Giới trẻ

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu'

Cô gái trẻ tài năng đã có những trải lòng về cuộc sống nơi đất khách quê người và vô số kinh nghiệm quý báu tích lũy được qua quá trình học tập, làm việc.

Emily Ngân Lương (1986) từng xuất hiện trong phóng sự của đài VTV với tư cách là một công dân toàn cầu hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh. Điểm đặc biệt của Ngân chính là cô không phải người thành phố chính hiệu mà có xuất phát điểm là một cô gái dân tộc thiểu số, đó là dân tộc Tày.

Ngân kể rằng cô sinh ra ở nơi chẳng hề có dấu vết của văn minh, không đường xi măng, không ti vi, không xe cộ, thậm chí chẳng có cả trường mẫu giáo. Vì lẽ đó mà tuổi thơ của Ngân chỉ là những chuyến rong chơi cùng bạn bè qua khắp các rặng núi, cánh rừng để đuổi bướm ngắt hoa. Năm 6 tuổi, Ngân vào học lớp 1 ở một ngôi trường lợp mái rơm, vách trát bùn. Khi ấy, Ngân còn chẳng nói tiếng Kinh rành rọt và lọt thỏm trong lớp học của toàn những học sinh cũng giống hệt như cô.

Lên 9 tuổi, Ngân theo bố mẹ chuyển ra thị xã Cao Bằng và cuộc đời cô thay đổi từ đó. Ngân dần được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và lên cấp 3 thì đã thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Tiếp đó, Ngân đi du học, lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ và trở thành một công dân toàn cầu như ngày hôm nay.

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu'
Emily Ngân Lương, nữ tiến sĩ trẻ tuổi hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh.

Thế nào là một "công dân toàn cầu"?

Khái niệm công dân toàn cầu đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu và cho đến hiện tại vẫn chưa bao giờ hết "hot". Các công dân toàn cầu là những người sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh. Họ tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với những người từ các nước khác nhau, có hiểu biết về văn hóa của nhiều nước trên thế giới, có mức thu nhập ở tầm quốc tế, có ảnh hưởng hay đóng góp cho nhiều quốc gia...

Vậy làm thế nào để trở thành công dân toàn cầu? Điều tiên quyết chính là phải có một nền giáo dục tốt và khởi điểm nhiều người sẽ chọn con đường du học. Sau đó, thay vì về nước làm việc thì người mong muốn làm công dân toàn cầu sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi mình du học hoặc bất cứ quốc gia nào khác. Quan trọng hơn tất cả, một công dân toàn cầu phải có khả năng ngôn ngữ tốt cũng như cách giao tiếp, quan hệ với nhiều người đến từ những nền văn hóa khác nhau.

Quá trình học tập của Emily Ngân Lương:

*Đại học: Đại học Ngoại thương - Ngành Tiếng Anh Thương Mại.

*Thạc sĩ: Đại học Strathclyde Anh Quốc (University of Strathclyde) – Ngành quản trị du lịch khách sạn.

*Tiến sĩ: Đại học Birmingham (University of Birmingham, UK) – Ngành Marketing.

*Công việc hiện tại: Quản lý khóa học Thạc Sỹ Marketing, một trong những Giám đốc Khóa trẻ tuổi nhất của Đại học London South Bank, Anh Quốc.

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 1
Con đường trở thành một công dân toàn cầu không hề đơn giản.

Cô gái Tày đầy nghị lực và ước mơ vươn tới một ngôi sao

Ngân sinh ra và sống những năm đầu đời ở một căn xóm nhỏ khốn khó nằm dưới chân thung lũng hẹp ở Cao Bằng. Nơi ấy có một dòng suối nhỏ chạy qua và những cánh rừng xa hút mắt nhưng tất cả những gì có thể thấy được khi ngẩng đầu lên thì chỉ có bầu trời. Bởi vậy cho nên cô gái bé nhỏ tên Ngân đã luôn có mong muốn được khám phá thế giới bên ngoài. Ngân tò mò không biết ở phía bên kia những ngọn núi bao quanh xóm của mình có điều gì hấp dẫn hay không.

Thế rồi mọi chuyện đến với Ngân một cách có chủ đích khi bố mẹ là người đã tạo điều kiện cho Ngân đến một thế giới khác để được tiếp cận giáo dục hiện đại hơn. Họ cho Ngân đi du học, để Ngân tự quyết định trong những giai đoạn quan trọng nhất. Và hơn hết, họ luôn tin tưởng tuyệt đối ở con gái.

