Sức khỏe

Tại sao chảy máu vùng kín khi hưng phấn

Em 28 tuổi, bạn gái 22 tuổi. Sau những lần kích thích ngoài cô ấy bị đau bụng dưới và vùng sinh dục, thậm chí chảy máu vào buổi sáng. Kinh nguyệt cô ấy đều. Xin hỏi bác sĩ, tại sao và phải làm gì. (Nhan).

Em 28 tuổi, bạn gái 22 tuổi. Sau những lần kích thích ngoài cô ấy bị đau bụng dưới và vùng sinh dục, thậm chí chảy máu vào buổi sáng. Kinh nguyệt cô ấy đều. Xin hỏi bác sĩ, tại sao và phải làm gì. (Nhan).

Chào bạn,

Theo mô tả, bạn và người yêu chưa có hành vi xâm nhập mà chỉ dừng lại ở kích thích, nhưng chỉ được một thời gian ngắn là cô ấy có cảm giác đau trằn bụng dưới và vùng sinh dục. Tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài cho đến nay.

Người ta ghi nhận 3/4 phụ nữ có ít nhất một lần đau khi có hành vi quan hệ, thậm chí có người luôn bị đau trong mọi lần "yêu", nhưng thường là trong lúc giao hợp hoặc sau khi có hành vi giao hợp. Trường hợp này, người yêu của bạn lại đau chỉ đơn thuần khi có kích thích và hưng phấn tình dục, đây có lẽ là do các cơn co thắt âm đạo và cơ vùng chậu, một đáp ứng sinh lý khi cô ấy đạt được cực khoái.
 

Ảnh minh họa: Womenshealth.

Khi đạt cực khoái, máu được bơm về vùng kín khiến các cơ của vùng này căng cứng hơn và bắt đầu co thắt nhịp nhàng. Những đợt co cơ này sẽ lan tỏa ra xung quanh và các cơ trên toàn bộ cơ thể. Về mặt sinh lý, đây là những cơn co thắt không chủ động của cơ bắp bao quanh âm đạo và khối cơ mu cụt ở vùng chậu. Thông thường các cơ vùng chậu trong các cơn cực khoái sẽ co thắt nhịp nhàng, khoảng 5-15 lần trong vài giây, rồi ngưng nghỉ và lại tiếp tục co thắt trong cơn cực khoái kế tiếp.

Bình thường, phản xạ co thắt kể trên không gây cảm giác đau nhiều. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, một số người yêu em lại có cảm giác đau vùng bụng dưới và có thể kèm theo cảm giác mỏi và ê ẩm vùng chậu, đặc biệt là khi cơn cực khoái nhiều và liên tục. Điều này liên quan đến trải nghiệm và sức chịu đựng đau đớn của mỗi người, y học gọi đó là ngưỡng gây đau.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể khiến cho tình trạng đau tăng nặng thêm: căng thẳng gây chứng co thắt âm đạo (Vaginismus), bệnh lý phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, viêm tiểu khung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng…

Để giảm bớt cảm giác đau đớn này, các bác sĩ thường có những gợi ý sau:

1. Thăm khám phụ khoa nhằm loại trừ các bệnh lý phụ khoa có thể làm tăng nặng cảm giác đau khi có hành vi kích thích tình dục.

2. Tăng ngưỡng chịu đựng cảm giác đau bằng cách thích nghi sinh học (biofeedback). Phụ nữ mắc chứng co thắt âm đạo có thể luyện tập nhằm tăng cường khả năng kiểm soát và thư giãn cơ vùng chậu, phương pháp này nhằm giảm nhạy cảm của khối cơ này (progressive desensitization), bao gồm:

- Luyện tập bài tập co thắt cơ mu cụt (bài tập Kegel): co cơ (cảm giác như cố gắng nín tiểu), giữ 2 giây hoặc hơn rồi thư giãn vài giây, tiếp tục chu kỳ co - giữ - thư giãn như vậy 20 lần cho mỗi lần tập. Có thể tập nhiều lần trong ngày và tăng số chu kỳ.

- Sau đó có thể phối hợp với việc đưa ngón tay vào trong âm đạo cùng lúc với bài tập Kegel, nhằm tăng tính thích nghi.

3. Thư giãn và tận hưởng cảm giác mà cực khoái mang lại. Thực tế là 20% phụ nữ luôn có cảm giác đau khi quan hệ tình dục ở một mức độ nào đó nên cũng cần chuẩn bị sẵn tâm lý.

Chúc các bạn hạnh phúc và nhiều sức khoẻ.

Thân ái.

Theo Bs Tấn Thủ (VnExpress.net)