Giới trẻ

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!'

Từng bị gán cho những cái mác như: "Otrash", "rap nhảm", "rap ba xu"... Một năm kể từ sau bản hit "Người âm phủ" OSAD đã và đang nỗ lực như thế nào để thoát khỏi cái bóng của một hiện tượng MXH và trở thành một nghệ sĩ mainstream thực thụ.

Ở thời đại 4.0 này, việc nổi tiếng chỉ sau một đêm nhờ MXH đã không còn xa lạ với số đông. Chỉ cần đăng tải những hình ảnh hay một vài đoạn clip viral, bắt trend với lượt like, share, comment cao ngất ngưỡng, nhiều người sẽ nghiễm nhiên được gọi bằng danh xưng "hiện tượng mạng". Thế nhưng MXH cũng giống như một con dao hai lưỡi, có thể mang hào quang đến cho bạn nhưng cũng chẳng biết được khi nào sẽ vùi dập bạn tơi tả.

Nếu bạn chưa quên thì cái tên OSAD (Mai Quang Nam) chính là một ví dụ điển hình của việc nổi lên trong phút chốc nhờ MXH nhưng sau đó cũng phải cố gắng rất nhiều để thoát ra khỏi cái bóng quá lớn ấy. Thậm chí có thời gian anh chàng này còn bị gán cho những cái mác như: "Otrash", "rap nhảm", "rap ba xu"... Một năm kể từ khi trở thành hiện tượng mạng với bản hit "Người âm phủ" OSAD đã và đang làm gì để biến những "hào quang online" ấy trở thành "sự công nhận offline"?

Từ nay, đừng ai gọi OSAD là hiện tượng MXH nữa!

Hẹn OSAD ngồi cà phê vào một buổi sáng cuối tuần, anh chàng đến đúng giờ lắm nhưng vẫn hài hước: "Ơ cứ tưởng mình là người đến muộn nhất cơ, không ngờ đúng giờ!"

Chào OSAD, dạo này bạn thế nào? Có gì mới không?

Mình vẫn vui và khoẻ. Mọi việc đều tiến triển tốt, cũng không có gì thay đổi theo chiều hướng tiêu cực cả.

Nếu nói về thứ mới nhất thì có lẽ là một vai trò mới, một hình ảnh mới. Trước đây mọi người sẽ nhìn OSAD theo kiểu một hiện tượng MXH, một cậu sinh viên thích hát hò. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì mình muốn đem đến cho mọi người một hình ảnh chỉn chu và rất nghiêm túc trong việc làm nghệ thuật. Mình sẽ hoạt động với vai trò như một tân binh mới của Vpop.

Lúc hẹn phỏng vấn, mình nghĩ sẽ gặp bạn ở Hà Nội cơ, không ngờ OSAD chuyển hẳn vào Sài Gòn rồi.

À, thực ra cũng không nhiều người biết mình vào Sài Gòn để sống và làm việc đâu. Tính đến bây giờ thì mình ở đây được hơn 8 tháng rồi. Cũng không còn mới lắm nhỉ. (Cười)

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!'
"Phải cảm ơn MXH vì đã mang lại những cơ hội như bây giờ"

Nổi lên nhờ MXH và cũng nhận được vô số "gạch đá" từ đây, vậy MXH có ý nghĩa như thế nào đối với OSAD?

Những thứ có tiềm năng cao thì cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro không kém. Mình nghĩ MXH là công cụ hữu hiệu trong việc quảng bá hình ảnh cá nhân. Nếu bạn không làm gì sai thì bạn chẳng việc gì phải sợ MXH cả. Hãy xem tài khoản MXH giống như một ngôi nhà vậy. Chỉ cần bạn giữ chúng sạch sẽ, tinh tươm thì bất cứ ai nhìn vào cũng sẽ thích thôi.

Riêng với OSAD, MXH đóng vai trò then chốt trong việc định hình nên mình như bây giờ.

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 1

Nhiều người nói rằng rap của OSAD là rap ba xu, rẻ tiền, nhảm nhí... Bạn có còn buồn khi đọc phải những bình luận này không?

Buồn chứ, chắc chắn sẽ rất buồn. Thực sự khi đối diện với những bình luận tiêu cực như vậy mình thấy chạnh lòng và mất niềm tin lắm. Đôi lúc còn nghi ngờ bản thân kinh khủng, không biết có đủ khả năng để làm nghệ thuật hay không nữa. Mình thực sự không hiểu tại sao mọi người lại ghét mình nhiều như thế!

Vậy đỉnh điểm của những lời lẽ tiêu cực mà người ta dành cho bạn là gì?

Nhiều người nghĩ rằng những thứ mà mình viết ra đều không đáng để tồn tại. Từ đấy, họ chuyển sang ghét mình luôn. Thậm chí nhiều người còn nhắn tin cho mình bảo rằng: Tại sao thứ "rác" như anh vẫn còn tồn tại?

