Giải trí

Phim chiếu mạng sẽ đánh bại phim truyền hình?

Phim chiếu mạng (web drama) xuất hiện mấy năm gần đây, hình thành một kênh sôi động và tự do cho các nghệ sĩ trẻ. Sức trẻ có thể thấy ngay trong cách làm phim của họ, nên cũng thu hút được đông đảo người trẻ dõi theo. Đã có một số nhận định rằng sắp đến thời đại của web drama, nên phim truyền hình sẽ “khó sống”. Có thật vậy không?

Năm 2018 xuất hiện hiều bộ phim chiếu mạng đình đám như Thập tam muội, Thập tứ cô nương, Nam phi liên hoàn kế, Ai chết giơ tay, Tay buôn buông tay... Trong đó, Thập Tam muội của vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật đạt hơn 2 triệu lượt xem trong ngày đầu tiên phát hành của tập 1, tập 3 cán mốc hơn 10 triệu lượt xem trong ngày đầu tiên và liên lục đứng vị trí Top 1 trending YouTube, mở đầu cho trào lưu phim giang hồ.  

Phim chiếu mạng sẽ đánh bại phim truyền hình?
Web drama “Tay buôn buông tay” của Võ Đăng Khoa để lại nhiều ấn tượng với khán giả

Câu chuyện của những người trẻ

Huỳnh Lập thắng lớn với Ai chết giơ tay khi đoạt 2 giải thưởng tại We Choice cho phim chiếu mạng xuất sắc và gương mặt truyền cảm hứng; 2 giải tại Ngôi sao xanh cho Phim chiếu mạng xuất sắc và Diễn viên chính phim chiếu mạng…

Web drama phát trên kênh YouTube ngoài việc thoải mái về thời gian phát sóng và thời lượng mỗi tập phim, còn khá tự do về đề tài, cấp phép. Các đề tài về cổ trang, giang hồ, tâm linh… đang là xu hướng được các ê-kíp làm web drama ưa chuộng. Nhìn một cách tích cực thì những bộ phim làm tốt đã bổ sung cho phim truyền hình những mảng đề tài đang thiếu, nhưng các nghệ sĩ trẻ ồ ạt đi theo một phong trào đang ăn khách mà thiếu sáng tạo sẽ sớm dẫn đến bão hòa.

Phim chiếu mạng sẽ đánh bại phim truyền hình? - 1
Một cảnh trong web drama trong “Ai chết giơ tay”

Nhạy về đề tài, tạo được xu hướng yêu thích của khán giả trẻ cho thấy sự năng động của những ê-kíp làm web drama. Họ luôn tìm cách tốt nhất để tiếp cận với khán giả như tận dụng trang cá nhân của mình, kênh YouTube, khi được báo chí phỏng vấn thì liền giới thiệu.

Ngoài đăng tải hình ảnh, kể chuyện hậu trường, họ còn tạo ấn tượng từ thiết kế poster, dựng trailer, xuất định dạng 4K có thể phát trên rất nhiều phương tiện khác nhau, thậm chí có thể chiếu màn ảnh rộng. Huỳnh Lập còn có ý định làm phần 2 của Ai chết giơ tay sẽ chiếu rạp bán vé trước khi đăng lên kênh YouTube để có dịp ngồi xem phim cùng khán giả.

Thị trường web drama lại khá linh hoạt, chẳng hạn phim Gái già lắm chiêu phần 3 sẽ có kế hoạch chiếu mạng mà không ra rạp, ngược lại Thập tam muội sẽ được quay một bản khác để ra rạp với tựa là Chị mười ba.

Những phim web drama gây tiếng vang hồi năm ngoái đều có kinh phí sản xuất lên đến vài tỷ đồng. Đây không phải là con số nhỏ so với những phim sản xuất dưới 10 tập, mỗi tập dưới 30 phút, trong khi doanh thu thì rất ít. Tuy vậy, “dân” làm web drama vẫn tìm cách để cho ra đời những sản phẩm của mình.

Nam Thư cho biết sau khi sản xuất 2 phim Nam phi liên hoàn kế và Thập tứ cô nương thì hết vốn, nên một dự án nữa của cô dự kiến chạy vào tháng 4 năm nay phải nhờ vào nhà tài trợ. Năm 2019 diễn viên Thu Trang sẽ tiếp tục làm một phim có đề tài học đường. Một dự án làm phim nhiều tập về hậu cung thời nhà Nguyễn được đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lên kế hoạch sản xuất chiếu trên mạng trong năm nay.

Phim chiếu mạng sẽ đánh bại phim truyền hình? - 2
Thành công với web drama “Thập tam muội”, vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật quay một bản khác để ra rạp với tựa là “Chị mười ba”

Đe dọa phim truyền hình?

Web drama và phim truyền hình có hình thức tiếp cận khán giả rất khác nhau, phân khúc khán giả cũng khác. Tuy nhiên, sự phát triển của web drama phần nào cũng đặt phim truyền hình vào một tình thế khó.

Theo đạo diễn Xuân Phước: “Việc sản xuất phim truyền hình đang bị giảm sút vì nhiều lý do, trong đó có sự xuất hiện của web drama. Web drama tạo cho phim truyền hình một sự cạnh tranh khốc liệt, vì sự thông thoáng trong sản xuất và duyệt”.

Đứng ở góc độ một diễn viên đóng rất nhiều phim truyền hình và web drama, diễn viên Ngân Quỳnh nhận định: “Gần đây, tôi đi quay phim truyền hình thì thấy các đạo diễn làm phim kỹ trở lại, diễn viên cũng ý thức hơn trong công việc của mình, ít hẳn kiểu thoại như trả bài và chịu trao đổi vai diễn với đạo diễn, bạn diễn hơn. Game show và web drama đã buộc những người làm phim truyền hình phải như vậy”.

Thế nhưng, web drama cũng đầy khó khăn và có rất nhiều phim kém chất lượng, nhảm nhí. Một trong những khó khăn lớn nhất của web drama là tìm kinh phí, điều này sẽ làm cho các ê-kíp khó “chạy đường dài”. Thêm nữa, những người trẻ dù có nhiều sáng tạo thì cũng còn nhiều non nớt trong các khâu sản xuất, vận hành một đoàn phim, bán phim, thu hồi lợi nhuận.

Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh cho biết anh thường từ chối làm web drama vì tính giáo dục không được đề cao, những bộ phim giang hồ tràn lan trên mạng khiến anh… bị ngợp. Đạo diễn Xuân Phước hoạt động khá lâu năm trong nghề khá tự tin: “Web drama muốn tồn tại thì những người tham gia sản xuất phải hết sức tỉnh táo, chú trọng đến chất lượng nhiều hơn. Vì thế giới phẳng nên người xem có ở lại với mình hay không là điều không hề dễ dàng”.

Chính vì vậy, có lẽ sự cạnh tranh nếu có thì chỉ là một sự thúc đẩy để phim truyền hình thoát khỏi sức ỳ, thiếu sáng tạo, thậm chí có phần cẩu thả, chứ chưa đến lúc web drama gây được “mối hiểm hoạ” cho phim truyền hình như vài ý kiến nêu ra.

Lâm Hạnh (Thể Thao & Văn Hóa)