Giới trẻ

Cô gái làm clip 'bịa CV để xin việc' đang gây tranh cãi và góc nhìn của người quản lý nhân sự

Nhà tuyển dụng không dễ bị lừa như nhiều ứng viên lầm tưởng.

Việc làm nội dung trên mạng xã hội hiện nay đang bùng nổ với nhiều chủ đích hoàn toàn khác nhau. Người thì mong muốn chia sẻ các giá trị tích cực, người dùng chiêu trò để sớm đạt được lượng người xem mong muốn dẫn đến thông tin trên mạng trở nên "loạn lạc" và người xem giờ đây phải tỉnh táo...

Đây cũng chính là vấn đề đang được mọi người bàn luận sau khi loạt clip của cô gái có tên K. chia sẻ trên kênh YouTube của mình về trải nghiệm và suy nghĩ bản thân sau thời gian đi xin việc và làm việc tại các công ty.

"Bịa" từ mục tiêu nghề nghiệp đến kỹ năng và bằng cấp, xem ai không lừa được nhà tuyển dụng thì "đen thôi"

Hiện tại nội dung gây tranh cãi của K. xoay quanh nhiều nhất ở 3 video có tiêu đề "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào?", "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder""Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế".

Tại video "Mình bịa CV để đi xin việc", K. chia sẻ rằng bản thân đã "chép" ở đâu đó về mục tiêu nghề nghiệp, nói dối về kỹ năng tin học văn phòng trong khi cô tự thừa nhận "bản thân mình hoàn toàn không biết gì từ Excel, Word cho đến gửi Drive". Nhưng gây tranh cãi hơn chính là phần điểm IELTS của K. cũng được khai khống từ 6.5 lên thành 7.0 vì "mình thấy ai bây giờ chả 6.5 nên mình bịa lên 7.0 nghe cho nó oai, không phải xuất sắc mà có học thức".

Trong thực tế, việc làm CV chính là một trong những thứ quan trọng để bất kỳ cá nhân nào có thể cho nhà tuyển dụng thấy các thông tin đúng nhất và cơ bản nhất trong quá trình xin việc. Tuy nhiên thay vì trung thực với năng lực, học vấn của bản thân thì cô gái này lại làm video để nói về việc mình đã "bịa CV" như thế nào để lừa nhà tuyển dụng cùng lời nhắn cho ai có ý định "bịa CV giống mình mà bị đòi xem bằng cấp thì xem như bạn đó đen thôi" xem như đó là việc hết sức bình thường.

So ra, chỉ có phần học vấn là cô nàng trung thực với bản thân của mình. Nhưng cô nàng lại nói: "Mình không nhớ tí gì về trường của mình. Mình đi học mình không học hành gì đâu, mà mình ngồi chém gió với bạn bè và làm bạn với những người gần số báo danh. Mình ra được trường nhờ những người bạn, sự lươn lẹo và chép phao. Lý do mình vào trường là vì có một người em học trường này… Mình không đọng lại được gì nhưng vẫn ra trường, xuất sắc luôn".

Cô gái làm clip 'bịa CV để xin việc' đang gây tranh cãi và góc nhìn của người quản lý nhân sự

Ngoài ra, K. còn cho biết việc bản thân bịa là làm 6 tháng ở một công ty nhưng thật ra chỉ làm được 10 ngày do "Mình cảm thấy không hợp với công việc, không thể chôn vùi thanh xuân ở đây... Mình nhận ra những con người như mình, người bình thường, bịa mãi cũng chỉ vỏn vẹn được 2 trang thôi. Mình bịa 100% từ đầu đến cuối, mình đã cố gắng lắm rồi. CV tầm thường như mình chỉ làm được những công việc bình thường. Mỗi khi mình phải đi viết CV, mình thấy nó kinh khủng, thế là bây giờ mình phải đi làm à, mình phải làm việc à. Nhưng nhìn lại có thể thấy được mình đã đi xa đến đâu…".

Hãy tự do làm chủ, làm sếp nếu bạn thấy đơn giản là mình nên làm?

Đây chính là nội dung gây tranh cãi khác của K. trong đoạn clip nói về "Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế".

K. tiết lộ bản thân đã từng tự ý thôi việc hoặc bị đuổi khá nhiều lần trong quá khứ bởi nhiều lý do khác nhau. Khi thì K. cho rằng vì không hợp môi trường làm việc, lúc thì tự ý viết email gửi công ty yêu cầu thay đổi văn hóa nội bộ dù chỉ đang là nhân viên mới hay vì không muốn ăn mặc theo quy định của công ty và "sếp quá ngu"... Theo K. đó là một trong những biểu hiện cho thấy bản thân cô thuộc dạng người không thể làm thuê mà phải ra ngoài tự do làm theo những gì mình thích.

