Giới trẻ

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường

Video: Gian nan con đường trở thành bác sĩ

Nhìn ảnh chụp bạn trẻ khoác áo blouse nằm co ro trên ghế, nền nhà... tìm giấc ngủ chập chờn trong ca trực ở bệnh viện, nhiều sinh viên Y cười xòa: "Chuyện thường của chúng mình".

Thầm lặng, hai tiếng ngành Y/ Từ lúc vào học đến khi ra trường/ Sáng bệnh viện, chiều giảng đường/ Cùng những đêm trực, coi thường tuổi xuân...".

Những vần thơ người theo ngành Y không đơn thuần là hiểu, mà còn thấm thía. Họ đã quá quen với nếp ăn uống vội vã, giấc ngủ chập chờn, đồng hồ sinh học của cơ thể bị xáo trộn... vì bộn bề công việc. 

Nhiều sinh viên Y tâm sự trong ca trực đêm, họ chỉ mong có chỗ ngả lưng để khỏi phải "vật vờ" ngoài hành lang, nhất là khi mùa đông giá rét về. Vài chiếc ghế xếp tạm, tờ báo trải trên nền phòng... bởi thế mà êm ái chẳng kém gì giường ở nhà.

Kỷ niệm lúc học tập dưới mái trường Y luôn gắn với tính từ vất vả, mệt mỏi... nhưng không ít người đi qua những năm tháng đó vẫn thường hoài niệm: "Ước gì được quay lại ngày ấy!".

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường
Cảnh tượng quen thuộc với sinh viên học ngành Y. Ảnh: Page Chia sẻ Y khoa.

Không có thời gian ăn, ngủ là chuyện bình thường

"Học Y khổ, nhất là với con gái" là lời bộc bạch của Hoàng Tiến Đạt, 24 tuổi, sinh viên năm cuối ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên. Với nam sinh, ngành Y học vất vả bởi trực nhiều, học cũng nhiều lại kiểm tra liên tục.

Tiến Đạt chia sẻ lịch học năm thứ 6 của cậu là một tuần trực 2 buổi, mỗi buổi kéo dài 24 tiếng (từ 7h sáng hôm nay đến 7h sáng hôm sau). Ngày không phải trực, buổi sáng 9X học lâm sàng ở bệnh viện, chiều học lý thuyết ở trường.

Thứ 7 và chủ nhật cậu không phải tới lớp, nhưng nếu có lịch trực thì coi như không có ngày nghỉ. Lịch kiểm tra ở lớp thì dày đặc.

Cho Đạt xem ảnh chụp nhiều sinh viên khoác áo blouse nằm co ro trên ghế, nền nhà... tìm giấc ngủ chập chờn trong ca trực ở bệnh viện, cậu cười và cho biết thực tế có lẽ còn khổ hơn thế.

"Nhiều hôm trực ở khoa đông bệnh nhân hay có bệnh nhân nặng như khoa Hồi sức, Cấp cứu, hầu như mình thức trắng đêm. Khi không có bệnh nhân, ngơi ra đôi chút, mình gục xuống bàn làm việc chợp mắt chứ không được nằm đâu. Bệnh nhân đến là phải bật dậy, nhanh chóng trở lại công việc", Tiến Đạt kể.

Cũng vui vẻ chia sẻ về "đặc sản" của dân học Y, Bàn Thị Thu Hương - sinh viên năm 4, ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên - "khoe" cả album ảnh chụp các bạn cùng ngành chợp mắt ở mọi nơi trong mọi tư thế. Nhìn hài hước là vậy, song thực tế rất hại cho cơ thể.

Với cô gái 23 tuổi, khó khăn khi học Y là thời gian học kéo dài tới 6 năm, lịch học, trực căng thẳng và không có thời gian chăm chút sắc đẹp.

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường - 1

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường - 2

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường - 3

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường - 4

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường - 5
Ngủ ngon lành trong mọi tư thế trên nền nhà, vài chiếc ghế xếp lại... là "đặc sản" của sinh viên học Y. Ảnh: Page Chia sẻ Y khoa. 

Thu Hương cho hay ca trực của cô trung bình có 4-6 sinh viên. Từ 19h đến 23h, cả tua cùng thức trực, còn từ 23h đến 6h hôm sau, nhóm chia hai ca để ngủ. Có hôm Hương thức trực 12 tiếng, sau đó đi học lâm sàng sáng thêm 3 tiếng là tất cả 15 tiếng không chợp mắt.

Trong ca trực, sinh viên được phép ngả lưng trên nền đất có trải chiếu của bệnh nhân và đắp chăn mình mang theo. Người nào "xịn" hơn thì sắm túi ngủ tiện ích hay lên giảng đường nằm tạm trên bàn ghế.

Hương cười bảo trực vất vả mãi cũng thành quen, chỉ khổ các bạn nữ đi trực đúng ngày "đèn đỏ" thì hôm sau phờ phạc cả người. Sáng 7h dậy cũng chẳng kịp trang điểm nhẹ nhàng cho bớt xấu, vì hết ca trực phải lên giao ban luôn.

"Hôm nào vội mình chỉ kịp ăn chiếc bánh mỳ, uống hộp sữa là đi viện, chẳng có thời gian nấu ăn cẩn thận. Để giúp nhau không ngủ quên trong ca, chúng mình từng bày ra đủ trò như kể chuyện ma, đố vui hay hát chế... Vất vả nhưng chẳng bao giờ thiếu niềm vui", Thu Cúc - cựu sinh viên Cao đẳng Y Yên Bái - nhớ lại.