"Sẽ không có tôi của ngày hôm nay nếu không có những hy sinh trời biển và lòng bao dung của bố mẹ. Dù không nói ra nhưng tôi hiểu bố mẹ đã phải lo lắng và suy nghĩ rất nhiều trước những kế hoạch và bước đi táo bạo của tôi. Tôi biết ơn sự kiên trì và niềm tin tuyệt đối của bố mẹ dành cho mình, đó là động lực để tôi luôn dũng cảm bước đi trên hành trình gian nan của mình, để bây giờ tôi có một chút thành quả nho nhỏ báo đáp công ơn bố mẹ.

Bố mẹ đã rèn cho tôi ngay từ bé sự tự chủ, tư duy độc lập, sáng tạo, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình".

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 2

Chọn ở lại nước Anh để phát triển sự nghiệp là một quyết định táo bạo của Ngân. Ở đó, cô sẽ không thể nào chạy về bên bố mẹ những lúc khó khăn của cuộc đời. Tuy nhiên đổi lại, Ngân có được cơ hội tự tôi luyện mình thành người tự chủ và hơn hết là không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai.

Ngân kể cũng có nhiều người hỏi tại sao cô lại muốn trở thành một công dân toàn cầu khi mà ở Việt Nam, với khả năng như Ngân thì vẫn có thể phát triển rất tốt. Ngân cho biết cô thực sự muốn được tiếp tục thử thách bản thân và sẽ còn thử thách mãi. Thậm chí hiện tại khi đã tạm yên vị với chức danh quản lý ở một trường đại học hàng đầu nước Anh rồi nhưng Ngân sẽ không ngừng học hỏi và tạo ra những điều mới ở chính con người mình. Với Ngân, tùy vào mong muốn và hoàn cảnh của từng người, nếu sống và làm việc ở đâu mà cô cảm thấy giá trị, năng lực và đam mê của cô được phát huy tốt nhất thì đó là nơi cô sẽ chọn.

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 3

Sống ở nước ngoài chẳng hề sướng như mọi người vẫn tưởng

Còn nhớ năm 2011, khi Ngân vừa mới sang Anh thì lúc ấy cô chỉ có một mình. Tại nơi đất khách quê người, Ngân phải vừa học, vừa làm thêm để trang trải chi phí bản thân nên không hề có nhiều thời gian đi giao lưu bạn bè hay gọi điện về nhà. Cho đến bây giờ, dù công việc đã ổn định hơn nhưng với Ngân, áp lực vẫn chưa bao giờ hết.

"Sống ở đâu cũng có những cái khổ và cái sướng riêng, tôi thấy ở nước ngoài không sung sướng như nhiều người tưởng đâu. Áp lực lúc nào cũng có, nhất là với người làm quản lý. Hơn nữa, những khác biệt về văn hóa và lối sống cũng là một cản trở lớn. Để vượt qua những trở ngại này, tôi nghĩ khả năng quan sát, tự học hỏi và năng lực hòa nhập vào môi trường sống với người bản địa là những yếu tố quan trọng nhất để mình hòa nhập và phát triển.

Tôi tâm đắc với một câu nói nổi tiếng của Michael Jordan: "I've failed over and over and over again in my life. And that is why I succeed" (Tôi đã từng thất bại đi thất bại lại trong cuộc đời mình. Và đó là lý do tôi thành công). Về phần mình, bản thân tôi đã trải qua nhiều thử thách lớn, trải nghiệm đau thương thì nhiều lắm nhưng tôi chọn cách nhìn nhận những vấp ngã của mình như là một lần tôi học được thêm những bài học kinh nghiệm quý giá. Vậy nên tôi không coi đó là những thất bại, trái lại đó là những cơ hội để mình biết không vấp phải sai lầm trước đã qua".

