Giải trí

Trung Dân nói về Táo quân Nam - Bắc: 'Mình không nhắc những chuyện nổi cộm trong năm thì người ta bảo hèn'

"Chương trình Táo có đụng chạm tới các vấn đề nổi cộm của xã hội trong năm thì đó là những vết thương cần được sát trùng cho sạch, còn ai có vết thương thì xem mà trị", Trung Dân nói.

Đã từ nhiều năm nay, Táo quân của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) có lẽ là chương trình được mong đợi nhất mỗi dịp Tết đến xuân về.

Lý do khiến chương trình này được mong đợi nhiều như thế, một phần vì hội tụ toàn các nghệ sĩ tên tuổi đình đám khu vực phía Bắc. Nhưng một phần vô cùng quan trọng là kịch bản Táo quân dám đụng chạm tới những vấn đề nổi cộm trong năm.

Trong khi đó, Đài truyền hình TPHCM (HTV) năm nào cũng làm Táo quân nhưng lại không có "sức nặng" như Táo của VTV, dù chương trình cũng quy tụ sự góp mặt của nhiều tài danh phía Nam, cũng đề cập tới những vấn đề nổi cộm trong năm.

Tại sao lại có sự khác biệt đó. Đây là lần đầu tiên, một nghệ sĩ, một người có thâm niên cả tuổi nghề cũng như số tuổi tham gia chương trình Táo quân phía Nam – nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ về chủ đề này.

Tập tính của người miền Nam thích vui nên chỉ khều nhẹ, đả kích nhẹ

"Tất cả đều có nguyên nhân hết", nghệ sĩ Trung Dân mở đầu.

Trung Dân nói về Táo quân Nam - Bắc: 'Mình không nhắc những chuyện nổi cộm trong năm thì người ta bảo hèn'
Nghệ sĩ Trung Dân.

Anh nói tiếp: "Nguồn gốc của Táo quân trong dân gian là mang tính khôi hài. Bằng hình thức nghệ thuật, dân gian sử dụng ông Táo để phê phán những thói hư tật xấu, những vấn đề xã hội... đã có từ lâu đời rồi.

Ngày xưa, cứ tới ngày 23 tháng Chạp là các đài truyền hình khu vực miền Nam đều phát sóng chương trình "ông Táo về trời". Người ta cũng đem những chuyện khôi hài, chuyện trong xã hội ra phê phán xem năm qua có gì nổi cộm.

Ban kịch làm chương trình này thời đó đều là những danh hài nổi tiếng như La Thoại Tân, Diệp Thanh, Phi Thoàn, Khả Năng...

Đúng ngày 23 tháng Chạp, sau khi phong tục cúng ông Táo thực hiện xong xuôi, chương trình Ông Táo về trời sẽ phát sóng. Khán giả xem chương trình đó được cười hả hê và nó trở thành tập quán của người miền Nam.

Thời đó, miền Bắc chưa làm chương trình Táo quân. Sau 1975, chương trình Táo quân trở thành nét văn hoá chung của người Việt.

Nếu nói về cựu trào đóng Táo thì tôi là 1 trong số các nhân vật có đóng Táo khá nhiều của đài HTV. Hồi trước có đạo diễn Thế Ngữ, biên tập Trần Văn Sáu, Nguyễn Hoài Giao... là những con người làm Táo đầu tiên sau năm 1975.

Táo quân lúc đó mang tính nhẹ nhàng, nhắc nhở. Còn để làm chương trình Táo quân như miền Bắc mà đại diện là đài VTV là vui có, chính trị có, sâu cay có, thâm thuý có.

Trở lại chương trình Táo quân miền Nam, họ không phát đêm giao thừa mà phát 23 tháng Chạp. Thời đó, đóng vai Ngọc Hoàng nhiều nhất là chú Sáu Bảo Quốc, còn tôi thuộc thế hệ nhỏ nên giỏi lắm cũng chỉ đóng Nam Tào, Bắc Đẩu.

Người miền Nam thích vười, thích vui. Họ không thích đao to búa lớn trong mấy ngày Tết nên họ có sự kiêng cử nhất định trong văn hoá ứng xử mấy ngày này, chẳng hạn như kiêng gây gổ, nói điều sai quấy, bơi móc nhau... nói chung là họ thích cười để cả năm mang không khí vui vẻ.

Thế nên khi làm chương trình Táo quân, người ta chỉ "khều nhẹ, chỉ trích nhẹ" các vấn đề nổi cộm trong xã hội của năm qua dựa trên nền tảng lấy được nụ cười của khán giả, theo tinh thần vui là chính.

Đó là tập tính của người miền Nam chứ không phải họ không làm được những cái thâm thuý".

