Giải trí

Từ phim "Hậu Duệ Mặt Trời": Không thể coi quân phục như chuyện đùa

"Bộ quân phục cũng là đại diện cho một phần quốc thể, không thể khoác lên tuỳ tiện như một chuyện vui đùa được", đạo diễn Đặng Thái Huyền nhìn nhận.

"Bộ quân phục cũng là đại diện cho một phần quốc thể, không thể khoác lên tuỳ tiện như một chuyện vui đùa được", đạo diễn Đặng Thái Huyền nhìn nhận.

Bộ phim “Hậu duệ mặt trời” đang gây sốt ở nhiều nước châu Á, mà khán giả Việt Nam không phải ngoại lệ. Là một đạo diễn, cũng là một người trẻ, chị đánh giá như thế nào về bộ phim và sức hút của nó?
 

Cảnh trong phim “Hậu duệ mặt trời”. ảnh: I.T

 
- Như tôi đã từng nói trước đây, một bộ phim muốn giáo dục hay tuyên truyền điều gì trước hết phải thuyết phục được khán giả ngồi xem từ đầu tới cuối và chạm được vào cảm xúc của họ.  Điện ảnh Hàn Quốc mà tiêu biểu là phim truyền hình “Hậu duệ mặt trời” đã làm rất tốt điều đó. Điều gì khiến phim này tạo nên cơn sốt ư? Họ có cả một công thức sản xuất phim để thu hút khán giả, có thể kể đến từ câu chuyện tình yêu lãng mạn, dàn diễn viên đẹp như mơ và không tiếc tiền cho bối cảnh, đạo cụ... để phim đẹp long lanh nhất có thể.
 

"Vào khoảng giữa năm nay, tôi tiếp tục với dự án phim về đề tài chiến tranh có tên “Mùi thuốc súng”. Nội dung phim cũng sẽ lại xoay quanh về thời kỳ hậu chiến với những nỗi đau và ngổn ngang những lo toan... Và tôi hy vọng, với cách làm, tư duy của thế hệ trẻ 8X, 9X, bộ phim sẽ nhận được sự đón nhận của các bạn trẻ” - Đạo diễn Đặng Thái Huyền

Từ bộ phim đã xuất hiện trào lưu giới trẻ tự photoshop để dán khuôn mặt mình vào các bộ quân phục Hàn Quốc mà các diễn viên mặc. Có ý kiến cho rằng như thế là xúc phạm đến dân tộc, bởi lính Hàn đã từng gây nên nhiều vụ thảm sát tại Việt Nam. Là một đạo diễn quân đội, từng làm phim đề tài chiến tranh, chị nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Bạn có đề cập việc MC Phan Anh viết trên Facebook là “…Yêu mến văn hoá Hàn Quốc nhưng hiểu rõ lịch sử sẽ cho chúng ta một thái độ hành xử đúng đắn, đỡ làm tổn thương những nạn nhân chiến tranh hơn”. Tôi nghĩ ý kiến đó có phần đúng. Bản thân tôi là một quân nhân, khi khoác lên mình bộ trang phục Quân đội nhân dân Việt Nam, cách nói chuyện, tác phong và cư xử của tôi cũng phải khác khi mặc thường phục. Bộ quân phục cũng là đại diện cho một phần quốc thể, không thể khoác lên tuỳ tiện như một chuyện vui đùa được.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá trầm trọng hóa vấn đề, vì các bạn thế hệ 9X, 10X có  thể không biết nhiều về lịch sử, mà đơn giản là họ yêu thích phim và yêu mến thần tượng của mình. Theo tôi, những người lớn thì nên có sự điều chỉnh và chúng ta không nên cổ xuý trào lưu này. Vì lòng tự tôn của dân tộc cũng cần giáo dục để trở thành ý thức trong mỗi người dân.

Theo chị, vì sao các bạn trẻ lại thờ ơ với đa số những bộ phim Việt Nam. Liệu có phải do cách làm, do kịch bản hay phim của ta còn mang nặng tính tuyên truyền?

- Do rất nhiều lý do và trong đó có bao gồm cả các khâu kịch bản, cách làm... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất tôi nghĩ, đạo diễn khi làm phim về đề tài này chưa thoát ra được suy nghĩ có phần gò bó, rập khuôn của chính mình. Nó giống tư duy đã bị “chết” trong đầu, làm phim về đề tài này là phải theo mô típ thế này. Chính những nhà làm phim chứ không phải ai khác cần phải đổi mới tư duy của mình. Những việc còn lại sẽ tự nhiên điều chỉnh.

Để chúng ta có một bộ phim điện ảnh quân đội tạo được thành công, gây sốt và hấp dẫn  được khán giả như “Hậu duệ mặt trời”, thì chúng ta còn thiếu điều gì?

- À, như tôi đã nói ở trên, có công thức làm phim rồi đó. Nhưng chừng nào chúng ta có được cơ chế làm phim thoáng như kiểu Hàn: Trực thăng xuất hiện ở bất cứ đâu, các điều lệnh trong quân đội khi đưa lên phim chỉ áp dụng tương đối… thì các nhà làm phim Việt Nam hoàn toàn có cơ hội làm ra những bộ phim hấp dẫn.

Nhưng phải lưu ý thế này,  phim về đề tài quân đội hiện nay chưa cho phép chúng ta có những điều chỉnh quá xa thực tế (tôi không nói là sai nhé) mà điện ảnh đôi khi cần vượt qua sự khuôn mẫu, khô cứng, điều lệnh, điều lệ để có được sự bay bổng, cảm xúc… Đây là bài toán khá khó với những nhà làm phim. Tuy nhiên, chẳng có gì là không thể. Có thể sau rất nhiều phim về quân đội thành công của điện ảnh các nước, chúng ta sẽ có một cơ chế duyệt thoáng hơn khi làm những bộ phim về đề tài này. Có thể các cấp duyệt sẽ cho các nhà làm phim một số “khoảng an toàn” để tự do tung tẩy, sáng tạo, bay bổng chăng?/.

Xin cám ơn đạo diễn!
 
>> Họ nói tôi điên khi đầu tư tiền tấn làm "Hậu Duệ Mặt Trời"
>> Giải mã thành công ngoài tưởng tượng của "Hậu Duệ Mặt Trời"
>> "Hậu Duệ Của Mặt Trời" và những tình tiết khác xa đời thực
>> "Điêu đứng" trước vẻ điển trai của Song Joong Ki khi nhận giải thưởng
>> Cơn sốt "Hậu Duệ Mặt Trời" bị cảnh báo "nguy hiểm" ở Trung Quốc
>> Lý giải cơn sốt siêu phẩm "Hậu duệ Mặt trời"
>> Trung Quốc cắt chi tiết nhạy cảm trong "Hậu Duệ Mặt Trời"

Theo Thanh Hà (Dân Việt)