Giới trẻ

Quán bún đậu mắm tôm "đắt khách" của cô gái Hà Nội tốt nghiệp ĐH Luật

Cầm trên tay tấm bằng cử nhân đỏ chói nhưng sau nhiều lần tất tả ngược xuôi tìm việc, chị Hương chỉ thấy mệt mỏi và những cánh cửa việc làm đúng ngành khép lại ngay trước mắt.

Cầm trên tay tấm bằng cử nhân đỏ chói nhưng sau nhiều lần tất tả ngược xuôi tìm việc, chị Hương chỉ thấy mệt mỏi và những cánh cửa việc làm đúng ngành khép lại ngay trước mắt. Thất bại với giấc mơ hồng, nữ cử nhân này dần tìm cho mình một lối đi riêng với con đường kinh doanh bún đậu mắm tôm nơi vỉa hè.
Hành trình tìm kiếm con đường phù hợp với bản thân

Ghé qua phố Ngõ Huyện (phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi thăm quán bún đậu mắm tôm chị Hương thì không ai là không biết. Con phố nhỏ này khá nhỏ hẹp nhưng người và xe bao giờ cũng chật ních. Nhịp buôn bán ở đây rất sôi động và chỉ trong khoảng vài trăm mét đã có tới vài quán bún đậu mắm tôm cùng mọc lên. Thế nhưng, so với các hàng quán khác, quán bún đậu của chị Hương bao giờ cũng xôm tụ thực khách hơn cả. Hỏi ra mới biết, "tay" làm bún đậu khéo léo ấy đã một thời là cử nhân loại khá của trường Đại học Luật với một mong ước hoàn toàn trái ngược với cảnh buôn bán vất vả, xô bồ nơi phố cổ.
 

Mở cửa từ 7h sáng nhưng quán bún đậu của chị Hương thường đông khách nhất vào buổi trưa, từ 12h đến 13h. Buổi chiều, chị chuyển sang bán cháo sườn và chè đỗ đen để kiếm thêm thu nhập.

 
Là cô con gái "cưng" duy nhất trong gia đình có hai anh trai, chị Bùi Lệ Hương (SN 1979) được bố mẹ hết sức cưng chiều và tạo mọi điều kiện để học tập, theo đuổi sự nghiệp. Với gia cảnh khá giả, từ nhỏ, người phụ nữ ấy đã không phải chịu nhiều nỗi vất vả và vẫn hy vọng, cuộc sống trong tương lai của mình sẽ trôi qua một cách êm đềm. Năm 1999, chị tốt nghiệp Đại học Luật chuyên ngành luật kinh tế. Sự nghiệp học hành kết thúc tốt đẹp nhưng trớ trêu thay, sau nhiều lần vật lộn nghĩ cách xin việc, chị Hương đều thất bại.
 
"Năm tôi thi đỗ Đại học là 1995, ngày đó trường Đại học luật lấy điểm rất cao. Tôi nhớ là hình như 26 điểm. Cơ chế thi tuyển lúc đó là trường nào ra đề kiểu trường đó nên khá vất vả hơn so với bây giờ. Mình tôi lặn lội đi thi những mấy trường Đại học và đạt kết quả tốt. Sau nhiều lần cân nhắc, vì mong muốn gắn bó với nghề Luật nên tôi quyết định theo học ngành này. Thế nhưng Đại học Luật lúc ấy quá "hot", quá nhiều người theo học và kết quả cuối cùng là ra trường, rất nhiều người không xin được việc làm", chị Hương kể lại.
 
Không thành công với ngành nghề vất vả theo học nhưng chị Hương lại có cuộc sống gia đình hạnh phúc và công việc kinh doanh tiến triển tốt.
 
Không thành công trên con đường tìm kiếm công việc phù hợp với ngành học nhưng chị Hương lại là một người thành công trong cuộc sống. Tốt nghiệp một thời gian, chị lấy chồng và sinh được ba nhóc tì đáng yêu. Chồng chị vốn là một người bạn học cùng lớp, ra trường, anh cũng chật vật không xin được việc làm và phải học thêm chuyên ngành luật sư để mở văn phòng luật tư nhân trên phố Ngõ Huyện.
 
Khi cuộc sống gia đình dần ổn định, hơn một năm trước, chị Hương quyết định dùng một khoản vốn khoảng hơn chục triệu đồng đầu tư kinh doanh một quán bún đậu mắm tôm ngay vỉa hè, gần văn phòng luật của chồng. Nói về chuyện kinh doanh của mình, chị Hương cho biết, điều khó khăn nhất là lấy được sự đồng ý của hai bên gia đình. "Bố mẹ hai bên, nhất là bố mẹ tôi phản đối gay gắt chuyện đi bán hàng ăn vỉa hè. Họ sợ tôi phải khổ, phải vất vả nhưng tôi không nghe", chị Hương nói.
 
 

Thực khách của quán chị Hương chủ yếu là nhân viên văn phòng làm việc quanh khu vực phường Hàng Trống.