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 2

Bạn đối mặt với tất cả những điều tồi tệ ấy ra sao?

Đến thời điểm hiện tại, mình có thể tự tin nói rằng bản thân đã quá quen với những bình luận tiêu cực trên MXH rồi. Nhiều khi mình thấy nó giống như việc hít thở không khí thường ngày vậy.

Trước đây thì mình nghĩ bản thân đã rất cố gắng để làm mọi thứ tốt nhất có thể, nếu ai đó cảm thấy nó không hay thì ít nhất cũng nên tôn trọng chúng. Nhưng đến bây giờ thì mình hiểu rằng không phải ai cũng có suy nghĩ giống nhau… Và tất nhiên, có người khen thì cũng phải có người chê. Mình chỉ buồn khi nhiều người không biết cách chê sao cho văn minh, lịch sự.

Nghệ thuật là một khu vườn, mỗi nghệ sĩ đều có một mảnh đất riêng để trồng những thứ họ muốn

Nhưng OSAD có biết tại sao mọi người lại ghét bạn nhiều như thế không?

Thực sự mình cũng cảm thấy khó hiểu nhưng mình vẫn tìm ra được một cách lí giải đơn giản rằng: Khi bạn đứng ở một vị trí cao hơn thì người ta cũng nhìn bạn bằng con mắt khắt khe hơn. Giữa một hiện tượng MXH với một ca sĩ, người ta sẽ có cách nhìn rất khác nhau. Phải như thế nào thì mới được gọi là ca sĩ? Đâu phải cứ tự nhiên cầm mic đi hát hò rồi đăng một vài clip, vài bài nhạc trên mạng thì sẽ thành ca sĩ đâu.

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 3

Luôn có một sự thật rằng khi bạn chưa nổi tiếng hoặc chưa thành công thì sẽ có ít người ghét hơn, với cùng 1 công việc. Mình hiểu rằng để có được được sự công nhận từ công chúng là rất khó. Thế nên, cách duy nhất mà một người nghệ sĩ nên làm đó là lao động nghệ thuật thật nghiêm túc và chỉn chu.

Nếu phải nói điều gì đó với anti-fan, bạn sẽ nói gì?

Mình chỉ muốn nhắn nhủ rằng mọi người rằng hãy tập cách tư duy tích cực trước khi đưa ra bình luận tiêu cực hay chê bai ai đó. Bởi vì nghệ thuật là một "khu vườn", mỗi nghệ sĩ đều được phát cho một "mảnh đất" riêng để thoả thích trồng những thứ mà họ muốn. Cho nên, những thành quả đấy trước hết là của người nghệ sĩ trước đã rồi sau đó mới mang đi chia sẻ cho công chúng.

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 4

Thế nên, trên cương vị là người được nhận chia sẻ thì khán giả hãy trân trọng và nâng niu chúng hơn.

Khắt khe hơn với bản thân mỗi ngày để đấu tranh cho sự công nhận

Theo bạn, đâu là điều khó khăn nhất trong việc "rũ bỏ" hình ảnh hiện tượng MXH để bước chân vào con đường hoạt động nghệ thuật một cách nghiêm túc?

Trước đây, mình từng có một bài hát rất viral nhưng nhiều người lại cho rằng đó chỉ là sự "ăn may" mà thôi. Mình biết rằng thời điểm đó mọi người chưa thực sự công nhận khả năng của mình, ai cũng nghĩ rằng: Cậu này chắc chẳng có khả năng gì, rap thì nghe cũng chán, hát hò thì chẳng đến đâu. Chắc lại làm dăm ba cái vớ vẩn rồi thôi.

Với mình, việc khó nhất để "rũ bỏ" được cái bóng của một hiện tượng MXH đó chính là làm thế nào để khán giả phải "công nhận" và sau đó là tôn trọng những sản phẩm âm nhạc của mình.

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 5

OSAD đã làm gì để biến những thứ hào quang online kia thành sự công nhận offline?

Mình đã khắt khe hơn với bản thân bằng việc ăn bận chỉ chu hơn, dành thời gian học thêm nhiều thứ mới. Mình học hát, học đàn, học nhảy, học tiếng Hàn, dạo gần đây mình cũng bắt đầu tập gym nữa.

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 6

Mình đang rất nghiêm túc với việc làm nghệ thuật để hy vọng rằng đến một lúc nào đó chính những người đã từng mắng nhiếc mình lại replay một ca khúc nào đấy được viết và hát bởi OSAD. Đó mới chính là sự thành công!

Trong một bài phỏng vấn khoảng hơn 1 năm về trước, OSAD từng trả lời rằng chưa có ý định hoạt động theo kiểu mainstream nhưng những gì mà bạn đang làm bây giờ thì không như lời đã nói?

