Giải trí

NSND Lê Khanh: Nhiều 'set' tặng danh hiệu bây giờ nhằm mục đích bù đắp cho những nghệ sĩ đang... bị ốm

Theo NSND Lê Khanh, nếu hỏi rằng danh hiệu có đảm bảo cuộc sống nghệ sĩ trong tương lai không, thì chị sẽ khẳng định rằng không.

Việc xét tặng danh hiệu dựa trên huy chương gây ra nhiều khập khiễng

* Thời gian qua, vấn đề xét phong danh hiệu NSƯT, NSND đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giới nghệ sĩ lẫn dư luận. Theo đó, người được xét duyệt lại chủ động đề đơn xin rút, nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật lại thuộc diện đặc cách... Cá nhân chị nhìn nhận chuyện này ra sao?

- Theo tôi, việc xét phong danh hiệu nghệ sĩ cần học mô hình ở nước Nga. Đó là tôn vinh và đánh giá đúng giá trị nghệ thuật của những nghệ sĩ tạo nên hiện tượng đột phá trong giới chuyên môn về tài năng, sự phá cách hay độc đáo... Hiện nay, việc xét phong danh hiệu của nước mình đang hòa lẫn với thành tựu sự nghiệp, còn như ở nước Nga thì nó là giá trị nghệ thuật, nó không liên quan đến tuổi đời làm nghề, cũng không liên quan đến sức khỏe...

Sự đánh giá danh hiệu ở mình hiện nay chỉ được xét dựa trên huy chương thôi, những xét bằng huy chương thì nó lại khập khiễng ở phương thức làm nghề giữa hai miền. Chẳng hạn như để tham dự liên hoan thì các nhà hát công mới có điều kiện đầu tư thử nghiệm, vì chỉ cần mang đi thôi còn bán được vé hay không không quan trọng. Với sân khấu xã hội hóa thì khác, vì nó liên quan đến tiền của chính bản thân họ. 

Thậm chí, còn bi hài, trớ trêu hơn là những “set” tặng danh hiệu bây giờ nhằm mục đích bù đắp cho những nghệ sĩ đang... bị ốm, thế là giá trị của danh hiệu nghệ sĩ ấy nó khác đi rất nhiều rồi, nhưng tôi tin là các nhà quản lý cũng đang hết sức đau đầu. Họ phải giải một bài toán là làm thế nào để giữ chân được những người vẫn còn chịu làm công tác văn hóa nghệ thuật.

NSND Lê Khanh: Nhiều 'set' tặng danh hiệu bây giờ nhằm mục đích bù đắp cho những nghệ sĩ đang... bị ốm

* Nghĩa là xét tặng danh hiệu dựa trên tình thương?

- Không ít người đâu và họ từng nói với cơ quan quản lý rằng: “Tôi ốm, tôi cũng chẳng còn cơ hội nữa...”, chỉ cần nói thế thôi là người làm quản lý cảm thấy áy náy lương tâm lắm! 

Nhiều năm qua tôi gần như là người đại diện cho các nghệ sĩ đi thuyết phục, đấu tranh nhằm cải thiện, nâng cao chế độ chính sách đối với các nghệ sĩ. Bây giờ họ chỉ có vài triệu đồng lương cơ bản thì làm sao có tâm thế của một NSƯT hay NSND? 

Tôi từng hy vọng vào năm 2017, mức lương nghệ sĩ sẽ được nâng hạng ngạch nhưng kết quả không thành. Lý do là các Bộ ngành khác họ so sánh bên văn hóa nghệ thuật có quá nhiều NSƯT, NSND mới mà theo quan điểm của họ, họ không phục và cho đó là quá dễ dàng để có danh hiệu, trong khi các chức danh giáo sư, tiến sĩ... phải phấn đấu chật vật mới đạt thành. 

Khi chuyển sang công tác quản lý, hỗ trợ vào công tác phát triển Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi còn bị cắt luôn cả chế độ thanh – sắc trong khi tôi vẫn diễn, như vậy là thiệt đi nhưng tôi vẫn làm. Nếu đi đâu mà khai ra mình hạng ngạch như thế này thì xấu hổ lắm, mất hết cả tư thế!

"Nếu kịch Nam - Bắc mà giống nhau thì cần gì Liên hoan?"

