Giới trẻ

Điều ước thứ 7: Nỗi lòng của cô gái 27 tuổi từng mang án tử

Gần 5 năm sống trong lao ngục, không ít lần Trần Hà Duy - phạm nhân từng buôn bán ma túy trái phép - hối hận, ăn năn về hành động thiếu suy nghĩ của mình.

Gần 5 năm sống trong lao ngục, không ít lần Trần Hà Duy - phạm nhân từng buôn bán ma túy trái phép - hối hận, ăn năn về hành động thiếu suy nghĩ của mình.

Chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng trên VTV3 ngày 9/4 giới thiệu về Trần Hà Duy (27 tuổi), được biết đến như nhân vật chính trong vụ buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép vào tháng 3/2012.

Hà Duy sinh ra tại Lâm Đồng. Cô từng là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh một trường ĐH có tiếng tại TP HCM.

Tháng 3/2012, Duy lĩnh án tử hình, trong khi em gái Trần Hạ Tiên (sinh năm 1991) chịu 20 năm tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Trải qua gần 400 ngày sống trong phòng biệt giam, chờ chết, điều Duy khao khát nhất là được quay về, sống và làm lại từ đầu.

Trên sóng truyền hình, cô kể, không ít lần cô nằm mơ mặc bộ áo cử nhân, nhận bằng tốt nghiệp tại trường đại học. Nhưng khi mở mắt, cô lại tuyệt vọng vì xung quanh mình là 4 bức tường lạnh lẽo. Những người xung quanh đều là tử tù.
 

Hà Duy tâm sự về chuỗi ngày sống trong lao tù

Trong thời gian này, cha Duy ngày đêm lặn lội tìm mọi cách xin cho con mình một đường sống. Ông cầm đơn đi gõ cửa từng nơi, thu thập chữ ký của thầy cô và bạn bè tại những ngôi trường con gái từng theo học.

Ông xin chữ ký của những đứa trẻ mồ côi tại chùa nơi Duy từng dạy học miễn phí, của những CLB cô tham gia với vai trò thành viên hoạt động tích cực, của hội cựu chiến binh và các cơ quan đoàn thể nơi cô sống...

Duy tâm sự: "Mỗi buổi sáng trôi qua trong phòng biệt giam, không nghe thấy tiếng bước chân khiến tim đập thình thịch, không nghe tiếng cửa sắt kêu cót két, không thấy bóng ai bước qua trước cửa phòng giam, tôi lại thở hắt ra và nghĩ - thật may, vì thế là mình có thêm một ngày để sống”.

Nhiều lần, Duy nghĩ đến việc tự kết thúc cuộc đời để giải thoát những đau đớn, day dứt của số phận. Nhưng nghĩ về cha mẹ, các em, cô không cho phép bản thân làm điều ấy.

“Mỗi lúc như vậy, tôi lại nghĩ về gia đình. Tôi phải sống để chuộc lại lỗi lầm mình đã gây ra với họ” - cô gái 27 tuổi chia sẻ.

Tháng 7/2013, tin mừng đến với Hà Duy và gia đình khi cô nhận quyết định ân xá từ Chủ tịch nước. Thoát tội chết, cô gái quê Lâm Đồng hiện thụ án tại trại giam Thủ Đức với mức án không xác định ngày về.
 

Hà Duy xúc động trong giây phút hội ngộ gia đình

Duy từng có tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê và rồi đánh mất tất cả chỉ trong tích tắc. Cô từng sống trong gia đình tràn đầy tình yêu thương, là chị cả của ba đứa em thơ và rồi chính tay mình đưa một đứa em vào tù, để hai đứa còn lại phải sống cả đời trong tủi hổ.

Điều Duy day dứt nhất là khiến bố mẹ đau lòng, em gái chịu phiền lụy vì sự thiếu cảnh giác của bản thân.

Trải qua tận cùng nỗi đau, tuyệt vọng cùng những day dứt, ân hận, Hà Duy phần nào hiểu thêm giá trị của cuộc sống, của tự do, của tình thân ruột rà máu mủ… Mong ước lớn nhất của cô gái này là được hội ngộ cùng gia đình để bù đắp những lỗi lầm gây ra.
 

Trong một lần đi xe bus, Trần Hà Duy làm quen với Francis (quốc tịch Kenya) và nhận lời vận chuyển hàng hóa đa quốc gia từ người này với mức tiền thù lao từ 500-1.000 USD. Vì ham kiếm tiền, Duy đồng ý tham gia, giới thiệu cho em gái tên Tiên - cũng là sinh viên - đưa hàng từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.

Sau nhiều lần vận chuyển trót lọt, ngày 18/7/2011, Tiên được một người gốc Phi bảo vận chuyển chiếc va ly từ Cotonou (Bénin) về Việt Nam. Qua kiểm tra, nữ sinh phát hiện dưới đáy có chứa ma túy nên lo sợ và nhắn tin cho chị gái.

Song Duy vẫn động viên em mang về Việt Nam. Khi Tiên và chiếc vali chứa 4 kg ma túy về đến Tân Sơn Nhất thì bị lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ.
 
>> Võ Thị Ngọc Nữ trong "Điều ước thứ 7" qua đời
>> VTV tạm dừng phát sóng Điều ước thứ 7
>> "Điều ước thứ 7": Cổ tích nào cho bé Sao Mai?
 
Theo Nhật Ánh - Hoàng Hiệp (Zing.vn)