Thực ra cách đây hơn 1 năm, mình chỉ coi việc hát hò như một thú vui, một sở thích chứ chưa bao giờ nghĩ rằng đó sẽ là con đường sự nghiệp sau này của mình. Thời điểm đó vẫn còn "nuôi mộng" trở thành kỹ sư cơ. Trước đây gia đình mình cũng không ủng hộ chuyện mình theo nghiệp ca hát.

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 7

Cho đến khi mình biết được cảm giác hạnh phúc khi bước lên sân khấu và đưa mic xuống thì khán giả đều thuộc và hát đúng nhạc của mình. Thế nên, mình đã suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm theo đuổi con đường ca hát mainstream. Đến bây giờ, nếu được chọn lại 10 lần nữa, mình vẫn chọn làm công việc này.

Vậy một OSAD trong bài hát "Ngày chờ tháng nhớ năm thương" có phải là hình ảnh mà bạn đang theo đuổi?

Đúng rồi, mình muốn thông qua "Ngày chờ tháng nhớ năm thương" để nói với mọi người rằng từ nay đừng ai gọi OSAD là hiện tượng MXH. Nếu mọi người có để ý thì sản phẩm âm nhạc lần này rất khác với những gì mình đã từng làm trước đây. Không còn trẻ con, ngẫu hứng như những gì mình đã làm trong quá khứ mà thay vào đó là sự trưởng thành và có độ "chín" nhất định.

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 8

Mình muốn sau này, khi nhìn vào những sản phẩm âm nhạc có dòng credit bên dưới là OSAD thì ai cũng phải gật gù theo kiểu "Ừ, được đấy chứ!" chứ không phải là biểu cảm kiểu "Ờ, bài này ấy hả!".

Thế khán giả nói gì về hình ảnh mới của bạn?

Mọi người đã không còn chê bai, mắng nhiếc như trước nữa, đổi lại là những bình luận ủng hộ và góp ý chân thành. Có nhiều bạn còn bảo rằng không quen thấy OSAD hát, thích mình chỉ rap như hồi xưa thôi.

"Đừng ai gọi OSAD là hiện tượng MXH nữa!"


Bạn có buồn không nếu ra đường nhiều người bảo không biết OSAD là ai?

Mình thấy bình thường. Mỗi người có một gu âm nhạc nhất định nên chẳng trách được khi nhạc mình không phải là kiểu mà người ta thích. Nhiều khi mình đi taxi, mấy anh lái xe thấy quen quen xong hỏi em làm nghề gì đấy. Mình toàn bảo rằng em làm nhà báo (cười) vì nhỡ đâu khoe ra là ca sĩ thì người ta lại hỏi ca sĩ tên gì, hát ở đâu, có nổi tiếng không thì chẳng biết trả lời làm sao.

OSAD và hành trình biến hào quang online thành sự công nhận offline: 'Đừng ai gọi mình là hiện tượng MXH nữa!' - 9

OSAD có cảm thấy hài lòng với bản thân ở thời điểm hiện tại chưa?

Tất nhiên là chưa. So với OSAD của 1 năm trước thì mình đã tự tin hơn rồi nhưng mình nghĩ bản thân vẫn còn phải học hỏi và trau dồi thêm nhiều thứ nữa. Mình muốn rằng khi bước ra một sân khấu lớn hay nói chuyện với những người trong nghề thì mình vẫn có thể tự tin thể hiện hết những kiến thức mà mình có. Khi ấy mọi người sẽ hiểu rằng OSAD là một người cũng có chữ trong đầu chứ không phải chỉ hoạt động nghệ thuật trên bề nổi thôi!

Bây giờ, OSAD muốn công chúng gọi mình bằng danh xưng nào: Ca sĩ hay rapper?

Thực ra mình không đặt nặng chuyện mọi người gọi mình bằng danh xưng gì. Bạn gọi mình là ca sĩ, rapper hay đơn giản chỉ là một người làm nhạc thôi cũng được. Nhưng hi vọng rằng đừng ai gọi OSAD là hiện tượng MXH nữa!

Cảm ơn OSAD vì cuộc trò chuyện thú vị này. Hi vọng sẽ được đón nhận nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng từ bạn trong thời gian sắp tới. Chúc bạn thành công với con đường đã chọn!

Bằng cá tính và gu âm nhạc khó nhầm lẫn, OSAD chính là một trong những nhân tố được kì vọng sẽ trở thành thế hệ content creator xuất sắc của Lotus - dự án được nghiên cứu và phát triển trong suốt 1 năm qua của VCCorp. Nhìn vào những dự án nghệ thuật mà OSAD đã và đang nỗ lực hết mình để mang đến cho khán giả, chúng ta có quyền tin vào một nền tảng MXH mới với nội dung đầy sáng tạo và đa màu sắc trên Lotus. Bạn đã sẵn sàng trở thành những "hiện tượng mạng" tiếp theo chưa?

Theo NGUYÊN ÁI / ẢNH: MIN NGUYỄN (Helino)