* Có ý kiến cho rằng các tác phẩm dự thi trong Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc năm nay vẫn còn khoảng cách và sự khác biệt về phong cách kịch nói giữa hai miền Nam – Bắc, khi các vở kịch miền Bắc được nhận xét là khô khan khiến khán giả khó cảm thụ, miền Nam lại cuốn hút người xem với nhiều nội dung đa dạng. Chị nghĩ sao về nhận định trên?

- Đúng là như vậy, mỗi sân khấu của một địa phương thì đều hiển thị những đặc trưng tương ứng với vùng miền và mô hình hoạt động ấy. Nhận định trên là hợp lý ở đặc thù tiêu chí vùng miền, điều này mới làm nên sự phong phú và đa dạng. Nếu như trong liên hoan mà chúng ta chỉ có một phong cách, diễn một kiểu, xu hướng nhất quán thì còn cần gì liên hoan?

NSND Lê Khanh: Nhiều 'set' tặng danh hiệu bây giờ nhằm mục đích bù đắp cho những nghệ sĩ đang... bị ốm - 1
NSND Lê Khanh

Liên hoan là để được gặp nhau, xem những hình thái, phong cách, quan điểm... sự khác biệt đó là cần thiết và tất yếu. Trong khi các đơn vị kịch phía Bắc có tiêu chí nghệ thuật mang đậm giá trị tư tưởng, phục vụ chính trị và không đặt nặng yếu tố thương mại thì những sân khấu xã hội hóa ở miền Nam và tiêu chí đầu tiên là làm sao đưa tác phẩm đến được với khán giả. 

Sân khấu kịch miền Nam đã là những “người anh hùng” trong thời bình, đặc biệt trong thời hiện đại khi phải cạnh tranh, tiếp nhận sự mở cửa của văn hóa văn minh thế giới, các bạn vẫn chống chọi và khẳng định được doanh thu. Tấm vé mà các bạn bán được và nhu cầu thực sự của khán giả khi đến rạp xem kịch.

Riêng các nhà hát phía Bắc còn câu nệ, nặng nề về tính phục vụ cho nên nó khô khan và phải trả một cái giá từ việc tặng vé miễn phí cho khán giả. Dần dần người xem đã quen với chuyện xem kịch không mất tiền và cái gì mà miễn phí thì người ta thường coi nhẹ hay bỏ đi một cách dễ dàng, đây là sự trả giá rất lớn cho mô hình nghệ thuật có yếu tố phục vụ.

Tôi có nghe ý kiến cho rằng sự khác biệt ngôn ngữ giữa hai miền khiến khán giả miền Nam khó nghe và cảm thụ tác phẩm miền Bắc nên phải biên tập lại lời thoại cho phù hợp thì theo tôi, nếu cần thiết thì làm nhưng cái đó lại mất đi tính đặc trưng vùng miền. Chúng ta rất cần những giá trị riêng biệt mang dấu ấn địa phương thì nó mới sinh động. 

NSND Lê Khanh: Nhiều 'set' tặng danh hiệu bây giờ nhằm mục đích bù đắp cho những nghệ sĩ đang... bị ốm - 2

* Trong 27 vở diễn dự thi tại Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018, nhiều tác phẩm có kịch bản cũ từ cách đây gần 20 năm được tái dựng. Phải chăng điều này phản ánh thực trạng thiếu hụt trầm trọng, khủng hoảng kịch bản của nghệ thuật kịch nói?

- Đây là một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua chứ không riêng năm nay và không phải chỉ ở Việt Nam, tôi chắc chắn vấn đề thiếu nguồn kịch bản là toàn cầu đều gặp phải. Nước nào cũng đang đối diện với sự khủng hoảng về kinh tế và văn hóa. Theo tôi được biết thì thù lao biên kịch khá khiêm tốn mà họ thì mất sức nhiều lắm. 

Ngoài ra, họ không được nói những điều cần phải nói để thay đổi xã hội, cải thiện đời sống, làm đẹp, làm thiện... Công chúng lại không chấp nhận những vở có nội dung không thật, còn những gì có thể thực hiện thì rất tiếc lại không được đầu tư thích đáng, cho nên nó lại hạn chế.

