Giải trí

Thực trạng "treo đầu dê bán thịt chó" gây bức xúc làng phim Hoa ngữ

Do diễn viên bận chạy sô, một số đoàn phim đeo mặt nạ da lên người đóng thế để quay cho kịp tiến độ.

Do diễn viên bận chạy sô, một số đoàn phim đeo mặt nạ da lên người đóng thế để quay cho kịp tiến độ.

Theo Ettoday, gần đây, người hâm mộ Trung Quốc bức xúc trước tin đồn nam diễn viên Dương Dương vắng mặt ba ngày khi quay phim Võ động càn khôn vì bận chạy sô. Đoàn phim cho diễn viên đóng thế đeo mặt nạ da người lấy mẫu từ khuôn mặt của Dương Dương. Nữ diễn viên Tống Giai bình luận: “Cuối cùng mới phát hiện diễn viên đóng thế diễn giỏi hơn cả diễn viên hạng A”. Câu nói của cô làm tăng tính xác thực của tin đồn.

Ngoài Dương Dương, tài tử Tru tiên - Lý Dịch Phong - cũng dính líu tin đồn nhận nhiều hợp đồng đóng phim một lúc và phải dùng diễn viên đóng thế đeo mặt nạ da người. Nhiều fan giận dữ vì cảm thấy bị lừa gạt. Khán giả viết trên Sohu: “Tưởng đâu diễn xuất tốt, nào ngờ toàn là đeo mặt nạ đóng thế”.

Dương Dương (trái) và Lý Dịch Phong là hai gương mặt mới nổi của làng giải trí Trung Quốc.

Báo Trung Quốc chỉ ra việc sử dụng “mặt nạ da người” khi diễn viên vắng mặt không còn xa lạ với các nhà sản xuất phim.

Mặt nạ da người là một đạo cụ làm từ thạch cao, thường dùng trong một số gameshow của Âu Mỹ. Thế nhưng, đạo cụ này lại được diễn viên và các nhà làm phim Trung Quốc coi là vật “chữa cháy” khi họ không đủ thời gian cho công việc diễn xuất.

Theo biên kịch Uông Khải Nam, nhiều diễn viên thường xuyên vắng mặt ở phim trường khiến phim không kịp tiến độ, lại sợ sử dụng người thế thân quá lộ liễu nên đoàn phim cho diễn viên đóng thế đeo mặt nạ da người.

Dương Dương và êkíp Võ động càn khôn khẳng định đoàn phim nào cũng dùng thế thân. “Giữa diễn viên và người đóng thế có quan hệ tương trợ mật thiết”, nhà sản xuất nói.

van-nan-lam-dung-mat-na-da-nguoi-va-dong-the-o-phim-truong-hoa-ngu-2
Mặt nạ da người được chế tạo từ thạch cao.

Tờ Nhật báo Trung Quốc đưa ra nhiều lý do cho việc này. Thứ nhất, nhiều diễn viên sợ bị thương do bản thân không đóng được cảnh hành động, trong khi đoàn phim muốn tránh các khoản bồi thường cao. Hai là vấn đề thời gian và thu nhập. Diễn viên tham gia các chương trình truyền hình nhận được mức thù lao cao hơn nhiều so với đóng phim và dễ dàng đánh bóng tên tuổi hơn. Trong khi đoàn phim quay cùng lúc nhiều cảnh để chạy theo tiến độ, ở những cảnh không cần rõ mặt, họ sẽ sử dụng thế thân. Làm vậy, hai bên đều tiết kiệm được thời gian, phim kịp tiến độ và diễn viên vẫn có thể “phân thân” để chạy sô.

Lý do còn lại là kinh phí. Đạo diễn Phùng Tiểu Cương có thể yêu cầu Phạm Băng Băng “ba tháng liền không được xin nghỉ, trước mỗi cảnh quay đều phải tập dượt và thù lao không cao” khi mời cô đóng Tôi không phải là Phan Kim Liên, nhưng không phải đạo diễn nào cũng làm được như thế. Nhiều đạo diễn muốn mời các gương mặt đình đám Cbiz tham gia phim để thu hút lượng người xem, song không đáp ứng được mức thù lao. Bởi vậy, giải pháp tốt nhất là phần lớn cảnh quay đều sử dụng đóng thế, diễn viên nổi tiếng chỉ góp mặt ở vài cảnh.

van-nan-lam-dung-mat-na-da-nguoi-va-dong-the-o-phim-truong-hoa-ngu-3
Mặt nạ da người ngày càng bị lạm dụng trong lĩnh vực sản xuất phim ảnh ở Trung Quốc. Ảnh: mặt nạ làm từ khuôn mặt của Châu Tấn, Châu Kiệt Luân, Lưu Đức Hoa (từ trái sang).

Ngoài việc gây bức xúc cho khán giả, việc lạm dụng giải pháp dùng mặt nạ da người có thể làm tổn hại đến diễn viên đóng thế. Một chuyên gia hóa trang Trung Quốc cho biết nhiều trường hợp diễn viên đóng thế đeo loại mặt nạ này trong thời gian dài, dẫn tới vùng da bị tổn thương, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng.

Nhật báo Trung Quốc đánh giá hiện tượng lạm dụng thế thân bằng mặt nạ da người đang ngày một phổ biến và là việc làm không tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến chia sẻ hiện tượng này xảy ra ở nhiều ngôi sao trẻ, thuộc trường phái thần tượng ngày nay. Trương Tịnh Sơ cho biết những năm gần đây cô đóng phim thường bị ép đối thoại với không khí, do bạn diễn bận và tự ý rời trường quay. Việc diễn viên đến muộn về sớm hay lười nhác đa phần do nhận đóng cùng lúc vài phim hoặc vừa đóng phim vừa quay quảng cáo, dự sự kiện, quay gameshow.

Ý thức và thái độ làm nghề của nhiều diễn viên Trung Quốc ngày nay cũng được đưa ra mổ xẻ. Đạo diễn Nhĩ Đông Thăng từng tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ dùng kiểu diễn viên như thế nữa. Diễn viên có đạo đức nghề nghiệp sẽ không tùy tiện nhận nhiều hợp đồng công việc cùng lúc để làm ảnh hưởng tiến độ đoàn phim”. Theo đạo diễn nổi tiếng, các ngôi sao thần tượng, trẻ hiện nay không chịu noi theo các tiền bối trong ngành. Ông đưa ra dẫn chứng, ngôi sao gạo cội Lý Tuyết Kiện tuổi cao vẫn cố gắng học thoại, thậm chí học thuộc cả lời thoại của bạn diễn để đóng phim hiệu quả hơn, còn ngôi sao Thành Long đóng phim hành động, gãy chân gãy tay “như cơm bữa” nhưng hiếm khi thấy anh cần người đóng thế.

Theo Lan Anh (VnExpress.net)