Sức khỏe

Chuyện phòng the của mẹ bỉm sữa

"Đang khi lửa tắt cơm sôi/Con khóc đòi bù chồng đòi tòm tem/Bây giờ bếp lửa đã nhen/Lợn no, con nín, tòm tem thì... tòm". Chuyện "tòm tem" của mẹ bỉm sữa ngày xưa có vẻ trầy trật, vất vả quá. Vậy còn ngày nay thì sao?

Sinh con đầu lòng được 4 tuần, sức khỏe Lan Khuê hồi phục khá tốt. Chồng cô tích cực đỡ đần việc chăm con, cơ thể Khuê cũng đang ổn định dần. Bỗng dưng, hai hôm nay, Khuê cứ thấy chồng là lạ, gặng hỏi mãi anh mới thú thật là: anh khá khó chịu khi phải kiêng "chuyện ấy" quá lâu. Khuê cảm thấy mình cũng nên “chiều chồng”, cho anh “một bữa no” sau những ngày “nhịn đói”. Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ mới vượt cạn được 4 tuần, Khuê có thể quan hệ vợ chồng bình thường trở lại hay không?

Thời gian nào có thể quay trở lại "đường đua"?

Thời gian có thể thực hiện chuyện vợ chồng lại sớm hay muộn còn phụ thuộc vào sự phục hồi cơ xương khớp, sức khỏe của người phụ nữ, kết hợp các bệnh lý kèm theo đã ổn định hay chưa… Theo bác sĩ Trần Vũ Quang, khoa Sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội):

- Phụ nữ (đẻ thường) nên kiêng quan hệ vợ chồng ít nhất 6 tuần nếu sinh thường, để tử cung có thời gian hồi phục, tầng sinh môn bị rạch khi chuyển dạ được lành lại và đàn hồi. Đặc biệt, vùng âm đạo đã sạch sản dịch, hạn chế viêm nhiễm.

- Nếu phụ nữ đẻ mổ, thời gian hồi phục vết mổ đường bụng sẽ lâu hơn, có thể kiêng "chuyện ấy" từ 2 tháng trở lên. Sản phụ phải đảm bảo chỉ tự tiêu hay đường mổ lành lại hoàn toàn.

Mặt khác, vấn đề tâm lý của phụ nữ cũng tác động khá nhiều. Ví dụ như người phụ nữ có thể bị mặc cảm do bụng chảy xệ, nhăn nheo, sữa chảy ra, cử động cơ thể khó chịu, trầm cảm... khiến họ mất ham muốn, không có nhu cầu "yêu" chồng.

Chuyện phòng the của mẹ bỉm sữa
Thời gian có thể thực hiện chuyện vợ chồng lại sớm hay muộn còn phụ thuộc vào sự phục hồi cơ xương khớp, sức khỏe của người phụ nữ, kết hợp các bệnh lý kèm theo đã ổn định hay chưa….

Ham muốn ái ân sau khi sinh tăng hay giảm?

Đa phần mọi người sẽ nghĩ, sau khoảng thời gian kiêng cữ, “nhu cầu” của mẹ bỉm sữa có thể tăng lên gấp đôi. Ngược lại, sau khi vượt cạn, chuyện chăn gối không còn là niềm hứng thú của mẹ bỉm sữa nữa. Sau khi sinh, cơ thể các bà mẹ có sự thay đổi hooc-môn, mệt mỏi, mất sức, thậm chí đau yếu do chưa phục hồi hoàn toàn, thêm vào đó mẹ phải dành nhiều thời gian chăm con. Sự lo lắng bất an sẽ tác động tiêu cực đến ham muốn của cả vợ lẫn chồng.

Thay vì gắng gượng và ép buộc bản thân mình và chồng, mỗi ngày bạn và anh ấy nên bắt đầu bằng những cuộc nói chuyện âu yếm, chia sẻ, động viên, cảm thông, khơi gợi lại những cảm xúc đã mất, cũng như mong muốn của cả hai cùng nhau thấu hiểu bằng thái độ chân thành và thiện chí.

Cũng cần lưu ý, sau khi trải qua một quãng thời gian dài "khổ hạnh", mọi thứ không thể bắt đầu bình thường ngay lập tức. Cả hai cần nhiều hơn những hành động gợi tình như: ôm ấp, vuốt ve, hôn, oral sex… Sự tinh tế sẽ giúp cả hai có được xúc cảm rõ rệt hơn, giúp mối quan hệ giữa hai vợ chồng sau sinh thuận lợi, nhanh chóng trở về như lúc ban đầu.

Chuyện phòng the của mẹ bỉm sữa - 1
Sự lo lắng bất an sẽ tác động tiêu cực đến ham muốn của cả vợ lẫn chồng.

Miễn cưỡng bản thân để làm “chuyện ấy” có hại gì?

- Thứ nhất, nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương hở tại bụng và vết rạch da tầng sinh môn, tổn thương tổ chức da mô mềm.

- Thứ hai, nguy cơ gây đau nhức vùng xương chậu do co kéo tổ chức cơ và mô dưới da bụng, tầng sinh môn do cơ thể vẫn còn chấn thương khi chuyển dạ.

Chưa kể, trong thời gian cho con bú, chưa có kinh nguyệt nhưng khi quan hệ trở lại với chồng bạn vẫn có nguy cơ mang thai. Vì vậy, bạn phải lưu ý đến chuyện tránh thai, sử dụng các biện pháp an toàn. Không nên vì một phút nóng nảy để rồi cả hai lại rơi vào tình thế nan giải “một năm hai đứa”.

Nên tránh trường hợp người chồng quá nôn nóng, thiếu kiên nhẫn tìm lại cảm giác cho vợ khiến người phụ nữ sinh ra cảm giác tiêu cực, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, kiệt sức, tâm lý căng thẳng.

Nguy hiểm hơn, sau khi sinh, hormone estrogen sẽ bị giảm đi rất đáng kể, đặc biệt là nếu bạn cho con bú, điều này có thể dẫn đến tình trạng “khô hạn”. Việc chuẩn bị sẵn các sản phẩm hỗ trợ như gel bôi trơn là việc bạn hoàn toàn nên làm để cuộc yêu suôn sẻ hơn. Đừng quá ép buộc bản thân làm những chuyện mình không thoải mái.

Chuyện phòng the của mẹ bỉm sữa - 2
Việc chuẩn bị sẵn các sản phẩm hỗ trợ như gel bôi trơn là việc bạn hoàn toàn nên làm để cuộc yêu suôn sẻ hơn.

Cảm giác quan hệ sau sinh thường khác hẳn so với trước, đây là điều hoàn toàn bình thường. Vì thế cả vợ và chồng cần thẳng thắn chia sẻ, động viên, kiên nhẫn, chân thành với nhau để cùng tìm cách giải quyết.

Tìm mẫu số chung cho vấn để sau sinh bao lâu thì được quan hệ rất khó. Đơn giản vì mỗi mẹ mỗi cảm xúc khác nhau nên nhịp độ “nhập cuộc” cũng rất khác, điều quan trọng vẫn là sự thoải mái đến từ tinh thần lẫn thể chất.

Theo Hạnh Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)