Giới trẻ

Giới trẻ Trung Quốc chạy theo trào lưu kỳ quặc để nổi tiếng

Video: Giới trẻ Trung Quốc chạy theo trào lưu trên mạng

Video ngày một bùng nổ trên mạng xã hội, tạo ra nhiều trào lưu trong giới trẻ Trung Quốc. Nhiều người bất chấp tất cả với mong muốn nổi tiếng.

Các ứng dụng video dạng ngắn đã xuất hiện từ năm 2010 ở Trung Quốc, nhưng thực sự bùng nổ trong ba năm qua.

Theo South China Morning Post, số người xem những video đó có thể đạt hơn 350 triệu trong năm 2018. Thị trường này được dự đoán trị giá hơn 30 tỷ nhân dân tệ (tương đương 4,78 tỷ USD) vào năm 2020.

Với sự hỗ trợ của mạng xã hội, người dùng tự quay và chia sẻ video nhờ các ứng dụng điện thoại. Nó nhanh chóng lan rộng và tạo ra trào lưu, xu hướng.

Không chỉ dừng ở những trào lưu quen thuộc, hài hước như Vịt hóa thiên nga, Panama dance, Hoàng hậu nương nương..., giới trẻ Trung Quốc còn nghĩ ra trào lưu kỳ quặc. Những trò chơi tưởng như vô hại trên thực tế đang gây ra hậu quả khi nhiều người bị mờ mắt bởi ước muốn nổi tiếng.

Bất chấp tất cả để nổi tiếng

Để thu hút được nhiều lượt xem và số người theo dõi, các đoạn video không chỉ bắt kịp xu hướng, mà đôi khi phải mang yếu tố độc, lạ, hay kích thích, hấp dẫn hơn những sản phẩm cùng chủ đề trước đó.

Mới đây, một người đàn ông Trung Quốc đăng clip hưởng ứng trào lưu nhào lộn, với tên gọi "flip kiss" phổ biến với các đôi trẻ. Clip thu hút hàng nghìn lượt xem, bình luận trên mạng.

Điều đáng nói, người thực hiện cú lộn nhào nguy hiểm là con gái chỉ mới 2 tuổi của anh ta. Cú lộn nhào có thể gây tổn thương cho cột sống của trẻ em, tuy nhiên người cha vì lý do nào đó, đã bỏ qua điều này.

Giới trẻ Trung Quốc chạy theo trào lưu kỳ quặc để nổi tiếng
Người cha Trung Quốc cùng con gái 2 tuổi thực hiện thử thách nhào lộn có tên "flip kiss". Ảnh cắt từ clip.

Cũng thu hút nhiều lượt xem nhưng vấp phải ý kiến phản đối mạnh mẽ hơn là video khoe con và quá trình mang thai của những bà mẹ chỉ mới 13-14 tuổi.

Dù bị chỉ trích vì trái quy định pháp luật (độ tuổi được phép kết hôn ở Trung Quốc từ 20 đối với nữ và 22 với nam), nhiều bà mẹ trẻ vẫn nhiệt tình hưởng ứng trào lưu này.

Bên cạnh việc bất chấp nguy hiểm và sự phản đối, nhiều người còn chạy theo những trào lưu kỳ quặc, khác thường để “câu like”. Trong đó, phong trào có tên “trộm biểu tượng xe Mercedes” trở nên phổ biến tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc.

Bắt nguồn từ hình ảnh cô gái lấy trộm biểu tượng xe Mercedes làm hộp đựng cơm, thu hút hơn 13.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều đoạn video “ăn theo” xuất hiện. Dù chỉ để “cho vui”, đây là hành vi vi phạm pháp luật, khi trộm cắp tài sản của người khác.

Nổi tiếng ảo nhưng hậu quả thật

Những lượt xem, thích hay chia sẻ chỉ tồn tại trên mạng nhưng lại mang đến hậu quả thực sự.

Trong phong trào “trộm biểu tượng xe Mercedes”, nam thanh niên tại tỉnh Chiết Giang đã bị bắt vào cuối tháng 3. Người này ăn cắp hàng chục biểu tượng xe chỉ để “câu view” trên một nền tảng chia sẻ video phổ biến ở Trung Quốc.

Giới trẻ Trung Quốc chạy theo trào lưu kỳ quặc để nổi tiếng - 1
Hình ảnh được cho là bắt nguồn từ trào lưu kỳ quặc "trộm biểu tượng xe Mercedes" tại Trung Quốc.

Mới đây, một người đàn ông chia sẻ clip quay lại quá trình bản thân dùng dao đe dọa để cướp 100 nhân dân tệ của tài xế taxi với mục đích… thu hút mọi người theo dõi mình trên mạng xã hội. Ngay sau đó, cảnh sát đã điều tra vụ việc. Nếu bị bắt, người đàn ông này có thể phải ngồi tù.

Trước những hiện tượng này, nhà chức trách Trung Quốc đã vào cuộc với mong muốn làm sạch nội dung của video đang ngày một tràn lan trên mạng.

Ứng dụng Jinri Toutiao (tổng hợp tin tức và video từ hàng trăm kênh truyền thông) và livestream Kuaishou đã phải xóa các video có nội dung được cho là “tục tĩu, bạo lực, đẫm máu, khiêu dâm hoặc độc hại”.

Giới trẻ Trung Quốc chạy theo trào lưu kỳ quặc để nổi tiếng - 2
Ứng dụng livestream Kuaishou bị chỉ trích mạnh mẽ khi không kiểm soát chặt chẽ nội dung.

Một nghiên cứu từ nhà sản xuất video tại Hàng Châu cho thấy hơn 85% người dùng các ứng dụng video ngắn dưới 35 tuổi và nhiều nhất từ 25-30 tuổi. Số lượng khổng lồ video được chia sẻ đã gây khó khăn trong việc kiểm soát nội dung.

Những cuộc đua bất chấp tất cả của giới trẻ để tìm kiếm sự nổi tiếng trên mạng đang là một trong những nguyên nhân tạo ra nội dung “kém thân thiện” trong một lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển trên Internet.

Theo Huệ Lâm (Tri Thức Trực Tuyến)