Giải trí

Tranh cãi quanh điều tử tế cuối đời của Thái phim 'Hoa hồng trên ngực trái'

Trong tập phim tối 8/1, Thái chết, hiến tim cứu con gái. Tuy nhiên, điều anh gọi là "đúng đắn" nhất để chuộc lại những lỗi lầm bao năm qua, khiến khán giả đặt nhiều dấu hỏi.

Trong tập 45 Hoa hồng trên ngực trái phát sóng tối 8/1, Bống - con gái cả của Khuê và Thái - đi mổ tim. Tưởng ca mổ đơn giản, ai ngờ một tai biến y khoa cực kỳ hiếm gặp khiến cơ tim của bé gặp vấn đề lớn.

Các bác sĩ phải dùng liệu pháp trao đổi oxy ngoài lồng ngực (ECMO) để duy trì sự sống trong ngắn hạn và chờ mong nguồn tim hiến để em được ghép tim mới có thể sống tiếp được.

Thấy con bị như vậy, Khuê đòi tự tử để có nguồn tim ghép cho con gái. Khang - người chú mới được thừa nhận - cũng gọi điện khắp nơi tìm nguồn. Anh đặt câu hỏi về việc tim từ nước ngoài chuyển về liệu có được, bác sĩ lắc đầu đáp không thể vì muộn.

Tranh cãi quanh điều tử tế cuối đời của Thái phim 'Hoa hồng trên ngực trái'
Để có tim cứu con, Khuê đòi tự tử, Thái chết

Nhưng điều khiến độc giả thắc mắc nhất là việc nguồn tim hiến cho Bống lại từ bố bé - Thái. Thái bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Thái xác định cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào nên anh lựa chọn chết để cứu con.

Thái nói cả cuộc đời anh đã làm nhiều điều sai trái và đây là "điều đúng đắn nhất" anh có thể làm: "Bống không còn thời gian. Đằng nào thì tôi cũng chết. Giờ tôi cũng đã đau đớn lắm rồi. Nếu trái tim tôi nằm trong ngực Bống, thì tôi vẫn tồn tại đúng không? Như vậy thì cái chết của tôi không vô ích".

Tranh cãi quanh điều tử tế cuối đời của Thái phim 'Hoa hồng trên ngực trái' - 1
"Nếu trái tim tôi nằm trong ngực Bống, thì tôi vẫn tồn tại đúng không?" - Thái hỏi.

Thái chết như thế nào để hiến tim cho con, kịch bản và diễn biến phim dấu kín "như lời hứa của người đàn ông". Nhưng nhiều câu hỏi được nảy sinh từ đây.

Dù là phim, là nghệ thuật, có quyền hư cấu và mọi thứ mang tính tương đối, nhưng cũng cần lý giải những vấn đề khoa học, dựa trên logic thực tiễn, quy định pháp luật, đặc biệt là việc hiến - ghép tạng.

Thứ nhất, nếu gan, phổi, thận là những bộ phận cơ thể người có thể hiến từ người sống thì tim hiến buộc phải lấy từ người chết não. Vậy một người như thế nào được gọi là chết não?

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: Chết não là tình trạng mất chức năng não bộ và không thể hồi phục, não chết nhưng tim còn đập (bệnh nhân ngừng thở phải thở máy). Và người chết não không thể sống lại được.

Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia - địa chỉ được nhắc đến nhiều trong tập phim tối 8/1 - cho hay theo quy định của Bộ Y tế, để chẩn đoán 1 ca chết não cần dựa trên nhiều tiêu chuẩn.

Trong đó, tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não ít nhất là 12 giờ, kể từ khi người bệnh có đủ các tiêu chuẩn lâm sàng và không hồi phục mới được chẩn đoán chết não.

Về tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não: Người bệnh rơi vào hôn mê sâu; đồng tử cố định; đồng tử mất phản xạ với ánh sáng; mất phản xạ giác mạc. Bệnh nhân mất phản xạ ho khi kích thích phế quản; không có phản xạ đầu - mắt; mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở.

Cùng đó, để kết luận bệnh nhân chết não cũng phải dựa vào tiêu chuẩn cận lâm sàng.

Khi tiến hành xác định chết não phải có 3 bác sỹ đủ điều kiện theo quy định tại Điều 27 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cùng đánh giá, có ý kiến độc lập và ký biên bản riêng cho mỗi người vào ba thời điểm: Bắt đầu xác định chết não và hai thời điểm tiếp theo là 6 giờ và 12 giờ kể từ khi bắt đầu xác định chết não.

Trên thực tế, không phải ai chết cũng trải qua việc chết não. Không phải bệnh nhân chết não nào cũng hiến được nội tạng. Và không phải tạng nào của người chết não cũng lấy được để ghép cho người khác nếu không đủ điều kiện.

Thứ 2, việc hiến tim của Thái, về phía gia đình chỉ có Khang - em cùng cha khác mẹ của Thái - biết, còn mẹ đẻ không biết. Điều kiện để lấy tạng của người chết não được quy định ra sao?

BS Thu khẳng định, trước tiên phải có nguyện vọng hiến tạng cứu người của chính bản thân người hiến và sự đồng ý của gia đình. Gia đình gồm chồng, vợ, và các con trên 18 tuổi (đối với người đã có gia đình); cha, mẹ, hay người giám hộ (đối với người chưa có gia đình).

Nếu một người được xác định chết não và người đó không có ý nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng trước khi chết nhưng được gia đình đồng ý hiến tạng thì cơ sở y tế vẫn được phép tiếp nhận cơ quan hiến.

Thái có nguyện vọng hiến tạng cứu người. Anh đã ly hôn Khuê, nghĩa là Khuê không còn là vợ, con anh dưới 18 tuổi. Đối với gia đình, mẹ đẻ anh không biết, người thân duy nhất của anh là Khang.

Thứ 3, Thái bị ung thư giai đoạn cuối có thể hiến tim được không?

TS Thu cho hay, một trong những điều kiến để lấy tạng người chết não là các mô và cơ quan còn chức năng tốt, không có bệnh lý nhiễm trùng chưa được điều trị hay bệnh lý ung thư...

Điều đó có nghĩa là bệnh nhân ung thư hiện nay tại Việt Nam chưa được lấy mô, tạng để ghép cho người khác, trừ giác mạc bởi đây là bộ phận không bị ảnh hưởng gì khi người đó bị ung thư.

Tại Việt Nam, đã có một số người bệnh ung thư hiến tặng giác mạc khi qua đời, các giác mạc của họ để lại đều cho kết quả tốt trên người ghép.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho hay trước khi thực hiện lấy nội tạng để cấy ghép, đội ngũ bác sĩ sẽ phải thực hiện các bước kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng cơ thể người hiến. Người mắc các bệnh như HIV, viêm gan, lao... không đủ điều kiện để tham gia hiến tạng.

Việc hiến tặng phải được thực hiện ngay khi sau người hiến qua đời do tai nạn, chết não. Hầu hết các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim… đều chỉ bảo quản được từ vài giờ, đến không quá một ngày.

Không phải cứ có nguồn tim hiến là có thể lấy ghép được ngay bởi các bác sĩ phải đánh giá nhiều chỉ số phù hợp giữa người hiến - người nhận.

Theo T.Nguyên (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/y-te/tranh-cai-quanh-dieu-tu-te-cuoi-doi-cua-thai-phim-hoa-hong-tren-nguc-trai-20200109092717811.htm