngoài luồng sức hút của Yeezy cảm thấy nó không đẹp, “nhìn như kiểu giày lề đường cũ” và “có cho cũng không mang”.

Họ cho rằng Yeezy 500 Blush khó có thể đủ hấp dẫn để khiến hàng trăm người xếp hàng xuyên đêm chờ mua và khẳng định đây là chiêu trò nhằm tạo sức nóng cho sản phẩm mới.

Một số người lại cảm thấy việc xếp hàng này chỉ là hiệu ứng số đông, kéo theo những bạn trẻ quá rảnh rỗi.

Tranh cãi về thức xuyên đêm mua giày hiệu: Trẻ con, dư tiền, đua đòi?
Hàng trăm bạn trẻ xếp hàng chờ mua Yeezy 500 Blush. Nhiều người chờ đợi từ tối hôm trước. Ảnh: Tùng Tin.

Bạn đọc Sơn Nguyễn phỏng đoán bỏ tiền mua đôi giày hơn 5 triệu chứng tỏ thu nhập của các bạn ít nhất phải khoảng 20 triệu/tháng. Tuy nhiên, nhìn kỹ, đồ dùng của những người xếp hàng không phải đồ hiệu đắt đỏ gì nên khả năng lớn, đây là chiêu trò và một số ra "sống ảo".

“Trong đám xếp hàng, bao nhiêu người sử dụng Adidas? Hay chỉ ra selfie, chứng tỏ mình đã ở đó, chờ mua siêu phẩm”, độc giả Nguyen Caprio bình luận.

Không chỉ chỉ trích những bạn ra chụp ảnh “làm màu”, cộng đồng mạng cũng không tiếc lời chê bai nhóm trẻ “sống ảo”, bỏ tiền triệu ra mua giày rồi cả tháng ăn mỳ tôm.

Quỳnh Chi (22 tuổi, Hà Nội) cảm thấy khó hiểu trước đam mê của không ít người. Nữ sinh cho biết bạn cô không có cơ hội “đi camp”, canh mua giày nhưng đang tìm cách mua lại.

Điều đáng nói nếu mua với giá 5,3 triệu đồng, cô bạn đã chi hết gần hai tháng sinh hoạt phí do bố mẹ gửi, chưa kể đến giá mua lại thường đắt gấp đôi. Quỳnh Chi không ít lần chứng kiến bạn mình lao vào mua sắm quần áo, giày dép rồi rơi vào cảnh túng thiếu.

Tranh cãi về thức xuyên đêm mua giày hiệu: Trẻ con, dư tiền, đua đòi? - 1
Hành động của nhóm trẻ bị chỉ trích. Ảnh chụp màn hình.

Đây cũng là lý do nhiều người không “vừa mắt” khi thấy người xếp hàng chờ mua Yeezy 500 Blush. Họ nhận định những người này đa phần đều không tiêu tiền của bản thân nên không thấy tiếc, chưa kiếm tiền nên chưa biết quý trọng.

Ngược lại, một số người nhận xét người trẻ ngày nay quá giàu, mua đôi giày 5 triệu cứ như chỉ bỏ ra có 50 nghìn. Trong khi đó, bản thân họ đi làm mà mỗi lần mua đôi giày 500 nghìn còn đắn đo, suy nghĩ.

Những người này chỉ trích các tín đồ Yeezy đang tiêu tiền vô bổ. “Quả thực là những con người dư tiền bạc và thời gian”, Quỳnh Chi thở dài.

Không thích thì đừng phê phán

Về phía tín đồ giày, họ cảm thấy những người bình luận chê bai, trách móc đều không hiểu biết gì về giày và đam mê giày. Với họ, việc sở hữu Yeezy có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt với những người có sở thích sưu tập giày hiệu.

Hơn nữa, việc thức đêm chờ mua giày hay bỏ 5 triệu ra mua sắm hoàn toàn không ảnh hưởng cuộc sống của người khác.

