Sức khỏe

Thay đổi nội tiết tố ở nam giới: Dấu hiệu và cách xử trí

Sự thay đổi nội tiết tố không chỉ xảy ra ở phụ nữ, thay đổi nội tiết tố cũng xảy ra khi nam giới bước vào độ tuổi 40.

Quá trình này diễn biến dần dần và không dẫn đến vô sinh ở nam giới. Tuy nhiên, sự sụt giảm nội tiết tố testosterone tích lũy dẫn đến những thay đổi trong cơ quan sinh dục và ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống.

Sự thay đổi hormon ở nam giới

Với sự tăng dần của tuổi tác, cơ thể nam giới có một sự thay đổi đáng kể về khả năng sản xuất DHEA (một loại tiền hormon), testosterone, cũng như các androgen khác. Từ tuổi 40, nồng độ testosterone có sự suy giảm dần về sau. Khoảng 20% nam giới ở độ tuổi 60 và 50% từ 80 tuổi trở lên có mức giảm testosterone rõ rệt.

Thay đổi mức testosterone

Trung bình, nồng độ testosterone dao động trong khoảng từ 2,7 - 17,3ng/ml đối với nam giới trưởng thành từ 20 - 49 tuổi và 2,1 - 7,6ng/ml đối với nam giới từ 50 tuổi trở lên. Mức dưới 2,5ng /ml và 2,0ng/ml ở độ tuổi tương ứng được gọi là mức thấp. Nhưng bên cạnh tuổi tác, nồng độ testosterone thấp có thể còn do các yếu tố khác như béo phì, đái tháo đường, nhiễm trùng nghiêm trọng, bệnh thận và gan, rối loạn nội tiết tố khác và tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Thay đổi cân bằng testosterone / estrogen

Cân bằng testosterone / estrogen (T / E) rất quan trọng đối với sức khỏe nội tiết tố nam. Đối với một người nam khỏe mạnh, tỷ lệ T: E sẽ cao. Mặc dù testosterone là nội tiết tố nam, ở nam giới một lượng nhỏ estrogen được sản xuất từ testosterone. Với tuổi tác tăng và thay đổi nội tiết ở nam giới, tỷ lệ T: E giảm xuống. Aromatase, một loại enzyme, chủ yếu phổ biến trong các tế bào mỡ, chuyển đổi testosterone thành estrogen. Khi có tuổi, cùng sự gia tăng hoạt động của aromatase, hầu hết đàn ông đều mất cơ bắp và tăng mỡ.

Thay đổi nội tiết tố ở nam giới: Dấu hiệu và cách xử trí
Ảnh minh họa

Điều gì sẽ xảy ra khi hormon thay đổi ở nam giới?

Ham muốn tình dục giảm

Bởi vì testosterone chịu trách nhiệm duy trì hoạt động tình dục, cho nên khi nồng độ hormon này giảm, đàn ông sẽ giảm ham muốn tình dục. Quá trình này được gọi là mãn dục nam.

Năng lượng thấp

Sự thay đổi nội tiết tố ở nam giới trong thời kỳ mãn dục nam, bao gồm mức testosterone giảm, dẫn đến giảm mức năng lượng của cơ thể. Dấu hiệu dễ nhận ra nhất là buồn ngủ và ngủ thiếp đi ngay sau bữa ăn.

Rối loạn giấc ngủ

Một trong những chức năng của testosterone ở nam giới là điều hòa giấc ngủ. Nồng độ testosterone thấp có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, mất ngủ ở nam giới trong giai đoạn mãn dục nam.

Loãng xương

Vì testosterone đóng vai trò trong việc duy trì mật độ xương, mãn dục nam có thể dẫn đến xương mỏng manh hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Tích lũy mỡ bụng

Các nghiên cứu cho thấy rằng testosterone thấp và mỡ bụng thường phối hợp với nhau. Với sự thay đổi nội tiết tố ở nam giới trong thời kỳ mãn dục, chất béo tích tụ nhiều hơn ở bụng. Sự thay đổi trong cân bằng T/E làm giảm mức testosterone hơn nữa, khiến mỡ bụng tích tụ nhiều hơn.

Các triệu chứng khác

Bên cạnh các dấu hiệu thay đổi nội tiết tố ở nam giới, các triệu chứng khác bao gồm: to vú, sự tự tin và động lực trong cuộc sống giảm, trí nhớ và sự tập trung kém, giảm cương cứng tự phát, cáu kỉnh, dễ mệt mỏi và giảm sức chịu đựng, giảm kích thước và sức mạnh cơ bắp, số lượng tinh trùng thấp, giảm hồng cầu.

Đối phó thế nào?

Để đối phó với suy giảm nội tiết tố, những điều chỉnh sau đây có thể được đưa ra trong điều trị:

Thay đổi lối sống

Việc kiểm soát các triệu chứng của testosterone thấp phần lớn có thể được thực hiện bằng cách tuân theo các thực hành lối sống lành mạnh hơn bao gồm: Tập thể dục thường xuyên; Một chế độ ăn uống lành mạnh; Kiểm soát căng thẳng; Ngủ đủ giấc

Thuốc và trị liệu

Ngoài những thay đổi lối sống này, nếu bạn bị trầm cảm, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm và trị liệu.

Đối với những người cần điều trị mãn dục nam, liệu pháp thay thế hormon (HRT) có thể được cân nhắc. Tuy nhiên, HRT là một chủ đề gây tranh cãi. Nó có thể dẫn đến sự phát triển của các tế bào ung thư nếu bạn bị ung thư tuyến tiền liệt.

Theo BS. Nguyễn Thị Thu Hà (Sức Khỏe & Đời Sống)




https://suckhoedoisong.vn/thay-doi-noi-tiet-to-o-nam-gioi-dau-hieu-va-cach-xu-tri-n179087.html