Giải trí

"Tây du ký 2" đầy bạo lực, tình dục nhưng không cấm trẻ em

Việc tác phẩm mới của Châu Tinh Trì được dán nhãn P (phổ biến đến mọi lứa tuổi) tại Việt Nam đang gây ra tranh cãi lớn bởi phim bị cho là chứa đựng nhiều cảnh dung tục, phản cảm.

 

Việc tác phẩm mới của Châu Tinh Trì được dán nhãn P (phổ biến đến mọi lứa tuổi) tại Việt Nam đang gây ra tranh cãi lớn bởi phim bị cho là chứa đựng nhiều cảnh dung tục, phản cảm.

Theo thống kê, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 của Châu Tinh Trì - Từ Khắc là tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2017 tại Việt Nam với doanh thu ước tính 35 tỷ đồng sau năm ngày trình chiếu. Bên cạnh thương hiệu nổi tiếng sẵn có, phim hưởng lợi khi được dán nhãn P - tức dành cho mọi đối tượng khán giả khi ra rạp.

Tuy nhiên, sau khi theo dõi Mối tình ngoại truyện 2, không ít khán giả đã sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm rằng nhãn P dành cho tác phẩm là chưa hợp lý, bởi phim chứa đựng nhiều cảnh bạo lực, mát mẻ, thậm chí dung tục.

Chị Thu Hà, một khán giả 37 tuổi tại Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đưa hai con trai nhỏ, 6 và 9 tuổi, tới rạp xem phim hôm 6/2. Chúng tôi chọn Mối tình ngoại truyện 2 bởi đọc được nhiều thông tin tích cực về bộ phim trên mạng, và tác phẩm được dành cho mọi đối tượng khán giả. Nhưng tôi quyết định đưa con ra về sau cảnh Trư Bát Giới toan cưỡng hiếp yêu quái trên màn ảnh”.

‘Tay du ky 2’ day bao luc, tinh duc nhung khong cam tre em hinh anh 1
Một bộ phận khán giả Việt Nam cho rằng Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 chứa đựng nhiều cảnh không phù hợp với trẻ em, và nhãn P mà Cục Điện ảnh dành cho bộ phim là chưa hợp lý. Ảnh: Edko Films.

Một số ý kiến trên mạng còn cho rằng Cục Điện ảnh đã quá “lỏng tay” với Mối tình ngoại truyện 2 bởi các yêu quái trong phim thường xuyên ăn mặc hở hang, không phù hợp với trẻ nhỏ.

Điều đáng nói là một số phim Việt Nam ra rạp cùng thời điểm như Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kung Fu, tuy không bạo lực và gợi dục bằng, nhưng rốt cuộc vẫn bị dán nhãn C13 - tức cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi theo quyết định của Cục Điện ảnh.

Hậu quả là phim càng trở nên lép vế trước tác phẩm ngoại vào thời điểm mà đối tượng khán giả ra rạp là rất nhiều gia đình có con nhỏ.

Luồng ý kiến chỉ trích trên mạng Internet trích dẫn quyết định dán nhãn PG-13 dành cho Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 tại thị trường Bắc Mỹ và một số nơi trên thế giới. Riêng tại Trung Quốc, quê hương của tác phẩm, hệ thống phân loại độ tuổi khán giả chưa rõ ràng, nên bất cứ khán giả nào cũng có thể theo dõi bộ phim mới của Châu Tinh Trì, tức giống như ở Việt Nam.

‘Tay du ky 2’ day bao luc, tinh duc nhung khong cam tre em hinh anh 2
Theo trang IMDb, Mối tình ngoại truyện 2 bị dán nhãn PG-13 tại một số thị trường ngoại. Ảnh: IMDb.

Anh Nguyễn Hoàng Phương, giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh (TPD), phát biểu: “Mỗi thị trường có một tiêu chí phân loại phim riêng, không thể áp dụng cho nhau. Riêng trường hợp của Mối tình ngoại truyện 2, nếu phim bị dán nhãn C13, đó không phải là điều quá vô lý, bởi một số cảnh trong phim khá bạo, không phù hợp với trẻ em”.

“Nhưng nếu dẫn mác PG-13 của nước ngoài để chỉ trích Cục Điện ảnh thì chưa hợp lý. Vì chữ ‘PG’ là viết tắt của ‘Parental Guidance’. Trẻ em vẫn có thể theo dõi những bộ phim này nếu như có sự cho phép và đi cùng của cha mẹ hoặc người giám hộ. Điều khác ở Việt Nam là C13 tức là cấm hoàn toàn trẻ em dưới 13, ngay cả khi có bố mẹ đi cùng”, anh Phương giải thích thêm.

Cũng theo anh Hoàng Phương, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về một bộ phim trước khi quyết định đưa con nhỏ cùng ra rạp. Nếu cảm thấy tác phẩm không phù hợp, họ có thể chọn phim khác để cả gia đình thưởng thức cùng nhau, tránh gặp cảnh đang xem phim dở phải bỏ về.

Từ ngày 1/1, Bộ Văn hóa, Thể Thao Du lịch và Cục Điện ảnh mới thông qua bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới. Theo đó, các tác phẩm được trình chiếu tại rạp chia theo các cấp độ: phổ biến (P), cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 (C13), cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 (C16) và cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 (C18).

Trong nhiều năm trước đây, các bộ phim ra rạp tại Việt Nam chỉ bị phân loại theo hai mức độ là phổ biến rộng rãi (G) hoặc cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 (NC-16). Điều này gây ra không ít tình huống trớ trêu như các phim siêu anh hùng dạng Captain America: Civil War, Doctor Strange... bị cấm trẻ em dưới 16, trong khi ở nước ngoài chỉ có dán nhãn PG-13.

Tiêu chí để Cục Điện ảnh đưa ra phân loại lứa tuổi mới dành cho các tác phẩm điện ảnh bao gồm chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim, mức độ cảnh bạo lực, mức độ cảnh khỏa thân hoặc quan hệ tình dục, mức độ cảnh sử dụng ma túy, chất kích thích...

Anh Hoàng Phương phát biểu: “Hội đồng duyệt có 11 thành viên, và họ phải thảo luận rất kỹ để đưa ra quyết định cuối cùng cho một bộ phim. Tuy nhiên, hệ thống phân loại bốn cấp độ còn rất mới, và Cục Điện ảnh có lẽ cần thêm thời gian để thích nghi và biến nó trở thành công cụ giúp ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trở nên vững mạnh, thay vì gây ra tranh cãi không đáng có”.

Theo Việt Phương (Zing.vn)