Giải trí

Số phận 20.000 người Việt bị cưỡng bức sang Pháp làm lính thợ ở Thế chiến II

Phim tài liệu "Công binh, đêm dài Đông Dương" (2012) của đạo diễn Lê Lâm lần đầu chiếu ở Việt Nam khiến khán giả xúc động về các số phận bị lịch sử lãng quên.

Phim tài liệu "Công binh, đêm dài Đông Dương" (2012) của đạo diễn Lê Lâm lần đầu chiếu ở Việt Nam khiến khán giả xúc động về các số phận bị lịch sử lãng quên.

Bộ phim tài liệu của đạo diễn Việt kiều Pháp phát hành năm 2012 và chiếu tại hơn 300 rạp khắp nước Pháp nhưng phải bốn năm sau mới đến với công chúng Việt. Dù là phim tài liệu, đạo diễn Lê Lâm làm như một bộ phim điện ảnh, kết hợp các trường đoạn múa rối nước truyền thống của Việt Nam và trích đoạn phim Chị Dậu.

Qua lời kể đan xen, nối tiếp của 20 nhân chứng sống, hành trình đau thương, cơ cực của hai vạn thanh niên Việt Nam rời Tổ quốc tới cuộc sống đày ải bên Pháp được tái hiện đầy ám ảnh.

so-phan-20000-nguoi-viet-bi-cuong-buc-sang-phap-lam-linh-tho-o-the-chien-ii

Một nhân chứng kể về cuộc đời lính thợ trong "Công binh, đêm dài Đông Dương".

Biến cố diễn ra vào năm 1939, ngay trước khi Thế Chiến II bùng nổ. Chính quyền thực dân về các làng quê Việt Nam cưỡng bức thanh niên trai tráng sang Pháp thay thế công nhân trong các xưởng sản xuất vũ khí phải ra trận chống Phát xít Đức. Những thanh niên khi ấy mới chỉ ở độ tuổi 17, 18 không hiểu lý do mình phải ra đi, chỉ biết rằng mẫu quốc cần họ và nếu không đi sẽ bị bỏ tù. Nhân chứng kể cứ mỗi gia đình có ba người đàn ông thì một người phải đi.

Hành trình vượt biển sang Pháp đầy tủi nhục khi suốt 40 ngày, 20.000 con người chỉ nằm bó mình trong một tầng hầm chật chội của con tàu, tầng trên cùng là lính Pháp, tầng tiếp theo là lợn và họ nằm ngay dưới. Có những người đã chết trên hành trình.

Sang Pháp, họ bị bắt làm lính thợ, nhồi thuốc súng, sản xuất vũ khí. Cuộc chiến Pháp - Đức nổ ra không lâu thì chính phủ Pháp cùng Thống chế Pétain đầu hàng, quân đội Đức vào chiếm đóng một số vùng của nước Pháp. Những người lính thợ Việt Nam lúc này bị hiểu lầm là lính đánh thuê, bị quân đội Hitler hành hạ và các ông chủ bù nhìn Pháp bóc lột thậm tệ.

Khoảng 1950 - 1952, một số người về nước nhưng không ai biết số phận của họ bên Pháp. Có người bị theo dõi vì quy vào diện từng làm việc cho đế quốc thực dân. Những người ở lại âm thầm kiếm kế sinh nhai. Năm 2009, Pháp phát hiện một cộng đồng người Việt trồng lúa nước ở miền Nam nước này. Từ đây, những người lính thợ Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp từ năm 1939 mới được chú ý.

Đạo diễn Lê Lâm cho biết ông bắt tay thực hiện bộ phim từ năm 2010 và hoàn thành trong ba năm. Mục đích là cho thế hệ sau biết được những gì thế hệ trước đã che giấu và cũng để trả lại nhân phẩm cho những người lính thợ. Họ giống như những con rối, không hề biết gì về số phận của mình. Họ có nỗi oan ức mà 80 năm qua gần như bị quên lãng.

Lê Lâm đã quay 120 tiếng đồng hồ để hoàn thành bộ phim kéo dài hai tiếng. Đạo diễn chia sẻ ông bị thôi thúc làm phim bởi đó không phải số phận của 20.000 con người mà là cấp số nhân - là vợ con, cháu chắt họ. "Tôi làm bộ phim này với trái tim nhiều hơn trí tuệ", đạo diễn Lê Lâm nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết bộ phim khiến ông liên tưởng đến cộng đồng Việt Nam ở Pháp trong Thế chiến I. Họ đều mang thân phận của những người dân nước thuộc địa phải hoàn thành nghĩa vụ với mẫu quốc, làm nhân lực hỗ trợ chiến tranh. Tuy nhiên, nếu Thế chiến I có những người làm lính trận thực sự và được hưởng một phần vinh quang sau khi đại chiến kết thúc với chiến thắng thuộc về Pháp, Thế chiến II, những người lính thợ bỗng trở thành tù binh của Đức và không được ai nhớ tới.

Theo ông Dương Trung Quốc, lỗi một phần do cách biên soạn lịch sử Việt Nam từ trước đến nay. "Chúng ta có tư duy làm lịch sử vô nhân xưng, không có con người, chỉ viết về những ý niệm như chiến tranh, cách mạng, lãnh tụ mà không đi vào thân phận". Ông cho biết những người làm sử đang bắt tay biên soạn quốc sử mới, sẽ nỗ lực khắc phục những khiếm khuyết trong cách biên soạn trước đây.

so-phan-20000-nguoi-viet-bi-cuong-buc-sang-phap-lam-linh-tho-o-the-chien-ii-1

Đạo diễn Lê Lâm (trái) và nhà sử học  Dương Trung Quốc tại buổi tọa đàm.

Buổi chiếu phim và tọa đàm có mặt nhiều người là con cháu của những người lính thợ bởi cha ông họ hầu như không còn cơ hội tham gia. Trong số 20 nhân chứng trong phim của Lê Lâm, đạo diễn nói chắc chỉ còn vài người sống. Nhiều con cháu lính thợ đã khóc khi được xem lại cuộc đời cha ông mình. Trong đó có người bày tỏ nguyện vọng được chính phủ hai nước hỗ trợ để đưa hài cốt của ông họ từ bên Pháp về Việt Nam, như một sự an ủi sau cùng.

Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948 tại Hải Phòng, sang Pháp du học từ năm 1966 tại trường Bách Khoa (École Polytechnique). Ông là đạo diễn, biên kịch của nhiều tác phẩm về Đông Dương như Long Vân Khánh hội (1981),Đế chế tàn vụn (1984), 20 đêm và Một ngày mưa (2006) và Công binh, đêm dài Đông Dương.

Công binh, đêm dài Đông Dương đoạt giải đoạt Licorne d'Or tại Liên hoan phim Amiens năm 2012 và giải nhất của hội đồng giám khảo của liên hoan Pessac cùng hai đề cử tại Festival Amsterdam lần thứ 25 cũng như festival phim Hong Kong lần thứ 37. Phim còn chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp vào ngày 19 và 26/6.

Theo Di Ca (VnExpress.net)