“Không thích, không hiểu, đừng phê phán. Chúng tôi chẳng tiêu tiền của họ”, Quốc Hưng (24 tuổi, TP.HCM) nhắn nhủ.

Cậu bạn nói thêm chính những người bỏ thời gian ra chỉ trích những người không liên quan mới đang làm việc vô bổ, lãng phí thời gian và tâm trí.

Ngoài ra, những ý kiến cho rằng dòng người chờ thâu đêm mua giày tiền triệu đang phí phạm tiền bạc và không biết tiếc vì không phải tiền của mình cũng vấp phải phản ứng gay gắt.

Theo họ, mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau. Nhiều tín đồ giày cố gắng làm việc, họ giỏi, kiếm tháng hàng chục, thậm chí trăm triệu đồng. Họ bỏ sức kiếm tiền và có quyền chi tiêu cho sở thích của bản thân.

Có thể với nhiều người, bỏ hơn 5 triệu cho đôi giày “xấu hoắc” thực sự lãng phí nhưng xấu - đẹp còn tùy cảm nhận của từng người. Những người không thích đừng áp đặt suy nghĩ đó lên người khác.

“Chúng tôi có quyền mua và bạn không được quyền ý kiến gì về đồng tiền chúng tôi sử dụng. Việc dùng hàng chính hãng cũng đã góp phần nâng cao nhận thức”, độc giả Hùng bình luận.

Người này nói thêm quý tiền bạc tức là dùng sao cho đúng mục đích. 5 triệu có thể lớn với người này nhưng lại chẳng thấm vào đâu so với người kia. Anh hy vọng thay vì ngồi chỉ trích, "tiếc lên tiếc xuống", những người đó nên dành thời gian để kiếm tiền cho bản thân.

Chưa kể đến, không ít người thức đêm canh mua giày nhằm mục đích thương mại. Họ bỏ thời gian để bán lại cho tín đồ giày với giá cao hơn nhiều.

Giày là thị trường có sức hút lớn. Yeezy 500 Blush được tung ra với giá 5,3 triệu đồng tại cửa hàng nhưng vì số lượng có hạn, giá bán lại có thể đắt gấp 3-4 lần.

“Họ bỏ 5 triệu để lấy lại số tiền lớn hơn. Mấy bạn chửi họ vì có biết gì đâu. Bảo sao người ta biết cách kiếm tiền. Họ có cái đầu chứ không chỉ nhanh tay gõ phím cho giỏi”, chủ tài khoản 4321 bình luận.

Trên thực tế, ngay sau khi Adidas kết thúc đợt bán Yeezy 500 Blush, "siêu phẩm" này đã được rao bán lại từ những người chờ mua với giá lên đến hơn 9 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần chịu khó thức chờ một đêm, "reseller" dễ dàng bỏ túi 4 triệu đồng.

Tranh cãi về thức xuyên đêm mua giày hiệu: Trẻ con, dư tiền, đua đòi? - 2
Siêu phẩm mới của Adidas được bán lại với giá hơn 9 triệu đồng. Ảnh chụp màn hình.

Chuyện này thực ra không hề hiếm trong giới kinh doanh đồ hiệu. JV Ortiz, chủ trang web chuyên bán lại giày hiệu ở New York, Mỹ, kiếm khoảng 10.000 USD/tháng (khoảng 228 triệu đồng) nhờ chịu khó săn hàng và bán lại.

Anh tâm sự giày là thị trường béo bở. Trung bình với mỗi đôi giày hiệu, anh kiếm lời khoảng 500 USD (hơn 11 triệu đồng). Những gì phải làm là chịu khó canh lúc nhãn hàng mở bán, mua với giá gốc tại cửa hàng rồi rao bán trên eBay.

Trừ lúc canh mua giày khá vất vả, JV thảnh thơi và dành phần lớn thời gian để chạy bộ, lướt sóng và viết bài nhằm tăng độ “hot” cho sản phẩm mình bán.

Theo Nguyễn Sương (Tri Thức Trực Tuyến)