 
Vốn sinh ra trong gia đình tương đối đủ đầy về mặt vất chất, đến khi lấy chồng, anh lại là một luật sư, có nhà cửa đàng hoàng và dành ra một căn nhà cho thuê riêng kiếm tiền hàng tháng nhưng chị Hương lại hoàn toàn không phải là người có tâm lý ỷ lại. "Nhìn chồng vất vả lo nuôi bốn mẹ con và bố mẹ già, tôi thực không đành lòng chút nào. Tôi nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe nên cố gắng làm được chút nào hay chút ấy".
 
Riêng về con đường kinh doanh, chị Hương cười xòa và nói, "có lẽ đó cũng là duyên nợ". Theo chị, bán bún đậu không cần đầu tư quá nhiều vốn liếng. Món ăn này rất bình dân, dễ ăn, dễ làm nên dù không chuyên, chị Hương vẫn có thể tự tin mày mò nấu nướng, chiều ý thực khách. Quyết là làm tới cùng, để mở quán, chị Hương phải thức khuya dậy sớm nhưng người phụ nữ ấy vẫn thấy rất hạnh phúc vì được làm những gì mình thích.
 
Quán bún đậu đông khách vì có cô chủ là... cử nhân Đại học
 
Hiếm có món ăn dân dã nào lại gây nghiện cho mọi tầng lớp thực khách, và có “bản năng sống” cao như bún đậu mắm tôm - có khả năng thích nghi, tồn tại trong mọi thời gian, hoàn cảnh. Thế nhưng cũng vì cái tính phổ biến ấy mà việc tạo ra một dấu ấn thật riêng cho món ăn này lại là câu chuyện không hề đơn giản.
 
So với các hàng bún đậu khác trong cùng khu phố, quán ăn của chị Hương vẫn có phần đông khách hơn. Lý do một phần vì chủ nhân của nó là... cử nhân Luật rất thân thiện và hiếu khách. "Chị Hương vui và tốt tính lắm, khách đến ăn ai cũng thích nói chuyện chém gió với chị. Người khó tính muốn chế mắm, dán đậu giòn hay non thế nào, chị đều nhiệt tình đáp ứng", chị Hồng (một khách quen của quán) nói.
 
Trong khi đó, nhiều thực khách cho biết, họ quý mến chị Hương cũng bởi người phụ nữ ấy rất tốt bụng và giàu lòng thương người. "Nhiều trẻ em đánh giày đến đây ăn trưa đều được chị Hương bán cho những suất bún đầy ú và tính giá rẻ bằng chỉ nửa mọi người. Có lần tôi hỏi chị ấy cứ bán thế làm sao có lời lãi được thì chị ấy chỉ cười bảo, biết làm sao được, nhìn chúng nó tội quá, đi đánh giày cả ngày chắc cũng chỉ đủ tiền ăn một bữa trưa thôi. Sau lần ấy, tôi bị ấn tượng với cô chủ này lắm nên vẫn hay ghé ăn ủng hộ cho chị thêm đắt hàng", anh Trọng (một thực khách khác tại quán) kể.
 
Nghe thấy anh Trọng nói thế, chị Hương chỉ cười nhẹ, nói: "Có nhiều bệnh nhân khó khăn đi ăn ở quán, tôi cũng không nỡ lấy tiền nhưng ngần ấy có là gì đâu vì tôi chẳng đủ sức giúp được gì cho họ nhiều".
 
 

Nguyên liệu làm bún luôn được chị Hương chuẩn bị rất kỹ càng.

 
Mâm bún đậu trình bày rất ngon mắt với mức giá phải chăng. 30.000 đồng/suất bún đậu tổng hợp có thêm chả cốm và thịt chân giò được nhiều thực khách xem là rẻ hơn so với mặt bằng chung trên khu vực phố cổ Hà Nội.
 
Ngoài việc được lòng thực khách vì thân thiện, nhiệt tình, chị Hương còn được nhiều thực khách khen ngợi là làm việc nhanh nhẹn, gọn gàng và có tài pha mắm tôm khá "chuẩn vị". Mâm bún đậu của chị Hương bày ra, bao giờ cũng riêng rẽ từng đĩa bún, đĩa đậu, mắm tôm đâu ra đó, nhìn rất ngon lành, sạch sẽ. Riêng mắm tôm thì bao giờ cũng vừa miệng với mùi thơm đặc trưng.
 
Nói về bí kíp nghề nghiệp, chị Hương chia sẻ: "Bún đậu không khó làm nhưng quan trọng nhất là phải nhập được nguyên liệu chuẩn và chế biến sạch sẽ".
 
Khi được hỏi rằng có bao giờ, chị hối hận vì đã dành nhiều công sức theo học Đại học không, chị Hương lắc đầu. "Thú thực là không được làm đúng chuyên ngành được đào tạo, ai mà không buồn. Đã có lúc tôi nghĩ nếu ngày xưa, mình học trường khác biết đâu mình sẽ không lận đận nhưng cuộc đời ai nói trước được chữ "ngờ". Bản thân tôi chưa bao giờ hối hận vì đã tốn công đi học rồi lại xếp bằng vào một góc tủ. Đơn giản là mình được học lên cao, mình mở mang rất nhiều, ngay trong cách đối nhân xử thế cũng trở nên điềm đạm và đúng mức hơn", chị Hương tâm sự.
 
>> "Đứng dậy đi, những thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp" 
>> Cử nhân thất nghiệp: "Đã đến mức báo động"

Theo Thu Hường (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)