NSND Lê Khanh: Nhiều 'set' tặng danh hiệu bây giờ nhằm mục đích bù đắp cho những nghệ sĩ đang... bị ốm - 3

* Chị nghĩ sao nếu có quan điểm cho rằng sự cũ kỹ kịch bản, thiếu đề tài xã hội mang tính thời đại là lời cảnh báo về sự trì trệ của kịch nói nếu không muốn nói là sự thụt lùi?

- Nói về khái niệm vở cũ tái dựng tại liên hoan năm nay, ngoài vấn đề thiếu hụt kịch bản thì cũng có thể thấy, giá trị cũ này chứng minh rằng những vở diễn ấy thật sự lớn. Nó đã chứng minh được nó tốt vượt thời gian, cũng như những ca khúc sống mãi theo năm tháng. Các nước tiên tiến phương Tây đến giờ này họ vẫn làm Shakespeare, Molière... và bao nhiêu ông Tổ kể từ xa xưa nữa.

Thế thì, tại sao người ta làm lại? Người ta hết kịch bản chăng? Hay là người ta vẫn thấy rằng tác phẩm nó lớn thật? Tôi cho rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay hãy làm nên những tòa đài cao để khỏi tủi hổ với các nước láng giềng thế là đủ, làm cho mình vinh quang và sáng lạng hơn.

Tất nhiên, có nhiều lý do để công chúng cho rằng sân khấu kịch đang thụt lùi, đầu tiên là từ phía nhà quản lý, họ thường nói với khán giả rằng vì không có kịch bản mới hay hơn cho nên thà chúng tôi phục dựng vở cũ hay còn hơn là thực hiện vở mới, cái này đúng một phần. Lý do thứ hai là chưa thuyết phục người xem đó chính là dựng lại cái cũ nhưng không làm mới nó hơn ngày hôm qua. 

Bao nhiêu lần chủ trương của Nhà nước cũng rất tiến bộ, tích cực, phát động những hội diễn thử nghiệm nhưng vẫn cứ khập khiễng, pha trộn lung tung không thuyết phục được, cứ lổn nhổn lấy chèo, tuồng hay cải lương đắp vào rồi bên cải lương lại lấy sân khấu kịch nói đắp vào... 

Không chỉ khủng hoảng về kịch bản, lĩnh vực kịch nói còn đang thiếu trầm trọng đạo diễn sân khấu. Phần lớn vẫn đòi hỏi đạo diễn kinh nghiệm, chuyên nghiệp và nặng về thi thố, muốn ăn chắc phần giải thì nên nhờ những đạo diễn uy tín. Đó là lý do khiến nguồn đạo diễn sân khấu ngày càng thiếu hụt.

NSND Lê Khanh: Nhiều 'set' tặng danh hiệu bây giờ nhằm mục đích bù đắp cho những nghệ sĩ đang... bị ốm - 4

* Mới đây tại liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018, vai diễn bà mẹ do NSƯT Quang Thắng thủ vai trong vở Thiên đường của đoàn kịch nói Hải Phòng đã hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về việc nghệ sĩ nam lạm dụng giả nữ không cần thiết để gây cười. Thực trạng này đã tồn tại và tiếp diễn nhiều năm qua, chị nhận định ra sao về vấn đề này?

Vấn đề giả gái đang bị lạm dụng, cũng giống như trước đó là trào lưu kịch ma chiếm lĩnh. Thế nhưng, đi đâu chỗ nào cũng giả gái, kịch ma thì khủng khiếp, đã làm cho vô thức khi chưa phát triển chiều sâu, bỏ qua hết những giá trị về thẩm mỹ, tư tưởng... đó là phương án an toàn để có khán giả.

Vấn đề giới tính trên thế giới hiện nay đang là vấn đề thời đại và bình đẳng. Việc đặt nghệ sĩ nam vào vai diễn nữ đó mà không phải là diễn viên nữ khác thì người đạo diễn phải lý giải được sự lựa chọn này. Nếu dễ dàng chạy theo xu thế để có cái gì đó thú vị trong thị hiếu thì nó cũng nằm trong cái gọi là theo trào lưu, cũng giống như trào lưu hài. Bây giờ cái gì cũng phải có hài thì nó làm cân bằng trở lại, cũng thú vị nếu thuyết phục, Nó không bất hợp lý nếu vai diễn đó nằm trong ý đồ đạo diễn và muốn chứng minh rằng nghệ sĩ này có tài. 

Theo Thanh Hương (Phunuonline.com.vn)