Sức khỏe

Một lần vui Chlamydia Trachomatis hiểm họa rình rập

Trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Chlamydia trachomatis lây truyền ra sao và có chữa hết bệnh không? Xin bác sĩ cho biết điều trị và phòng ngừa ra sao?

(Nguyễn Văn Năm - Bình Dương)

Trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Chlamydia trachomatis là loại có thể để lại nỗi ám ảnh đó là bệnh hột xoài và bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu; với chuyên khoa mắt Chlamydia trachomatis cũng ám ảnh không kém đó là bệnh mắt hột gây nhiều chứng thậm chí là gây mù lòa.

Chlamydia trachomatis có nhiều týp thanh khác nhau và tùy theo týp huyết thanh mà khả năng gây bệnh của chúng cũng khác nhau như týp L1 - L2 - L3 gây bệnh hột xoài, có tên khoa học là bệnh Nicolas-Favre, týp D và K gây viêm đường tiết niệu; ngoài ra còn có týp A, B, Ba và C gây bệnh mắt hột.

Đây là loại vi khuẩn mà trước đây người ta xếp vào họ virus vì một số đặc điểm sinh học của chúng, do có kích thước rất nhỏ bé, không nuôi cấy được trên môi trường nhân tạo thông thường như các vi khuẩn khác, mà chỉ nuôi cấy trên môi trường nuôi giống như virus, cho nên trước kia người ta xếp cùng nhóm virus.

Một lần vui Chlamydia Trachomatis hiểm họa rình rập
Ảnh minh họa

Ở nước ta, Chlamydia trachomatis tuýp huyết thanh gây một số bệnh thường gặp nhất đó là bệnh mắt hột, bệnh viêm đường sinh dục tiết niệu, bệnh hột xoài, ngoài ra Chlamydia trachomatis còn gây nên một số bệnh khác cho cả người lớn và trẻ sơ sinh.

1. Chalmydia trachomatis týp L1 L2 L3 gây bệnh hột xoài còn gọi là bệnh Nicolas-Favre là bệnh hoa liễu xếp hàng thứ 4 trong 5 bệnh hoa liễu cổ điển như lậu, giang mai, hạ cam mềm, U hạt bẹn; bệnh được Nicolas và Favre mô tả năm 1913.

Sau khi quan hệ tình dục với người đã nhiễm Chalmydia trachomatis, có thời gian 3 đến 21 ngày sau, người bệnh thấy xuất hiện mụn nước hoặc vết loét nhỏ.Vị trí xuất hiện nhiều nhất là ở môi lớn, môi bé, âm vật, âm đạo, cổ tử cung...

Sang thương nguyên phát này sẽ biến mất đi sau vài ngày dù không điều trị gì; vì sang thương nhỏ, không đau, không ngứa, ở sâu hoặc các nếp của cơ quan sinh dục nên người bệnh thường không phát hiện.

Sau đó hạch sẽ xuất hiện, hạch là triệu chứng quan trọng để hướng đến chẩn đoán; sau tổn thương nguyên phát, Chalmydia trachomatis di chuyển vào khu trú ở hạch bạch huyết trong vùng lân cận, đặc biệt là hạch bẹn và đùi khi sang thương ở âm đạo.

Hạch viêm cứng, sưng, đau, các hạch dính liền với nhau và kết lại thành chùm ít di động, lần lượt mỗi hạch dính vào da, mềm dần và chảy mủ ra ngoài tạo thành lỗ dò, và nhiều hạch tạo thành nhiều lỗ dò giống như búp sen của thùng tưới nước; khi hạch bẹn và hạch đùi đều ảnh hưởng xuất hiện một rãnh chia phân cách 2 khối hạch này gọi là dấu hiệu rãnh tên khoa học là Grooving sign, đây là một triệu chứng đặc hiệu của hột xoài, người bệnh kèm theo sốt, đau đầu, đau khớp, chán ăn, sụt cân…Về điều trị các bác sĩ thường chỉ định thuốc uống trong 21 ngày.

2. Chlamydia trachomatis týp D và K gây viêm đường tiết niệu, là týp gây nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục xếp hàng đầu trên toàn thế giới hiện nay.

Nhiễm Chlamydia trachomatis ở nữ giới thường âm thầm, ít gây tiểu gắt tiểu buốt như nam giới, bệnh thường biểu hiện kín đáo với những triệu chứng thông thường là khí hư, nóng rát nhẹ vùng tầng sinh môn, tức hạ vị; nếu để kéo dài Chlamydia trachomatis có thể gây biến chứng bệnh lý vùng chậu như viêm phần phụ, đau vùng chậu mạn tính, thai ngoài tử cung, vô sinh do tổn thương ống dẫn trứng.

Về điều trị, hiện tại Chlamydia trachomatis còn nhạy cảm với các nhóm kháng sinh thông thường.

3. Bệnh mắt hột là một viêm mạn tính của kết mạc và giác mạc, do Chlamydia Trachomatis, tuýp A, B, Ba và C; tùy theo thể bệnh nhẹ hay nặng mà có những biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng đến có dấu hiệu nặng nề, kéo dài dai dẳng, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến mù lòa.

Bệnh biểu hiện đa dạng với các triệu chứng như ngứa mắt, cảm giác vướng như có hạt bụi trong mắt, đau nhẹ, cộm xốn trong mắt; xem báo, đọc sách hay sử dụng máy vi tính nhanh mỏi mắt nhất là buổi chiều.

Ở thể nhẹ hay gọi là mắt hột đơn thuần, tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp biểu mô kết mạc, bệnh nhân không có triệu chứng gì, hoặc chỉ ngứa mắt, xốn mắt, mỏi mắt, đôi khi hay chảy nước mắt, nhiều bệnh nhân không biết, không điều trị, bệnh có thể tự khỏi do thói quen sinh hoạt giữ vệ sinh sạch và không bị tái nhiễm, không để lại di chứng và không gây mù.

Đối với thể nặng tổn thương xâm nhập xuống cả những lớp sâu bên dưới của kết mạc mắt, có thể gây các biến chứng như lông quặm, lông siêu, sẹo giác mạc, nguy hiểm nhất là dẫn đến mù lòa, bệnh trầm trọng, nặng nề và kéo dài, không thể tự khỏi nếu không được điều trị tốt.

Bệnh nhân bị mắt hột thường có biến chứng như trụi lông mi, mắt ướt, bờ mi đỏ mà dân gian gọi là mắt toét.

Theo BS.CKI. Trần Quốc Long (Sức Khỏe & Đời Sống)