Trung Dân nói về Táo quân Nam - Bắc: 'Mình không nhắc những chuyện nổi cộm trong năm thì người ta bảo hèn' - 1

Hình ảnh quen thuộc của Táo quân VTV - một chương trình được người dân chờ đợi nhất trong năm nhờ tiếng cười sâu cay, thâm thuý dám "động chạm" tới tất cả các vấn đề nổi cộm trong năm.

Nghệ sĩ Trung Dân phân tích tiếp: "Về khía cạnh quản lý, chương trình nào cũng được biên tập, kiểm duyệt nên tất cả những cái nhạy cảm thường phải được cân nhắc rất kỹ. Không phải cái gì muốn nói cũng được.

Có những lần chúng tôi làm chương trình Táo quân phê phán nặng nề, khi kiểm duyệt thì bị cắt hết. Từ đó trở đi, chúng tôi không làm nữa. Chúng tôi nghĩ, cứ trở về tập tính cười hề hề cho êm xuôi".

Giải thích cho việc tại sao Đài truyền hình VTV cũng bị kiểm duyệt gắt gao – là đài truyền hình quốc gia nhưng chương trình Táo quân của đài dám động chạm tới mọi vấn đề gai góc, nổi cộm trong năm một cách mạnh mẽ, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng:

"Đài khu vực chúng tôi cũng dư sức làm những chương trình mang tính đả kích thâm thuý, sâu cay như Táo quân miền Bắc nhưng chúng tôi không dám làm.

Chương trình Táo quân miền Bắc, người dân xem ai cũng thích. Khi mình làm điều gì hợp với lòng dân là đúng và trúng rồi. Nhưng vì những lý do khách quan và chủ quan, chúng tôi không có đủ điều kiện để làm".

Trung Dân nói về Táo quân Nam - Bắc: 'Mình không nhắc những chuyện nổi cộm trong năm thì người ta bảo hèn' - 2
Chương trình Táo quân của đài HTV cũng hội tụ nhiều "cây đa cây đề" trong giới nghệ sĩ phía Nam nhưng nội dung vẫn mờ nhạt, gây cười khá nhạt.

Năm nay, Táo quân miền Nam khả quan hơn

Chia sẻ thêm với phóng viên, nghệ sĩ Trung Dân cho biết, các nghệ sĩ phía Nam khi tập chương trình Táo quân cũng rất ấm ức vì không được... động chạm. Dù tất cả những vấn đề đó đều đã được lên truyền hình cả nước và chương trình Táo quân của VTV làm không bỏ sót.

Trung Dân nói: "Mừng là năm nay, Táo quân miền Nam khả quan hơn. Nhẹ nhàng nhưng vẫn có những cái sâu cay, thâm thuý. Nếu không bị cắt thì tôi khẳng định là Táo quân năm nay của đài HTV sẽ hay.

Chúng tôi không so kè bên nào hay bên nào dở, chúng tôi nghĩ tới cái chung là chương trình Táo quân đại diện cho đa số 94 triệu dân Việt Nam. Mình không nhắc những chuyện nổi cộm trong năm thì người ta bảo mình hèn.

Tôi nghĩ, chương trình Táo có đụng chạm tới các vấn đề nổi cộm của xã hội trong năm thì đó là những vết thương cần được sát trùng cho sạch, còn ai có vết thương thì xem mà trị".

Chốt lại câu chuyện so sánh giữa chương trình Táo quân hai miền Nam, Bắc, nghệ sĩ Trung Dân bày tỏ: "Nghệ sĩ miền Bắc đa số công tác ở đơn vị nhà nước, còn nghệ sĩ miền Nam đa phần là hoạt động tự do. Nhưng cả hai dạng nghệ sĩ này đều cùng cống hiến là phục vụ cho nhà nước và phục vụ cho người dân.

Phục vụ nhà nước là tuyên truyền. Phục vụ người dân là biến tuyên truyền đó thành giải trí để phục vụ toàn thể người dân.

Trung Dân nói về Táo quân Nam - Bắc: 'Mình không nhắc những chuyện nổi cộm trong năm thì người ta bảo hèn' - 3

Nghệ sĩ Trung Dân khẳng định: "Táo miền Nam không nói thì Táo miền Bắc nói, miền nào nói không quan trọng bằng việc chương trình Táo quân được trọn vẹn với tinh thần mà tôi đã nói"

Thế nên, Táo quân của anh chị em nghệ sĩ Bắc hay Nam làm cũng vì phục vụ bà con trong dịp Tết. Nó vừa có tính truyền thống vừa có tính thời sự. Nó là một trong những nhân tố xúc tác để đa số dân chúng nhìn vào đó, còn tin chúng ta dám nói, dám làm, dám chống lại những cái xấu để đi lên chứ không tụt hậu. 

 Cái đó là quan trọng nhất.

Táo miền Nam không nói thì Táo miền Bắc nói, miền nào nói không quan trọng bằng việc chương trình Táo quân được trọn vẹn với tinh thần mà tôi đã nói".

Theo Cao Thanh Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)