Giải trí

Quá trình thực hiện 300 bộ trang phục phim 'Cô Ba Sài Gòn'

Êkíp hàng chục người mất một tháng hoàn thiện những bộ áo dài, Âu phục nhiều kiểu dáng, chất liệu trong phim Ngô Thanh Vân.

Phim Cô Ba Sài Gòn xoay quanh cuộc đời Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) - con gái của bà chủ tiệm may Thanh Nữ nức tiếng Sài Gòn về áo dài. Tuy nhiên, cô chỉ đam mê thiết kế Âu phục. Là phim thời trang, yếu tố trang phục được Ngô Thanh Vân đặt lên hàng đầu.
  
Ngô Thanh Vân mời nhà thiết kế Thủy Nguyễn thực hiện phục trang cho 11 nhân vật chính và phụ với số lượng lên đến 300 bộ, gồm cả áo dài và phục trang thường ngày. Chị bắt đầu thai nghén ý tưởng từ tháng 11 năm ngoái. Nhưng phải chờ đến tháng ba năm nay, khi khâu kịch bản được hoàn thiện, êkíp mới thiết kế váy áo theo tạo hình từng nhân vật. Công việc tập trung cao độ trong 30 ngày để kịp tiến độ sản xuất phim. 

Quá trình thực hiện 300 bộ trang phục phim 'Cô Ba Sài Gòn'

Áo dài là trang phục xuất hiện nhiều nhất trong phim, cũng tốn nhiều thời gian thực hiện nhất. Nhà thiết kế và Ngô Thanh Vân tìm đến các thợ lành nghề, truyền nhân  nghề may áo dài Sài Gòn xưa để xin tư vấn. Ngoài ra, họ cũng tham khảo ý kiến của những chuyên gia về áo dài như nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

"Khán giả bây giờ rất tinh ý. Nếu mình làm không đến nơi đến chốn, không đúng tinh thần của áo dài năm 1960 - một trong bối cảnh phim, người xem sẽ nhận ra ngay", nhà thiết kế nói. Đoàn phim góp nhặt từ các thợ may lành nghề năm bước cho ra đời tà áo dài truyền thống gồm: đo, cắt, ráp, luồn vải, kết nút và ủi. Hay bí quyết để may áo đẹp của bà chủ tiệm Thanh Nữ do Ngô Thanh Vân thể hiện: "Vải có hoa văn thì phải canh chỉ cho đối xứng tà trước, tà sau. Nút muốn kết cho đẹp thì sợi chỉ phải trải đều, không được dồn cục, chiếc áo may ra có thể sắc sảo được".

Quá trình thực hiện 300 bộ trang phục phim 'Cô Ba Sài Gòn'
Tạo hình các nhân vật trong phim.

Thông điệp mà Cô Ba Sài Gòn tạo ra là tôn vinh tà áo dài truyền thống qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Yếu tố hiện đại và truyền thống được đan xen nhịp nhàng bằng một ngôn ngữ bình dị, làm nên linh hồn của phim thời trang và văn hóa. Bên cạnh đó, phim góp phần vào lời giải đáp cho câu hỏi: "Phải làm mới áo dài như thế nào" vốn gây tranh cãi trong nhiều năm qua.

Quá trình thực hiện 300 bộ trang phục phim 'Cô Ba Sài Gòn' - 1
Trang phục Tây thời 1960 cũng được chăm chút không kém áo dài.

Không chỉ áo dài, trang phục kiểu Tây của Ninh Dương Lan Ngọc và các diễn viên ở bối cảnh xưa cũng được đầu tư. Các bộ Âu phục đơn giản hơn nên có thể may sẵn trước đó vài tháng. Những chất liệu như phi lụa, phi dẻo, organza, gấm, nhung, satin... dễ tìm vì vẫn còn thịnh hành đến thời này.

Mẫu đầm suông cùng những đường kẻ ô vuông màu sắc của Như Ý khiến người xem nhớ đến bộ sưu tập năm 1966 của Yves Saint Laurent mang tên Riant Monde. Những xu hướng thời trang của năm 1960 như Swing London, hippie... cũng được tái hiện với họa tiết chấm bi hay phụ kiện đi kèm váy áo có kính mắt mèo, băng đô, mũ rộng vành, giày mũi nhọn đế thấp...

Khâu tìm phụ kiện là thử thách với êkíp. Bên cạnh những phụ kiện phổ biến dành cho nữ giới thời xưa như ngọc trai, mã não, xắc tay..., nhiều món đồ được "săn lùng" và góp nhặt nhiều ngày từ những cửa hàng bán đồ cũ ở Sài Gòn như kính mắt mèo của Ngô Thanh Vân.

Nhiều trang phục trong phim gợi những chi tiết hoài cổ. Họa tiết gạch bông đặc trưng trong kiến trúc Đông Dương một thời vang bóng từ những vật dụng đơn giản nhất từ bình hoa, gạch lát, bảng hiệu quảng cáo đã trở thành cảm hứng thiết kế váy áo cho nhân vật Như Ý (Lan Ngọc thủ vai), hay những đường ghép theo phong cách pop-art, xu hướng thịnh thành của thời trang thế giới vào những năm 1960. Bộ sưu tập này cũng từng lên sàn diễn Vietnam International Fashion Week trước khi phim ra mắt, với sự trở lại của Ngô Thanh Vân trong vai trò mở màn.

Theo Vân An (VnExpress.net)