Giải trí

Phim Việt có thể 'hái ra tiền' trên kịch bản Hàn?

Teaser phim 'Tháng năm rực rỡ'

Mua bản quyền những bộ phim đình đám Hàn Quốc đang là trào lưu thịnh hành của điện ảnh Việt, dù không phải dự án làm lại nào cũng gặt hái thành công.

Màn ảnh rộng Việt những năm gần đây đã có cú chuyển mình mạnh mẽ, dần thay đổi các định kiến của khán giả về chất lượng phim Việt. Không chỉ quanh quẩn với các đề tài hẹp, thể loại hài hay tình cảm đơn thuần, phim Việt đã đa dạng hoá hơn với nhiều thử nghiệm mới lạ.

Có thể kể đến làn sóng làm phim kinh phí lớn, phim chuyển thể tiểu thuyết, truyện tranh, cổ tích hay phim nghệ thuật trong nỗ lực nâng cao chất lượng điện ảnh Việt. Nổi bật trong số đó là trào lưu mua kịch bản nước ngoài chuyển thể, quen thuộc nhất là kịch bản của những bộ phim ăn khách màn ảnh Hàn. 

Hàng loạt những cái tên quen thuộc với người yêu điện ảnh Hàn như Miss Granny, Người đẹp ngàn cân, Spellbound, Cô nàng ngổ ngáo... đều đã và sẽ có bản Việt hoá. Số lượng phim Việt chuyển thể Hàn ngày càng nhiều hơn khiến không ít khán giả cho rằng kịch bản Hàn đang mở hướng đi mới cho điện ảnh Việt. 

Những doanh thu trăm tỷ

Em là bà nội của anh, bản Việt của Miss Granny, được xem là bộ phim khởi xướng cho trào lưu chuyển thể kịch bản Hàn trên màn ảnh rộng gần đây. Phim đã thu về 102 tỷ đồng, giữ thành tích Phim Việt ăn khách nhất trong lịch sử trước khi bị Em chưa 18 vượt mặt. 

Thành công vang dội của Em là bà nội của anh đã "vẽ" nên nhiều tương lai tươi sáng cho các dự án mua kịch bản chuyển thể. Không thể phủ nhận việc chọn làm lại một bộ phim kinh điển mang đến những thuận lợi nhất định so với sản xuất phim kịch bản gốc.

Dù phim chuyển thể luôn phải chịu áp lực lớn từ bản gốc nhưng nếu suy xét ở nhiều khía cạnh, đây vẫn là lựa chọn tương đối an toàn cho các đạo diễn. 

Phim Việt có thể 'hái ra tiền' trên kịch bản Hàn?
Em là bà nội của anh là phim Việt gốc Hàn thành công nhất cho đến nay.

Phim chuyển thể được bảo chứng độ hấp dẫn từ kịch bản gốc vốn đã chinh phục được người xem ở nhiều quốc gia. Những Cô nàng ngổ ngáo, Miss Granny, Sunny, Người đẹp ngàn cân... đều là các bộ phim thành công ở Hàn và các quốc gia châu Á, có doanh thu cao ngất ngưởng. 

Không chỉ vậy, dự án phim chuyển thể còn thu hút truyền thông, công chúng nhờ vào tên tuổi và lượng fan sẵn có của bộ phim gốc. Hầu hết "phim Việt gốc Hàn" đều gây ồn ào ngay khi mới công bố bởi người hâm mộ đều tò mò muốn biết ai sẽ diễn lại những nhân vật họ yêu thích, ai sẽ hát lại những ca khúc đình đám một thời.

Có kịch bản hấp dẫn và sự quan tâm của khán giả rồi, việc của nhà sản xuất lúc này chỉ là tuyển chọn diễn viên hợp vai và biên tập lại nội dung cho phù hợp văn hoá Việt. 

Chỉ cần làm tốt 2 bước này, bộ phim chắc chắn đã gây tiếng vang và nhận được cơn mưa lời khen. Đơn cử như trường hợp của Em là bà nội của anh (chuyển thể Miss Granny) và Tháng năm rực rỡ (chuyển thể Sunny). 