Cô gái làm clip 'bịa CV để xin việc' đang gây tranh cãi và góc nhìn của người quản lý nhân sự - 1

Rất nhiều người xem trước đó bình luận về nội dung video này của K. là đúng đắn, rất giống với những gì bản thân từng trải. Nhưng chỉ sau nửa ngày, hàng loạt các bình luận khác đã xuất hiện và phản biện lại các nội dung lẫn thông điệp mà K. chia sẻ.

Khi người làm nội dung trên mạng xã hội quá dễ dãi với phát ngôn "núp bóng" quan điểm và trải nghiệm cá nhân?

Một tài khoản tên Thanh.PLK viết: "Không hiểu tại sao ở đây 1 loạt người lại đi ủng hộ cái clip này? Rồi thông điệp cuối cùng chủ clip muốn truyền đạt ở đây là cái gì vậy? Là nghỉ việc hết để đi làm chủ, làm sếp? Bằng cách nào? Chưa bao giờ thấy ai tự nhận bản thân 'có tính cách có thể xem là mất dạy' lại tự hào về điều đó? Rồi tự hào không đi làm thì đi ở nhờ nhà người khác? Nếu bạn không cần tiền, không cần thành công thì cũng tự nên có trách nhiệm với cuộc đời mình chứ không phải nhờ vả vào người khác. Đây cũng không phải video duy nhất mà rất nhiều nội dung của bạn này đưa ra những suy nghĩ tưởng là cá tính, là khác biệt nhưng lại lệch lạc khi ưu tiên cái tôi một cách quá đáng. Bản thân người làm video trên nền tảng mạng xã hội đừng nghĩ chỉ đơn thuần là phát ngôn chơi cho vui".

Đây chỉ là một trong số rất nhiều các bình luận tương tự vừa xuất hiện dưới các video của K. Đa phần mọi người cho rằng việc một người trẻ chia sẻ các nội dung trên mạng xã hội với chủ đề xin việc, tuyển dụng là điều vô cùng đúng đắn, nhưng qua cách diễn đạt của K. đột nhiên mọi thứ lại không khác gì việc cổ súy cho hành động "cứ bịa" ra những gì mình cho là hợp lý.

Tư duy như này sẽ mãi không có một công việc tử tế

Bày tỏ trước hàng loạt quan điểm của nữ YouTuber, chị Hà Liên - chuyên viên tuyển dụng tại một công ty trong lĩnh vực truyền thông - khẳng định, người trong ngành sẽ rất hiếm mắc sai lầm khi lựa chọn ứng viên.

"Có lẽ bạn này đã nhầm rồi, CV chỉ đánh giá được khoảng 20% - 30% năng lực của bạn ứng viên đó thôi. Tiếp theo khi đến vòng phỏng vấn thì cũng đánh giá được thêm 20% - 30% nữa. Nếu quá thì được 50% - 60%.

Nói sâu hơn một chút, như công ty của mình thì ứng viên còn có bài test và thêm thời gian thử việc để đánh giá sát hơn năng lực của ứng viên. Ngay trong buổi phỏng vấn trực tiếp, mình cũng có thể nhìn ra năng lực, mức độ phù hợp với vị trí hay văn hóa doanh nghiệp hay không".

Chị Thuận Đinh, trưởng ban tuyển dụng công ty truyền thông, cũng nêu rõ, với những HR có kinh nghiệm, ngồi phỏng vấn, hỏi vài câu tình huống, hỏi cụ thể chi tiết về kế hoạch và các công việc bạn đã làm, là biết bạn có phải người nói dối hay không? Hay việc người tham chiếu, chỉ cần gọi trực tiếp tới các công ty hay qua vòng quan hệ của nhân sự là đã có thông tin chính xác rồi.

"Nếu như bạn nhận ra mình không muốn làm việc dưới trướng người khác, cứ đi làm ở đâu là thấy nơi đó có lỗi, cần phải sửa đổi thì bạn không có lỗi và bạn sinh ra không phải để đi làm, hy vọng đây chỉ là tư duy của bạn ấy, chứ không phải tư duy của đám đông, hay tư duy của các bạn 9x bây giờ. Nếu với tư duy này thì bạn KHÔNG bao giờ có 1 công việc tử tế hoặc lâu dài, hoặc bạn sẽ mãi là cây tầm gửi của bố mẹ bạn thôi", chị Thuận nói.

Chị cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ: "Bạn đừng nghĩ bạn bịa CV đi xin việc là các nhà tuyển dụng không biết hoặc không check ra thông tin được. Trong trường hợp bạn không có kinh nghiệm thì sự trung thực của bạn sẽ được đánh giá cao. Và đừng bao giờ nghĩ sự dối trá hay lươn lẹo sẽ giúp bạn thành công. Bởi sự thành công cần dựa vào năng lực và sự chân thành của bạn".

Theo Hạnh Mỹ (Phụ Nữ Việt Nam)




https://phunuvietnam.vn/co-gai-lam-clip-bia-cv-de-xin-viec-dang-gay-tranh-cai-va-goc-nhin-cua-nguoi-quan-ly-nhan-su-20230329200700899.htm