Sức khỏe

Người phụ nữ 28 năm chịu đựng bộ ngực khổng lồ

Bệnh nhân nữ, 58 tuổi, mang bộ ngực thể tích 5.000 ml suốt 28 năm, luôn bị khó thở, cảm giác đau đớn và tự ti.

Chị cho biết tuyến vú bắt đầu to bất thường sau khi cai sữa cho con vào năm 30 tuổi. Bộ ngực ngày càng nặng nề, khiến chị không dám du lịch, chụp ảnh. Làn da bị hăm đỏ do ngực quá to chèn ép. Mỗi lần con gái nhào tới ôm mẹ, ngực chèn ép khiến chị bị đau. Khi ngủ, chị phải vắt vú sang hai bên mới có thể thở được. Các cửa hàng không có áo lót nào vừa với bộ ngực khổng lồ.

Người phụ nữ ao ước được thu nhỏ bộ ngực nhưng bị người nhà ngăn cản vì cho rằng phẫu thuật cắt vú sẽ gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, sức khỏe xấu đi. Song, sau gần ba mươi năm chịu đựng, chị quyết tâm đến bệnh viện điều trị.

Bác sĩ Hoàng Văn Hồng, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết nữ bệnh nhân có thể tích vú mỗi bên khoảng 2.500 ml, sa trễ nhiều.

Thể tích vú bình thường chỉ dao động từ 200 đến 250 ml mỗi bên. Vú phì đại ít 300 ml, phì đại rất nhiều mới đến mức 1.500 ml. Trên mức này, vú được xếp loại phì đại khổng lồ.

"Tuyến vú của bệnh nhân vượt xa ngưỡng khổng lồ, hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật", bác sĩ Hồng cho biết.

Người phụ nữ 28 năm chịu đựng bộ ngực khổng lồ
Bác sĩ Hồng khám ngực cho nữ bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ca mổ diễn ra ngày 24/9, kéo dài 4 tiếng. Bác sĩ phẫu thuật thu gọn, cắt bỏ khoảng 4 kg vú phì đại và bảo tồn một phần tuyến vú, núm vú, các dây thần kinh cảm giác, tạo hình lại tuyến vú cho chị.

Ngày 29/9, năm ngày sau mổ, bệnh nhân tươi cười, dáng vẻ linh hoạt, hai mắt long lanh nói với bác sĩ: "Tôi như trút được gánh nặng, cứ như là mơ vậy".

Theo bác sĩ Hồng, vú phì đại khổng lồ sau sinh hiếm gặp, tỷ lệ mắc khoảng một trên 100.000 phụ nữ mang thai. Hiện nay trên thế giới chưa có nghiên cứu quy mô lớn về phương pháp và kết quả điều trị bệnh lý vú phì đại khổng lồ, chỉ có thông tin về từng ca bệnh.

Vú quá to thường khiến người bệnh khó thở, đau lưng, gặp khó khăn khi sinh hoạt, một số trường hợp bị viêm nhiễm, đỏ loét trên da. Phẫu thuật là cách điều trị duy nhất. Hiện, kỹ thuật phẫu thuật có thể bảo tồn chức năng tuyến vú, đảm bảo tính thẩm mỹ, sau phẫu thuật có thể tiếp tục sinh và cho con bú.

 Theo Chi Lê (VnExpress)




https://vnexpress.net/28-nam-chiu-dung-bo-nguc-khong-lo-4168827.html