Giải trí

Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Đổng Trác không lập công vẫn được thăng tiến

Đổng Trác từ nhỏ đã theo đuổi nghiệp binh có học binh pháp nhưng ông không biết vận dụng, bởi vậy không lập được công lao gì to lớn nhưng nhờ khôn khéo mà vẫn có thể thăng tiến.

Đổng Trác (132 - 192), tự Trọng Dĩnh, là một tướng quân phiệt và quyền thần nhà Đông Hán, đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng là một gian thần, một quân phiệt tàn bạo, từng giữ chức Thứ sử Tịnh Châu. Lợi dụng sự tiến cử của Viên Thiệu với Đại tướng quân Hà Tiến, người đang muốn tiêu diệt thế lực hoạn quan, Đổng Trác đã tiến kinh khống chế kinh thành, phế Hán Thiếu Đế Lưu Biện, lập Hán Hiến Đế Lưu Hiệp làm lũng đoạn triều đình.

Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Đổng Trác không lập công vẫn được thăng tiến
Đổng Trác xuất thân từ một gia đình võ quan.

Đổng Trác vốn là người huyện Lâm Thao quận Lũng Tây, Lương Châu (nay là huyện Mân, tỉnh Cam Túc), là đồng hương với tướng Hoàng Phủ Tung. Huyện Lâm Thao thuộc phía nam quận Lũng Tây do Đô úy cai trị, trong thời Tây Hán là một biên thùy trọng trấn phòng ngự người Khương. Địa thế vùng này núi cao, sông sâu, vốn thuộc đất Khương Trung.

Đổng Trác xuất thân từ một gia đình võ quan, cha là Đổng Nhã làm quan Huyện úy huyện Luân Thị đất Dĩnh Xuyên, chỉ huy quân lính ở huyện, duy trì trật tự an ninh địa phương. Từ nhỏ Đổng Trác được cha đưa về Lương châu ở chung với người Khương. Người dân ở đây do giao tiếp nhiều với người dân tộc Khương, cưỡi ngựa bắn cung, tập thành tính tình hung hãn mạnh bạo. Đổng Trác có sức khỏe, thích đánh nhau, học cưỡi ngựa, biết bắn cung cả hai tay, thích đeo 2 bộ cung trên lưng. Ông theo đuổi nghiệp binh, trở thành một võ quan của nhà Đông Hán. Tuy có học binh pháp nhưng ông không biết vận dụng, bởi vậy không lập được công lao gì to lớn nhưng nhờ khôn khéo mà vẫn có thể thăng tiến.

Đổng Trác biết chạy chọt các cận thần, nhất là hoạn quan trong triều

Cuối năm 184, ở Hoàng Trung, Hàn Toại, Biện Chương khởi binh chống triều đình, đánh giết Hiệu úy hộ Khương là Linh Chủy và Thái thú Kim Thành là Trần Ý. Năm 185, Biện Chương và Hàn Toại mang quân Tây Châu uy hiếp khu vực Tam Phụ gần Trường An. Hán Linh Đế sai Hoàng Phủ Tung từ Ký Châu về, cùng Đổng Trác đi dẹp loạn.

Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Đổng Trác không lập công vẫn được thăng tiến - 1
Đổng Trác biết chạy chọt các hoạn quan.

Hai tướng đang đánh nhau với quân Hàn Toại chưa phân thắng bại, Hán Linh Đế sai hoạn quan Trương Nhượng đi thị sát, Trương Nhượng đòi Hoàng Phủ Tung hối lộ 50 triệu quan tiền. Hoàng Phủ Tung không cho. Trương Nhượng bèn về vu cáo với Linh Đế rằng Hoàng Phủ Tung đánh Khăn Vàng không hề có công lao, lại lãng phí tiền công quỹ. Hán Linh Đế tin lời hoạn quan, bèn triệu hồi Hoàng Phủ Tung về cách chức, đưa Xa kỵ tướng quân Trương Ôn ra thay. Còn Đổng Trác tuy cũng không có quân công nhưng cũng được gọi về thăng làm Phá lỗ tướng quân. Các sử gia nhìn nhận sự phân biệt đối xử với hai tướng là do Đổng Trác biết chạy chọt các cận thần, nhất là hoạn quan trong triều.

Ít lâu sau Đổng Trác được Trương Ôn giao cho 3 vạn quân, sai đi đánh người Khương. Khi đến huyện Vọng Hoàn, Đổng Trác bị quân Khương vây, toàn quân bị thua. Khi rút quân, Đổng Trác nói dối là giữ được toàn quân trở về, nên được phong làm Ngao hương hầu.

Theo Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-ly-do-dong-trac-khong-lap-cong-van-duoc-thang-tien-a462387.html