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 4

Nói thêm về quá trình cố gắng trở thành công dân toàn cầu, Ngân tiết lộ ban đầu chỉ định học xong thạc sĩ rồi về nước nhưng môi trường giáo dục ở Anh quá hấp dẫn khiến cô quyết tâm phải chinh phục. Để có thể được nhận vào làm giảng viên tại một trường đại học ở Anh không phải là điều dễ dàng và đơn giản nên Ngân đã lập kế hoạch xin việc từ rất sớm. Ngay từ khi còn làm nghiên cứu sinh, Ngân đã liên tục tìm kiếm cơ hội công việc, có nhiều trường đã từ chối hồ sơ của Ngân. Và phải rất nỗ lực và kiên trì theo đuổi mục tiêu, trải qua vòng phỏng vấn, sau đó là thử việc 1 năm thì đến cuối cùng Ngân mới được trường London South Bank nhận vào làm giảng viên chính thức.

Làm giảng viên được một thời gian thì đến khi nhà trường có thông báo về việc tuyển dụng vị trí giám đốc quản lý khóa Cao học Marketing, Ngân đã tự ứng cử. Các đồng nghiệp trong khoa đã động viên Ngân đồng thời tiếp thêm sự tự tin cho cô. Sau cùng, việc được lựa chọn cho vị trí cấp cao đó chính là phần thưởng cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Ngân.

"Ngoài việc quản lý khóa cao học marketing, tôi còn là giảng viên và là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực marketing khởi nghiệp. Vì số lượng công việc rất lớn, áp lực cao nên bắt buộc tôi phải có lịch phân bố rất cụ thể. Tôi chia việc mình ra theo ba trọng trách chính, cụ thể là quản lý khóa, giảng dạy, và làm nghiên cứu. Thường thì thời gian sẽ phân bố đều cho những trọng trách đó nhưng cũng tùy từng thời điểm trong từng kỳ học, tôi sẽ ưu tiên việc nào cấp thiết hơn cần tập trung làm. Ví dụ đầu năm học tôi sẽ ưu tiên thời gian cho việc quản lý khóa như lên chương trình học cho sinh viên, phân bổ việc giảng dạy các môn cho các giảng viên trong khoa, quản lý giảng viên và sinh viên. Thời điểm hè khi sinh viên nghỉ học, tôi tập trung làm nghiên cứu, đi dự hội thảo, tham gia các dự án".

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 5

Nói thêm về chuyện công sở thì môi trường làm việc ở Anh của Ngân có các đồng nghiệp đến từ rất nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Đức, Iran, Ấn, Hy Lạp, Ireland, Balan… và tất nhiên là người Anh nữa nên việc hòa hợp được với họ là điều không hề đơn giản. Thế nhưng với phương pháp làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp, quan trọng hơn cả là giữ bản sắc thì Ngân "thu phục lòng người" rất tốt.

"Tôi nghĩ mỗi chúng ta ai cũng đều có nguồn cội của mình và tôi luôn tự hào vì mình là người Việt Nam, châu Á. Tôi thấy mình không bị quá kỳ thị vì khi đi đâu, làm gì, tôi cũng đều quan sát, học hỏi và tìm cách hòa nhập tốt vào môi trường của người bản địa. Khi đã có năng lực làm việc và kỹ năng sống tốt, tôi cho rằng bạn sẽ khó có thể bị kỳ thị dù ở môi trường nào".

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 6

Lấy chồng nước ngoài chính là sự trải nghiệm ngôn ngữ và văn hóa

Sinh năm 1986 tức là năm nay Ngân cũng 33 tuổi rồi những cô cũng chỉ vừa mới kết hôn thôi. Chồng của Ngân mang hai quốc tịch Anh, Đức và là người gốc Ấn hiện làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Ngân quen với anh từ khi cả hai học chung trường đại học ở Anh. Nói về quyết định lấy chồng của mình, Ngân cho biết:

"Ở quê tôi, con gái tầm ngoài 20 tuổi là lấy chồng rồi. Ngày trước bố mẹ cũng rất sốt ruột khi mãi chưa thấy con gái lập gia đình, nhưng khi biết tôi quyết tâm theo đuổi con đường học thuật thì mới tạm nguôi ngoai và chờ đợi. Việc tôi quyết định lấy chồng nước ngoài bố mẹ cũng ủng hộ vì với tôi quan trọng hơn cả vẫn là tìm được sự hòa hợp về tính cách, quan điểm cũng như tình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau".

Ngân là người thành đạt nhưng tư tưởng gia đình của cô thì vẫn đậm chất Á Đông. Chồng của Ngân thực ra cũng chẳng hề kém cạnh vợ, thậm chí công việc của anh còn bận rộn và áp lực hơn Ngân rất nhiều lần. Ngân biết điều đó và luôn trân trọng chồng cũng như tự nhủ bản thân phải là hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp dù ở trường Ngân nổi tiếng là nữ giảng viên vô cùng đanh thép.