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường - 6
Bác sĩ sản khoa nổi tiếng trên mạng xã hội - Trần Vũ Quang - gom góp nhiều kỷ niệm vui, buồn, "dở khóc dở cười" sau 13 năm gắn bó với ngành Y. Ảnh: Châu Châu.

Học Y đã vất vả, đến khi đi làm chính thức, công việc còn bộn bề hơn nhiều lần. Trần Vũ Quang (31 tuổi, công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội) gắn bó với ngành Y được 13 năm, trong đó, nửa thời gian anh theo học tại ĐH Y Hà Nội. 

"Công việc cường độ cao, chúng tôi không có thời gian ăn, ngủ là chuyện bình thường. Nhiều ngày quá bận, tôi không có thời gian vệ sinh cá nhân, phải lấy bông thấm nước muối sinh lý để lau mặt, cắt chai truyền dịch cho bệnh nhân còn thừa để uống nước, tiếp tục làm việc", bác sĩ 8X chia sẻ với Zing.vn.

Lấy sự học làm tình yêu

Việc phải "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" để đi trực không làm khó được dân học Y thì chuyện ế cũng chẳng là điều gì to tát.

Theo như lời Tiến Đạt: "Thi đầu vào cao nên chỉ có sinh viên không theo được thì tự bỏ, hoặc trường hợp vi phạm bị đuổi thôi, chứ mình chẳng thấy bạn nào phát 'điên' vì học cả. Họ lấy học làm tình yêu ý mà".

Nam sinh vui vẻ tiết lộ lớp cậu có 50 sinh viên gồm 14 nam và 36 nữ. F.A chiếm đa số. Để giúp nhau thoát ế, không ít đôi đã nên duyên. Như Tiến Đạt yêu luôn cô bạn cùng lớp để giúp nhau học tập lại dễ bề thông cảm và không bao giờ phàn nàn về công việc của nhau.

Chưa kịp trao đổi thêm, Đạt vội lên lớp để tham gia bốc lịch trực cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nam sinh hài hước gọi đây là "trò may rủi" mà ai cũng "dính".

Quan trọng là có "nhọ" trúng phải 30 Tết và mùng 1 hay không. Bốc ngày đầu và cuối Tết sẽ phải trực 3 ngày, còn trong Tết thì trực 2 ngày liền nhau.

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường - 7
Với nhiều sinh viên Y, chuyện ế không phải điều gì to tát, bởi tình yêu to lớn của họ là việc học.  Ảnh: Tiến Đạt.

Không may mắn có người yêu như Tiến Đạt, Thu Hương tự nhận là điển hình của hội F.A trong số 65 "thần dân" lớp mình.

"Nhiều bạn mải mê học nên coi chẳng màng đến chuyện yêu đương. Bản thân mình ngoài mải học, còn bận làm thêm là hát tại quán cà phê, rồi tham gia văn nghệ ở trường đâm ra thành lười yêu. Mình sợ người ngoài không hiểu, không thông cảm cho ngành học của mình", Thu Hương chia sẻ.

Cha mẹ tâm lý nên mỗi lần gọi điện chỉ xót con gái ốm đau, học hành vất vả, chứ không hỏi đến chuyện tình cảm.

Bác sĩ điển trai Trần Vũ Quang năm nào cũng bị cha mẹ giục lấy vợ, song vì công việc quá bận, ở tuổi 31 anh vẫn "phó mặc duyên trời".

8X hài hước nói: "Tôi từng tư vấn và làm đẹp cho nhiều hoa hậu, người mẫu, nhưng vẫn chưa hình dung được mẫu bạn gái lý tưởng của mình. Có lẽ vì thế nên mới ế".

Nhiều trải nghiệm không phải ai cũng có

Người trẻ thường dành thời gian để tụ tập, vui chơi cùng bạn bè. Nhưng vì đặc thù ngành Y, Lê Ngọc Nam - sinh viên năm cuối HV Quân y - bỏ lỡ nhiều cơ hội như thế. Dù mệt mỏi, vất vả đến đâu, cậu vẫn thấy vui vì có nhiều trải nghiệm không phải ai cũng có được.

"Kỷ niệm mình nhớ nhất là lần đầu đi thực tập môn Giải phẫu hồi năm nhất. Xác được ngâm trong dung dịch bảo quản, đến gần mùi rất sợ, làm cay và chảy cả nước mắt. Sợ nhưng phục vụ cho công việc sau này nên mình cũng tập quen dần. Còn hôm đi trực tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vào đúng đợt có dịch sốt xuất huyết, mình được phụ bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, rồi mệt ngủ ngay trên nền nhà", Ngọc Nam kể.

Sinh viên trường Y: Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện thường - 8
Niềm vui trong nghề với bác sĩ Vũ Quang là được đón các "thiên thần nhí" chào đời. Ảnh:FBNV.

Điều bác sĩ phụ sản Trần Vũ Quang cảm thấy ấm áp nhất khi theo nghề đã chọn là thấy nụ cười, xen lẫn giọt nước mắt hạnh phúc của mọi người trong khoảnh khắc chào đón các em bé chào đời.

Điểm chung của Vũ Quang, Ngọc Nam, Tiến Đạt hay Thu Hương là chọn màu áo trắng vì những ước mơ, mục tiêu rõ ràng.

Tiến Đạt mong nối nghiệp cha mẹ đều gắn bó với ngành Y. Thu Hương quyết tâm trở thành bác sĩ sau khi mẹ nuôi qua đời vì ung thư. Vũ Quang nối tiếp con đường bác sĩ sản khoa dang dở của cha...

6 năm học trường Y không phải quãng thời gian phí phạm hay chôn vùi tuổi thanh xuân, mà giúp những năm tháng sau này của họ rực rỡ hơn nhờ có khả năng giúp người, cứu người.

Theo Thu Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)