Cả 2 tác phẩm này đều có điểm chung là chọn được dàn diễn viên phù hợp, lồng ghép nhuần nhuyễn yếu tố văn hoá, lịch sử, âm nhạc của Việt Nam vào phim. 

Đến ngày 12/3 đã có thông tin Tháng năm rực rỡ thu hơn 70 tỷ đồng doanh thu. Con số trăm tỷ có thể không quá khó đối với Tháng năm rực rỡ, tính đến thời điểm này. Tuy nhiên bước "khởi sắc" trong dòng phim chuyển thể của Tháng năm rực rỡ chưa hẳn là một tín hiệu tốt với những ai yêu điện ảnh Việt. 

Khi màn ảnh "đói" sự sáng tạo 

Không phải kịch bản gốc Hàn nào cũng cho phép đạo diễn lồng văn hoá Việt vào phim bằng yếu tố lịch sử hoài cổ như Tháng năm rực rỡ và Em là bà nội của anh. Hai bộ phim này cũng dễ đi vào lòng người xem nhờ chất liệu thanh xuân vốn gây thiện cảm. 

Mặt khác, khi chuyển thể những bộ phim bối cảnh hiện đại, phim Việt tỏ ra yếu thế hơn hẳn bản gốc Hàn. Nhìn vào 2 "bom xịt" Người đẹp ngàn cân (chuyển thể 200 Pounds Beauty) và Yêu đi, đừng sợ! (chuyển thể Spellbound) là hiểu. 

Khi không có nền tảng văn hoá nội địa làm chỗ dựa, những phiên bản chuyển thể bộc lộ điểm yếu vốn có là diễn xuất kém tự nhiên, âm nhạc chưa ấn tượng, diễn biến thiếu thực tế... so với bản gốc Hàn.

Phim Việt có thể 'hái ra tiền' trên kịch bản Hàn? - 1
Yêu đi, đừng sợ! dù có Nhã Phương, Ngô Kiến Huy, Kiều Minh Tuấn vẫn trở thành "bom xịt".

Người đẹp ngàn cân của Minh Hằng và Rocker Nguyễn dù được đầu tư chỉn chu, diễn viên đẹp, nhưng lại bị chê vì giống hệt bản gốc đến từng thước phim. Người xem không có nhu cầu xem một bộ phim y hệt mà lại thể hiện không xuất sắc bằng một bộ phim khác.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, ngay cả nếu có thể làm tốt, làm hay như Em là bà nội của anh, thì phim chuyển thể cũng không nên trở thành "món quen" trên màn ảnh Việt.

Bởi dù hay đến đâu đi chăng nữa thì đó cũng là câu chuyện mà người xem đã biết nội dung. Lúc này, sự sáng tạo, tính bất ngờ mà khán giả được trải nghiệm nhờ những bộ óc làm phim tài hoa sẽ bị giảm đi đôi phần. 

Chưa kể, phim làm lại không bao giờ được công nhận như một tác phẩm mang tinh thần điện ảnh của quốc gia. Những bộ phim có yếu tố nước ngoài đều không được tranh giải ở Cánh diều vàng, cũng hiếm khi được đại diện đi tranh giải ở nước ngoài. 

Sắp tới, một loạt các phim chuyển thể Hàn Quốc khác sẽ "đổ bộ" màn ảnh Việt là Cô nàng ngổ ngáo, Ông ngoại tuổi 30, Luck-key. Đây đều là những tác phẩm đã tạo nên các hình tượng nhân vật kinh điển cho điện ảnh Hàn. 

Phim Việt có thể 'hái ra tiền' trên kịch bản Hàn? - 2
Cô nàng ngổ ngáo bản Việt tên Yêu em bất chấp chưa ra mắt đã nhận được những ý kiến trái chiều. 

Bên cạnh những ý kiến hy vọng bản Việt hoá sẽ tái hiện được ánh hào quang của bộ phim gốc, không ít khán giả mong rằng hơn cả làm phim Việt hoá hay, các đạo diễn trong nước sẽ làm được phim thuần Việt hay.

Để trong tương lai điện ảnh nước nhà không phải "nhập khẩu" kịch bản nữa mà sẽ tạo được nhiều hiện tượng doanh thu trăm tỷ như Em chưa 18 đã làm được. 

Theo Duy Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)