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 7

"Gia đình chồng tôi sống ở Đức còn vợ chồng tôi sống ở London. Mặc dù khá xa nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian về thăm bố mẹ chồng thường xuyên. Bố mẹ chồng rất thân thiện và cởi mở nên tôi luôn cảm thấy thoải mái mỗi khi về Đức thăm nhà chồng. Và ngược lại, anh ấy rất quan tâm và chu đáo với gia đình vợ. Anh ấy cũng đã về Việt Nam cùng tôi nhiều lần rồi.

Khi lấy chồng nước ngoài thì tôi thấy mình được trải điều thú vị là ngôn ngữ cũng như cách giao tiếp. Vì là người mang hai quốc tịch Anh, Đức và lại còn gốc Ấn nữa nên chồng tôi thông thạo ba thứ tiếng: Anh, Đức và Hindi. Khi giao tiếp với nhau chúng tôi dùng tiếng Anh, khi anh ấy nói chuyện với các em của mình thì dùng tiếng Đức, còn nói chuyện với bố mẹ thì dùng tiếng Hindi. Có thể nói, dù đa sắc tộc, đa văn hóa nhưng các thành viên trong gia đình vẫn tìm được sự hòa hợp với nhau".

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 8
Lấy chồng nước ngoài, với Ngân có những điểm rất thú vị và vui vẻ.

Hiện tại, vợ chồng Ngân chưa có con nhưng nếu có em bé thì Ngân cho biết sau này sẽ tìm cách để dung hòa được giữa cách giáo dục con theo văn hóa phương Tây và văn hóa Việt Nam để con vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa người Việt nói chung và người Tày nói riêng. Tuy nhiên, dù sống trong môi trường nào, Ngân cũng mong con cái được giáo dục theo hướng phát triển tư duy độc lập, được tự do khám phá, phát huy năng lực của bản thân mà không bị gò ép theo khuôn khổ hoặc quan điểm của phụ huynh.

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 9

Hỏi nhanh đáp gọn:

Nhiều người nói sinh viên Ngoại thương thì "chảnh lắm", Ngân nghĩ sao về điều này?

Nếu theo cách hiểu là sinh viên Ngoại Thương tự tin vào năng lực bản thân và có mong muốn được nhà tuyển dụng trả lương xứng đáng với trình độ, năng lực và kinh nghiệm của mình thì tôi ủng hộ điều đó. Còn nếu hiểu "chảnh" theo nghĩa kiêu căng thì tôi nghĩ không ổn vì sinh viên nào cũng cần có thái độ cầu tiến và ham học hỏi để không ngừng phát triển bản thân.

Bí quyết học tiếng Anh hiệu quả của Ngân là gì?

Sự kiên trì và phương pháp học tập tự chủ, tự tìm tòi các tài liệu nghe, nói trên mạng đã giúp tôi phát triển khả năng tiếng Anh rất nhiều. Sau này khi đi du học, tôi hòa nhập vào nhóm sinh viên quốc tế để rèn luyện thêm khả năng nghe nói tiếng Anh cho tốt hơn.

Ngân có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh hiện đại, những người cũng nuôi hi vọng cho con cái trở thành công dân toàn cầu?

Chúng ta không có một công thức chung nào để đảm bảo con mình sau này được như vậy. Trước tiên hãy định hướng để con được tự do khám phá, phát huy năng lực của bản thân mình. Ngoài ra, ngôn ngữ tiếng Anh là vô cùng quan trọng nên cần chú trọng phát triển sớm.

Ngân có nghĩ sẽ về Việt Nam sống trong tương lai gần không?

Nếu sống và làm việc ở đâu mà mình cảm thấy giá trị, năng lực và đam mê của mình được phát huy tốt nhất thì đó là nơi ta nên chọn. Biết đâu đó trong tương lai, Việt Nam sẽ cho tôi cảm giác đó thì sao?

Emily Ngân Lương - Cô gái người Tày đỗ Tiến sĩ tại ĐH Birmingham của Anh ở tuổi vừa ngoài 30, được công nhận là một trong số ít 'công dân toàn cầu' - 10

 Theo Nhân Mã (Helino)